Có mặt tại khu vực khu 32, khoảnh 11 của rừng La Ngà, phóng viên TTXVN ghi nhận, cánh rừng gỗ quý đầu nguồn sông Đồng Nai chỉ còn một số ít cây tếch và dầu. Trong khi phần lớn diện tích rừng đã nhường chỗ cho các vườn cây ăn trái và các bãi trồng ngô.
Rừng La Ngà thuộc quản lý của Công ty TNHH một thành viên La Ngà – Vinafor La Ngà (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) được đánh giá là rừng phòng hộ quốc gia quan trọng khu vực đầu nguồn hệ thống sông Đồng Nai. Tuy nhiên, trong một cuộc khảo sát mới đây của tổ chức FSC (một tổ chức quốc tế, phi chính phủ, nhằm đề ra những biện pháp kiểm soát việc quản lý rừng trên thế giới phù hợp với môi trường, đồng thời có lợi ích cho xã hội và đạt hiệu quả kinh tế) tại khu vực rừng La Ngà cho thấy việc quản lý rừng vẫn còn nhiều lỗ hổng. Số vụ vi phạm lâm luật cao và đặc biệt nhiều khu vực được đánh giá là rừng giá trị cao nhưng thực tế khi kiểm tra mới phát hiện những vùng này giờ chỉ còn là những… rẫy cây ăn trái.
Kết quả điều tra của Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên thế giới WWF mới đây cho thấy, trên các cánh rừng thuộc sự quản lý của Vinafor La Ngà đã ghi nhận 585 loài thực vật bậc cao có mạch, 48 loài thú, 160 loài chim, loài bò sát, 13 loài lưỡng cư và 191 loài bướm. Trong đó có 16 loài thực vật, 17 loài thú, 9 loài chim, 13 loài bò sát ếch nhái bị đe dọa nguy cấp được ghi trong sách đỏ Việt Nam và thế giới. Hiện nay tổng diện tích rừng có giá trị bảo tồn cao ở khu vực này là 10.400 ha gồm toàn bộ diện tích rừng tự nhiên của Vinafor La Ngà nằm trên địa bàn xã Thanh Sơn, huyện Định Quán (Đồng Nai).
Người dân đã rào kẽm gai trên những khu rừng do Vinafor La Ngà quản lý. Ảnh: phapluattp.vn |
Theo đánh giá rừng tự nhiên nằm trong một dải rừng lớn liên tục, nối liền với các khu rừng đặc dụng quan trọng là Vườn Quốc gia Cát Tiên và khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai, tạo ra một dải rừng có diện tích khoảng 200.000 ha. Đây là một trong những dải rừng kín thường xanh nhiệt đới vùng thấp rất hiếm còn sót lại ở Việt Nam . Khu rừng phòng hộ trên là sinh cảnh của nhiều loài động vật quan trọng như voi, gấu, bò tót, chà vá chân đen, sơn dương và các loài chim lớn như gà tiền mặt đỏ, gà lôi hông tía và nhiều loài bò sát, lưỡng cư quan trọng đối với công tác bảo tồn. Trong số diện tích rừng trên, có gần 5.000ha rừng được xác định là rừng phòng hộ quốc gia theo kết quả rà soát 3 loại rừng theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.
Tổ chức FSC đánh giá, mặc dù rừng La Ngà đã áp dựng hệ thống kiểm soát các hành vi bất hợp pháp trong rừng như các trường hợp khai thác gỗ bất hợp pháp, lấn chiếm đất để canh tác đất nông nghiệp…Tuy nhiên tình trạng xâm hại rừng vẫn diễn ra, cụ thể năm 2011 có 111 vụ xâm hại rừng và năm 2012 có 153 vụ. Đối với vấn đề này, tổ chức FSC cho rằng, Vinafor La Ngà cần phải đảm bảo rằng các khu vực rừng quản lý phải được bảo vệ trước các hành vi khai thác và lấn chiếm đất rừng bất hợp pháp.
Ngoài ra, trong quá trình khảo sát thực tế bằng việc định vị một điểm ngẫu nhiên trên phần mềm bản đồ quản lý rừng La Ngà của cơ quan FSC, cho thấy kết quả hoàn toàn khác với thực tế. Cụ thể tại khu 32, khoảnh 11 được phân loại là rừng trồng hỗn hợp với những loài gỗ có giá trị cao như gỗ tếch, gõ đỏ và dầu. Tuy nhiên, khi đoàn khảo sát dựa vào thông tin quản lý trên bản đồ để vào rừng khảo sát thì số rừng gỗ quý trên đã “biến mất” mà thay vào đó là rừng cây chuối, những vườn ngô và quýt được người dân trồng khai thác. Trả lời câu hỏi, vì sao trong hồ sơ và bản đồ quản lý rừng tại khu vực trên là rừng gỗ quý, nhưng thực tế lại là những vườn chuối, quýt và ngô, ông Phạm Minh Khanh, Giám đốc Vinafor La Ngà lại “đổ lỗi” cho bản đồ. Ông Khanh cho rằng việc khu rừng trên không tồn tại có thể là do phần mềm bản đồ đã không thể hiện chính xác.
Có mặt tại khu vực khu 32, khoảnh 11 của rừng La Ngà, phóng viên TTXVN cũng ghi nhận, cánh rừng gỗ quý trên hiện chỉ còn một số ít cây tếch và dầu. Trong khi phần lớn diện tích rừng đã nhường chỗ cho các vườn cây ăn trái và các bãi trồng ngô.
Hiện tổ chức FSC cũng đã đề nghị Vinafor La Ngà giải trình rõ vấn đề trên. Trong khi đó ông Khanh cho biết, việc áp dụng bản đồ quản lý trên là do các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thẩm định. Lãnh đạo Vinafor La Ngà cho biết, hiện đơn vị này đang có kế hoạch sẽ vẽ lại bản đồ hiện trạng rừng để FSC đánh giá lại. Tuy nhiên theo tìm hiểu của phóng viên, việc áp dụng một phần mềm quản lý hiện trạng rừng phải được một cơ quan có thẩm quyền thẩm định và cấp phép lưu hành mới được sử dụng.
Dư luận đang đặt câu hỏi là liệu khu vực rừng gỗ quý được thể hiện trên bản đồ quản lý của Vinafor La Ngà có phải là do sai sót của bản đồ như biện minh của lãnh đạo Vinafor La Ngà hay vùng rừng trên đã bị đốn hạ và nhường chỗ cho các rẫy cây ăn trái?
Liên quan đến việc quản lý bảo vệ rừng La Ngà, trước đó TTXVN cũng đã từng phản ánh do buông lỏng trong quản lý bảo vệ rừng mà nhiều diện tích rừng đầu nguồn bị lấn chiếm, khai thác trái quy định trong suốt thời gian dài. Vụ việc sau đó đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chỉ đạo làm rõ, đồng thời một số cán bộ quản lý Vinafor La Ngà cũng đã bị điều chuyển công tác và xem xét xử lý.
Sỹ Tuyên