Một số địa bàn khác thuộc huyện này cũng tiếp tục xảy ra tình trạng phá rừng trong những ngày qua. Điều đáng nói, đây là những vụ phá rừng mới nhất, chỉ vài ngày sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về vụ việc hàng ngàn cây thông bị hạ độc tại xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà.
Theo thông tin ban đầu, kẻ gian đã dùng cưa máy cưa hạ gần chục cây thông lớn tại tiểu khu 263B, khu vực chỉ cách Trạm Quản lý bảo vệ rừng Đội số 4 (thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Lâm Hà) chưa đầy 150m. Vị trí này nằm liền kề nhà ở của 2 hộ dân ở thị trấn Nam Ban đã nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng và ngay bên tỉnh lộ 725.
Anh Trần Minh Đăng, cán bộ quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn cho biết: Đối tượng phá rừng rất manh động, trước khi tổ chức phá còn cử người canh ngược lại đơn vị quản lý rừng. Bọn chúng thường hành động rất nhanh, như vụ việc sáng 14/5 chỉ thực hiện trong vòng chưa đầy 10 phút. Khi mọi người còn đang ngủ, nhân viên bảo vệ rừng, người dân và hộ nhận khoán nghe tiếng cưa máy, chưa kịp mặc quần áo, xỏ giầy chạy tới thì đối tượng đã cưa xong và bỏ đi rồi.
Cùng thời điểm, tại khu vực đồi thông thuộc địa bàn thôn 4, xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà, cũng xảy ra tình trạng phá rừng tương tự, nhưng quy mô và tính chất vụ việc nghiêm trọng hơn. Hàng chục cây thông có đường kính từ 20 - 40 cm bị cưa hạ, nhưng không được lực lượng chức năng phát hiện và xử lý kịp thời. Tại hiện trường còn nhiều cây thông lớn ngã đổ, kẻ gian chưa kịp tẩu tán. Liền kề đó, cả một cánh rừng thông rộng gần 1ha đã bị phá trắng, rồi bứng gốc và cạo trọc thành vườn sản xuất trước đó chưa lâu. Có diện tích đã được người dân phân chia thành lô, thửa và rào lại bằng lưới B40.
Việc phá rừng đều nhằm mục đích chiếm đất, bởi giá trị đất ở, đất sản xuất trên địa bàn thị trấn Nam Ban, xã Gia Lâm, cũng như nhiều xã khác tăng cao trong thời gian gần đây, khiến các đối tượng ngày càng trở nên liều lĩnh, sẵn sàng chống trả người thi hành công vụ. Việc cưa hạ cây rừng diễn ra rất nhanh, ngay sau đó đối tượng rời khỏi hiện trường nên những người làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn không thể bắt quả tang.
Theo đại diện Trạm Quản lý, bảo vệ rừng Đội số 4 (thuộc Ban Quản lý bảo vệ rừng phòng hộ huyện Lâm Hà), tất cả các vụ việc phá rừng này đều đã lập biên bản ghi nhận hiện trường để xử lý, nhưng đều không xác định được đối tượng vi phạm.
Lâm Hà là địa bàn diễn ra tình trạng phá rừng trái phép để lấy đất sản xuất “nóng” nhất của tỉnh Lâm Đồng trong nhiều năm qua. Điều đáng nói là trước đó, ngày 8/5, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo về việc Thủ tướng Chính phủ yêu cầu kiểm tra, xử lý vụ việc hàng ngàn cây thông gần 20 năm tuổi bị hạ độc, chết đứng trên diện tích hơn 10ha tại địa bàn xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà. Ngay sau đó, ngày 9/5, lãnh đạo Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng đã trực tiếp xuống kiểm tra, chỉ đạo các ngành chức năng và huyện Lâm Hà khẩn trương điều tra làm rõ, đưa các đối tượng phá rừng ra xử lý trước pháp luật; đồng thời tăng cường quản lý, không để xảy ra tình trạng phá rừng tại các địa phương khác trên địa bàn.
Tuy nhiên, tình trạng phá rừng tại huyện Lâm Hà vẫn tiếp tục diễn ra ở ngay bên cạnh các đơn vị quản lý, bảo vệ rừng, cạnh trụ sở chính quyền địa phương hay trong khu dân cư, nhưng hầu như chưa hề có vụ việc nào xác định được đối tượng vi phạm để xử lý, hoặc có xác định được thì mức độ xử lý quá nhẹ, không đủ sức răn đe.