Quy định nghỉ thai sản 6 tháng: Cần giám sát để bảo đảm quyền lợi lao động nữ

Quy định lao động nữ sẽ được nghỉ chế độ thai sản 6 tháng thay vì 4 tháng như hiện nay đã được Quốc hội thông qua, sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/5/2013. Tin vui này làm khối lao động nữ phấn chấn. Tuy nhiên, trong thời gian chờ có văn bản hướng dẫn thực hiện, nhiều ý kiến cho rằng để đảm bảo quyền lợi cho lao động nữ khi hưởng chế độ này, cần tính tới việc giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện của doanh nghiệp.

 

Niềm vui của lao động, nỗi lo của doanh nghiệp


 

Lao động nữ rất phấn khởi với quy định mới về nghỉ thai sản. Ảnh: Hà Thái - TTXVN

 

Ở công ty TNHH Miwon Việt Nam có khoảng 1.200 lao động phân bố ở nhiều địa phương như: Việt Trì, Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh… Ông Bùi Đình Thắng, Giám đốc Kế hoạch và Nhân sự của Công ty cho biết, đa phần lao động nữ ở vào các bộ phận đóng bao gói, khối văn phòng. Khi biết có quy định nghỉ thai sản được nâng lên 6 tháng thay vì 4 tháng như hiện nay, số lao động nữ có kế hoạch sinh đẻ trong năm nay “loan tin cho nhau và hoãn đẻ sang đầu năm tới để được thụ hưởng chính sách”.


Công ty Dệt 19-5 Hà Nội là một trong số những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ. Hiện công ty có 600/900 lao động là nữ, chiếm 70% tổng số lao động của công ty. Bà Nguyễn Mai Anh - Trưởng phòng nhân sự tiền lương của công ty cho biết, lâu nay theo quy định cũ, thai sản được nghỉ 4 tháng thì các lao động nữ vẫn xin nghỉ thêm 2 tháng, không lương. Vì thế, dù quy định mới này có hiệu lực thì công ty cũng không bị bất ngờ, mà vẫn có thể ứng phó được. “Quy định mới này sẽ gây khó khăn cho hoạt động sản xuất và phát triển của các doanh nghiệp nhưng vì Luật đã quy định thì không thể không làm”, bà Mai Anh khẳng định.


Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị- Tổng Giám đốc Công ty may Hưng Yên cho hay, quy định mới này không ảnh hưởng nhiều tới kế hoạch sản xuất của công ty. Có một thực tế lâu nay ở khối các doanh nghiệp dệt may sử dụng nhiều lao động nữ là sau 4 tháng được nghỉ thai sản theo đúng quy định của pháp luật hiện hành, có tới 50% chị em vẫn phải xin nghỉ thêm vài tháng do lo lắng con chưa được cứng cáp. Thậm chí có không ít trường hợp lao động nữ khi sinh con đã nghỉ hẳn việc, về quê 1 năm và sau đó quay lại xin vào làm. “Công ty đã quen ứng phó với những tình huống thiếu nhân sự như vậy nên không có gì đáng lo”, ông Dương chia sẻ.


 

Hướng dẫn sản phụ cách chăm sóc cho trẻ sau sinh. Ảnh: Trọng Đức - TTXVN

 

Ông Mai Đức Thiện, Trưởng phòng Pháp chế Lao động (Vụ Pháp chế - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết: Quy định về nghỉ chế độ thai sản 6 tháng sẽ được áp dụng từ 1/5/2013. Hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn nhưng đối với những lao động nữ sinh con từ 1/1/2013 là có thể được nghỉ sinh theo quy định mới này, sẽ có hướng dẫn để làm chế độ nghỉ sinh chuyển tiếp cho họ.

“Chính sách này của nhà nước là rất tốt, đảm bảo sức khỏe cho người lao động và con cái họ. Được nghỉ lâu hơn, có thời gian chăm sóc con lâu hơn thì con cái đỡ ốm đau, sau này khi đi làm lại họ bớt phải xin “nghỉ vặt”. Điều này đối với những doanh nghiệp sản xuất theo công nghệ dây chuyền là rất quan trọng. Sự chuyên cần của công nhân mang lại hiệu quả rất lớn”, ông Dương bày tỏ.


Tuy nhiên, khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hiện đang gặp rất nhiều khó khăn lại bày tỏ băn khoăn khi đón nhận thông tin sẽ tăng thời gian nghỉ thai sản cho lao động nữ, đặc biệt là những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ, ông Bùi Đình Thắng, Giám đốc Kế hoạch và Nhân sự của Công ty TNHH Miwon Việt Nam cho biết, doanh nghiệp chưa có chính sách, kế hoạch gì cụ thể, vì quy định tăng thời gian nghỉ thai sản cũng chỉ mới được Quốc hội thông qua.


“Sau những lần điều chỉnh lương tối thiểu trong khu vực doanh nghiệp, doanh nghiệp đã khó khăn lắm rồi. Hiện nay, điều chúng tôi lo lắng nhất là làm thế nào để tồn tại, để vực dậy sản xuất của doanh nghiệp. Có như vậy mới có thể bảo đảm quyền lợi cho người lao động được. Nếu không tồn tại được thì việc lo cho chế độ thai sản của lao động nữ sẽ rất khó”, ông Bùi Đình Thắng chia sẻ.

 

Cần giám sát và giải quyết “phần gốc”


Quy định thời gian nghỉ thai sản tăng lên được dư luận đồng thuận vì bảo đảm được quyền lợi cho lao động nữ và thể hiện tính nhân văn. Chia sẻ với báo chí, ông Đặng Quang Điều, Viện trưởng Viện Công nhân, Công đoàn Việt Nam cho rằng: “Việc này phù hợp với xu thế chung của thế giới. Điều này không chỉ giúp chị em đảm bảo quyền làm mẹ, mà còn giúp họ bồi dưỡng sức khỏe, tái tạo sức lao động để nâng cao chất lượng lao động cho xã hội. Nhưng nếu không có biện pháp giám sát thực hiện thì người lao động sẽ gặp khó khi các doanh nghiệp tìm mọi cách để lách luật.


Cũng chung quan điểm trên, theo bà Nguyễn Thị Dung - Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam, nhiều người còn đưa ra khả năng về chuyện thương thảo của lao động với chủ doanh nghiệp để nếu có đủ sức khoẻ đi làm sớm (sau tháng thứ 4) thì vẫn được hưởng chế độ thai sản vừa được hưởng lương bình thường. Nhưng liệu sẽ có bao nhiêu lao động được hưởng chế độ này, ai là người đứng ra giám sát thực hiện thì vẫn chưa thể trả lời được.


Theo một số ý kiến khác, quy định nghỉ thai sản 6 tháng là bảo đảm quyền lợi cho lao động nữ nhưng chỉ giải quyết được phần ngọn. Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị - Tổng Giám đốc Công ty may Hưng Yên, “thực ra, nếu nói về bảo đảm quyền lợi cho lao động nữ thì điểm mấu chốt và vấn đề gốc rễ hiện nay là cần giải quyết vấn đề chỗ ở, vấn đề xây nhà trẻ cho con công nhân. Có như vậy, sau thời gian nghỉ sinh, lao động nữ mới yên tâm đi làm trở lại, có thu nhập để chăm sóc cho sức khỏe của con cái họ”, ông Dương nói. “Bởi nếu không họ sẽ phải thuê người trông con, mà khi đi làm, với mức lương bình quân khoảng 4 triệu đồng/người thì không đủ ăn, không đủ thuê nhà và nuôi con. Rất khó khăn!”.


Thực tế tại đơn vị này cho thấy, trong 10 công ty thành viên của May Hưng Yên, hiện chỉ có 1 công ty là có nhà trẻ cho con công nhân. Ở công ty này, không có chuyện lao động nữ bỏ việc sau thời gian nghỉ sinh như nhiều công ty khác.


Mạnh Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN