Đi cùng đoàn kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) số 12 (Phòng CSGT Hà Nội) tuần tra trên tuyến Quốc lộ 6 Xuân Mai - Hòa Bình những ngày qua, phóng viên báo Tin Tức ghi nhận hầu hết các loại xe tải từ 7 đến dưới 10 tấn lưu thông trên tuyến không gắn phù hiệu “Xe tải”. Anh Đức Long, một lái xe tải loại 10 tấn bị dừng xe kiểm tra vi phạm cho biết đã biết có quy định này nhưng do xe chủ yếu chạy hàng trong địa bàn huyện Xuân Mai nên chưa dán.
Bà Bùi Thị Hòa Bình, Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT Hòa Bình) cho biết: Sở hiện mới cấp 8 giấy phép kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô và 37 phù hiệu “Xe tải” cho xe kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải từ 7 đến dưới 10 tấn, chiếm khoảng 10% số xe tải loại này trên địa bàn. Sở cũng đã có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, vận động tuyên truyền nhắc nhở các chủ xe, tuy nhiên lượng xe đến đăng ký cấp phù hiệu rất ít hoặc cố tình “phớt lờ” quy định.
Xe tải bị tạm giữ tại Đội CSGT số 12 Hà Nội không gắn phù hiệu xe tải. |
Còn theo Đội phó Đội CSGT số 12, Đại úy Phạm Thế Giáp, lực lượng CSGT thuộc đội 12 hàng ngày chốt trực xử lý giao thông trên tuyến tập trung xử lý xe quá tải, chạy quá tốc độ, lấn làn… Đối với quy định xe tải từ 7 đến dưới 10 tấn không gắn phù hiệu “Xe tải”, lực lượng CSGT vẫn chỉ nhắc nhở. Tới đây, đội sẽ tiến hành xử lý nghiêm xe tải loại này nếu không chấp hành.
Qua tìm hiểu, tại nhiều địa phương, chủ xe, lái xe tải lưu thông trên các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ vẫn chưa chấp hành quy định này. Tại Thanh Hóa, thống kê của Sở GTVT địa phương cho thấy, số lượng xe từ 7 đến dưới 10 tấn trên địa bàn là 2.496 xe, nhưng hiện mới có 84 xe đến đăng ký cấp phù hiệu. Theo đại diện Phòng Quản lý vận tải Sở GTVT Thanh Hóa, hầu hết các chủ xe, lái xe khi được hỏi đều nắm rõ quy định này, nhưng đều viện dẫn nhiều lý do để chây ì.
Hay như tại tỉnh Ninh Bình, đại diện Sở GTVT tỉnh cho hay, mặc dù các cơ quan liên quan đã tích cực tuyên truyền tới các chủ phương tiện thuộc diện phải đăng ký cấp phù hiệu Xe tải từ trước ngày có hiệu lực nhiều tháng, xong đến thời điểm này mới có khoảng % trong tổng số hơn 3.000 xe phải dán phù hiệu. Ông Hoàng Quốc Tuấn, Trưởng phòng Quản lý vận tải và phương tiện người lái (Sở GTVT Ninh Bình) cho rằng, để chủ phương tiện chấp hành nghiêm thì cần phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Đáng lưu ý, theo ông Phạm Công Lãnh, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Quảng Bình, trong nửa tháng qua, mới có 10 xe tải được làm thủ tục kiểm định, tương đương 1% trong tổng số xe loại 7 đến dưới 10 tấn đang hoạt động tại địa phương.
Trao đổi thực tế này, ông Đào Việt Long, Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT Hà Nội) nhận định: Thường chỉ khi nào xử phạt, các chủ xe mới mang xe đến đăng ký cấp phù hiệu. Các trường hợp chủ xe, lái xe đã kinh doanh vận tải hàng hóa thì phải nắm được các quy định, chính sách của Nhà nước để hoạt động, còn không đều là cố tình trốn tránh.
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết: Tổng cục đã đề nghị các địa phương tiếp tục chỉ đạo Sở GTVT tuyên truyền bằng nhiều hình thức về lộ trình cấp giấy phép kinh doanh vận tải, phù hiệu “Xe tải”; đồng thời yêu cầu các Sở GTVT tổng hợp số lượng xe phải lắp phù hiệu, tuyên tuyền thực hiện ngay tại các trung tâm đăng kiểm về việc gắn phù hiệu khi các xe này vào đăng kiểm.
Thủ tục cấp phù hiệu xe tải rất đơn giản. Chủ xe chỉ phải xuất trình giấy phép kinh doanh vận tải, có thiết bị giám sát hành trình là đủ điều kiện. Tất cả các thủ tục chỉ cần khoảng 2 tiếng, với mức phí theo quy định xin giấy phép kinh doanh và gắn phù hiệu là 202.000 đồng. Xe tải gắn phù hiệu sẽ tạo điều kiện cho lực lượng chức năng dễ kiểm soát, quản lý, chủ xe và doanh nghiệp vận tải lưu thông dễ dàng hơn vì lực lượng chức năng chỉ cần nhìn phù hiệu là biết chiếc xe đó đã đăng ký kinh doanh hay chưa, chủ phương tiện là ai.
Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội, các trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải và người điều khiển xe ô tô tải không thực hiện các quy định về giấy phép đăng ký và gắn phù hiệu, khi bị lực lượng chức năng phát hiện đều cần phải xử lý nghiêm để răn đe.
Theo Nghị định 171/2013 và Nghị định 107/2014 của Chính phủ: Phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với hành vi điều khiển xe không có phù hiệu hoặc có nhưng đã hết hạn đối với loại xe quy định phải có phù hiệu (hình thức phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng GPLX). |