Trong những ngày gần đây, trên địa bàn huyện Đại Lộc (Quảng Nam) rộ lên tin đồn hàng chục người đi tìm kỳ nam (trầm) và trúng đến hàng trăm tỷ đồng. Thực hư chưa ai có thể chứng minh được, nhưng một lần nữa, tình hình an ninh trật tự xã hội tại đây lại “dậy sóng”.
Thanh niên trai tráng bắt đầu đổ vào rừng tìm trầm sau khi thông tin trúng đậm kỳ nam tại Đại Lộc, Quảng Nam. |
Đại Lộc nằm dọc con Sông Cái; trong đó, có một số xã thuộc vùng miền núi, bán sơn địa như Đại Lãnh, Đại Nghĩa, Đại Sơn, Đại Hưng... Nhân dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp, một số làm nghề khai thác than và một số không ít đàn ông thường xuyên khăn gói đi đến các vùng miền núi, Tây Nguyên để tìm trầm hương, kỳ nam với hy vọng đổi đời. Đổi đời đâu chưa biết và cũng chưa ai “vỗ ngực xưng tên” là cuộc đời sang trang từ trầm, nhưng hệ lụy từ “giấc mơ trầm” thì đã khiến không ít người dân sống trong cảnh thấp thỏm chờ người thân. Vào khoảng tháng 8/2010, người dân huyện Đại Lộc rộ lên chuyện có nhóm tìm trầm tại xã Đại Nghĩa tìm được trầm và bán được hơn 30 tỷ đồng (!?), tuy nhiên cũng không có ai đứng ra nhận là mình trúng hàng tỷ đồng. Vào tháng 10/2010, hàng chục gia đình tại xã Đại Quang và Đại Lãnh (huyện Đại Lộc) có người thân đi tìm trầm trong rừng sâu, đã đứng ngồi không yên khi nghe tin đồn có đến hàng chục người chết vì ăn phải nấm độc trong khi đi tìm trầm... Tin đồn là vậy, thực hư thế nào cũng không ai chứng minh được, kể cả chính quyền địa phương. Gần đây nhất là vào đầu tháng 6/2011, tại Đại Lộc lại rộ lên tin đồn có một nhóm người ở xã Đại Nghĩa và thị trấn Ái Nghĩa, trúng kỳ nam và bán được hàng trăm tỷ đồng. Chính vì nghe tin đồn trúng trầm, nên bọn đầu gấu từ các nơi kéo đến nhà những người có tin đồn trúng trầm để “xin đểu”, nếu không cho thì bị chúng hăm dọa, thậm chí ném đá lên nhà vào ban đêm. Mặc dù những người bị “xin đểu” không báo cho cơ quan chức năng biết về hành vi của bọn côn đồ, nhưng những người dân sống trong khu vực thì luôn cảm thấy bất an khi thấy những đối tượng đầu cạo trọc, mình xăm loang lổ luôn lang thang trong thôn.
Chị N.T.H, trú thôn Nghĩa Bắc, xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc bộc bạch: Trầm kỳ mô thì tui không biết, nhưng hàng ngày thấy mấy “ông tướng” lượn lờ khắp xóm làng là tui thấy sợ cho gia đình. Đây một số là con nghiện, một số là các tay anh chị từ nơi khác đến. Họ có thể làm bất cứ việc gì để có tiền nhằm thỏa mãn nhu cầu của mình. Còn những người mà bàn dân thiên hạ đồn trúng trầm thì khóa cửa nhà trốn biệt không biết đi đâu. Bên cạnh đó, khi nghe những người dân đồn trúng trầm tại những địa điểm nọ, kia, thì ngay lập tức hàng trăm thanh niên bỏ nghề nghiệp và mùa màng để khăn gói lên rừng sâu tìm sự may mắn.
Thiết nghĩ, với một vùng quê có “truyền thống” đi tìm trầm và luôn “dậy sóng” khi rộ lên những tin đồn làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự cũng như đời sống người dân, nên chăng các cấp, các ngành chức năng cần có những phương án nhằm ổn định tình hình. Trong đó, có thể thông qua các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể... phối hợp tạo sinh kế để người dân địa phương có thu nhập ổn định, từ đó họ yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống; tuyên truyền vận động người dân yên tâm lao động sản xuất không chạy theo những tin đồn khi bỏ cả công việc của mình để tìm “giấc mơ hoa”; có biện pháp giáo dục, xử lý những kẻ tung tin đồn thất thiệt gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương...
Nguyễn Sơn