Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) Hoàng Văn Tiến đã có những chia sẻ với phóng viên về hoạt động hỗ trợ trẻ em của Quỹ trong năm qua và thời gian sắp tới. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi:
Năm 2021, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và gây khó khăn về mọi mặt trong đời sống xã hội, Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam đã thực hiện việc hỗ trợ cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em mồ côi do đại dịch như thế nào, thưa ông?
Năm 2021, đợt dịch COVID-19 bùng phát ở nước ta gây ảnh hưởng to lớn tới mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có trẻ em. Nhiều trẻ em trở thành F0, F1, phải tự đi điều trị hoặc cách ly; nhiều trẻ sinh ra khi mẹ là F0; đặc biệt nhiều trẻ em trở thành mồ côi khi bố hoặc mẹ, thậm chí cả bố và mẹ mất do COVID-19. Trước tình hình đó, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã tập trung triển khai kịp thời các hoạt động hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trên cả nước. Có thể nói, hoạt động của Quỹ đã khởi đầu cho việc hỗ trợ cho trẻ em là F0 điều trị ở bệnh viện và F1 bị cách ly, từ đó hình thành chính sách xã hội theo Nghị quyết /NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là điều rất đặc biệt khi chúng tôi có thể đóng góp một phần vào sự hình thành chính sách xã hội ở Việt Nam một cách kịp thời để khắc phục ảnh hưởng của COVID-19 thời gian qua.
Theo chỉ đạo của Hội đồng Bảo trợ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, Quỹ đã hỗ trợ cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, trong năm 2021, gần 15.500 trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đã được Quỹ hỗ trợ, trong đó có 2.930 trẻ mồ côi và 520 trẻ là con sản phụ mắc COVID-19… với kinh phí trên 20,8 tỷ đồng.
Cụ thể, mỗi trẻ em mồ côi do dịch COVID-19 được hỗ trợ với mức ban đầu là 5 triệu đồng/em. Riêng trẻ em mồ côi không nơi nương tựa được hỗ trợ thêm 20 triệu đồng để lập sổ tiết kiệm, khi các em đến tuổi trưởng thành thì có thể rút số tiền này ra để sử dụng. Trong thời gian tới, nếu còn những trường hợp trẻ em không may mắn như thế, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ theo hướng này.
Ngoài ra, trẻ em là F0, F1, con của sản phụ mắc COVID-19 phải nằm điều trị ở bệnh viện được hỗ trợ 1 triệu đồng/em/lần và hỗ trợ thêm 1 triệu để mua sắm các vật dụng khi các em phải đi cách ly.
Trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, chúng tôi thực hiện các hoạt động thông qua hệ thống Quỹ Bảo trợ trẻ em tại các địa phương; kết hợp với các đoàn công tác của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi thăm, tặng quà, làm việc ở địa phương để tặng quà. Như vậy, các hỗ trợ của Quỹ gần như đến tận tay các em, đáp ứng mong mỏi của nhà tài trợ.
Đến thời điểm này, ông đánh giá như thế nào về kết quả Quỹ đã đạt được trong năm qua?
Trong năm 2021, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam rất "có duyên" trong việc huy động nguồn lực. Tính đến cuối tháng 9, đầu tháng 10/2021, chúng tôi cơ bản đạt được kế hoạch của năm là huy động 90 tỷ đồng và hỗ trợ cho 110.000 trẻ em.
Đến hết tháng 12/2021, chúng tôi đã vượt chỉ tiêu vận động tài trợ khoảng trên 150% và các chỉ tiêu hỗ trợ trẻ em khác cũng đều đạt.
Tuy nhiên các chỉ tiêu phải sử dụng dịch vụ xã hội, nhất là dịch vụ y tế như: Chỉ tiêu về phẫu thuật nụ cười, tim bẩm sinh cho trẻ em... thì không đạt được vì các cơ sở y tế cũng không thể đáp ứng yêu cầu. Gia đình các em không dám hoặc không thể đưa được con em đến cơ sở y tế do lo sợ dịch bệnh hoặc phải thực hiện giãn cách xã hội.
Vì thế phần kinh phí dành cho hoạt động này, chúng tôi đã chuyển một phần sang ưu tiên hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Phần còn lại, chúng tôi sẽ thực hiện theo yêu cầu của nhà tài trợ, tiếp tục thực hiện hoạt động hỗ trợ phẫu thuật nụ cười, tim bẩm sinh cho trẻ em trong năm 2022 và những năm tiếp theo, nếu điều kiện cho phép.
Tết Nguyên đán Nhâm Dần đã cận kề, vậy Quỹ đã có kế hoạch chăm lo Tết cho trẻ em như thế nào?
Chúng tôi đã có kế hoạch chăm lo Tết cho trẻ em từ đầu tháng 12/2021 và hiện nay cùng với việc thực hiện kế hoạch hỗ trợ Tết cho tất cả các tỉnh, thành phố, chúng tôi còn thực hiện Quyết định 588/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi thông qua gói hỗ trợ đồ ấm cho trẻ em đồng bào dân tộc vùng núi cao, biên giới, hải đảo.
Sau khi tiếp nhận tài trợ từ chương trình “Mùa xuân cho em” (ngày 9/1), chúng tôi sẽ tiếp tục cùng các địa phương và thông qua đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố để chuyển những món quà Tết đến trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em nghèo và trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 do địa phương lựa chọn theo tiêu chí cụ thể.
Dịch COVID -19 khả năng còn diễn biến phức tạp và kéo dài, vậy Quỹ có định hướng hay giải pháp lâu dài nào để đảm bảo hỗ trợ tốt cho trẻ em Việt Nam?
Chúng tôi sẽ rà soát lại các hoạt động hỗ trợ trẻ em Việt Nam đã tiến hành, hoạt động nào có kết quả, hiệu quả tốt, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ đầu tư nghiên cứu cùng các cơ quan liên quan để hỗ trợ cho trẻ em trong phòng, tránh các bệnh học đường; chăm lo sức khỏe tâm thần cho trẻ em do ảnh hưởng của đại dịch, đây là hậu quả rất nặng nề và chúng ta chưa lường hết được. Chúng tôi cũng hỗ trợ tích cực cho các em chuyển đổi, hòa nhập theo xu hướng mới như học trực tuyến; hỗ trợ phương tiện cho các em ở vùng sâu, xa để có thể cơ bản bình đẳng trong học tập như trẻ em ở vùng có điều kiện thuận lợi.
Trong thời gian tới, Quỹ Bảo trợ trẻ em sẽ tiếp tục huy động nguồn lực để hỗ trợ trẻ em Việt Nam có hoàn cảnh khó khăn ở những vùng khó khăn có cơ hội hòa nhập và phát triển; góp phần cùng Đảng và Nhà nước, cùng ngân sách của Chính phủ thực hiện các mục tiêu vì trẻ em cũng chính là thực hiện
Trân trọng cảm ơn ông!