Từ “Vùng đất chết”
Vượt hơn 60 cây số từ trung tâm TP Hồ Chí Minh, về thăm chiến khu rừng Sác trong những ngày tháng tư này, chúng tôi được gặp lại những chiến sỹ bộ đội đặc công rừng Sác năm xưa. Đó là người chiến sỹ Nguyễn Văn Tám tham gia chiến đấu từ năm 14 tuổi và ông Phạm Văn Đức, tình nguyện tham gia lực lượng bộ đội địa phương chiến đấu tại chiến khu rừng Sác từ năm 20 tuổi.
Theo lời kể của ông Tám, trước năm 1975, vùng đất rừng Sác là một vùng đất sình lầy, ngập mặn quanh năm, sông rạch chằng chịt từ sông Soài Rạp vắt ngang qua quốc lộ 15 (nay là quốc lộ 51), từ Nhà Bè theo con sông Lòng Tàu chảy ra đến cửa biển Vũng Tàu, với diện tích hơn ngàn cây số vuông toàn là rừng đước, chà là, bần, mắm. Ngoài số ngư dân trong các ấp chiến lược bung ra bằng ghe xuồng làm ăn sinh sống với “nghề hạ bạc” theo dòng thủy triều lên xuống, hầu như không có sự sống của con người.
Tượng đài các chiến sỹ đặc công rừng Sác - Biểu tượng của con người Cần Giờ đầy lòng quả cảm. |
Trong chiến tranh kháng chiến chống Mỹ, đây là một trận địa sát nách Sài Gòn - Gia Định về hướng đông nam, nơi cơ quan đầu não, sào huyệt của bộ máy chiến tranh xâm lược với con sông Lòng Tàu là “yết hầu” vận chuyển tiếp tế hậu cần cho hàng triệu quân Mỹ - Ngụy. Chúng đã thả xuống rừng Sác hơn 4 triệu lít chất hóa học, 2 triệu tấn bom đạn xuống cánh rừng chở che cho cách mạng khiến cho nơi đây trở nên hoang tàn, cây cối chết đè lên nhau, bộ đội của ta phải chuyển quân ra bờ sông, trong đó lục quân của ta hy sinh hết chỉ còn lại đặc công thủy bám trụ lại tiếp tục chiến đấu. Bởi vậy mà người dân gọi đây là “vùng đất chết”.
Không những phải đối diện với bom đạn của kẻ thù, các chiến sỹ bộ đội đặc công rừng Sác còn phải chiến đấu với đói khát và nhất là phải chiến đấu với cá sấu dưới nước. Ông Tám bồi hồi nhớ lại, để bám trụ và đánh được giặc, theo chỉ tiêu trên giao, phải có đủ lương thực nuôi quân, trong lúc Nguyễn Văn Thiệu cứ gào thét “tử hình, tử hình cho ai đem ra một ký gạo tiếp tế Việt cộng”. Lúc ấy, ở rừng Sác, quanh năm không có nước ngọt ăn uống, thức ăn cũng không có, duy nhất chỉ có đọt chà là gai và lá kìm là ăn được. Vừa nói, ông vừa chỉ vào đọt chà là gần đó cho chúng tôi thấy. Bởi vậy, bộ đội phải nhờ vào số bà con cơ sở chí cốt dũng cảm chấp nhận tù đày khi bị lộ, dùng ghe vận chuyển từ Cà Mau, Bến Tre, Châu Đốc... đưa về mỗi lần hàng chục tấn gạo được khéo léo ngụy trang bằng lá dừa nước đậy khẳm qua mắt địch. Chưa đủ, đơn vị còn phải lo đối phó với một loài cá dữ không kém phần gay go, nguy hiểm là cá sấu rừng Sác. Bởi theo ông Tám “Đánh Mỹ còn thấy đường mà đánh, chứ đánh nhau với cá sấu không biết đường nào mà lần”. Ông rùng mình nhớ lại, không biết bao nhiêu đồng chí cách mạng của mình và xác lính Mỹ nằm chết đặc rừng đều bị cá sấu ăn thịt, bởi vốn loài cá sấu hung dữ này không phân biệt được đâu là bạn đâu là thù.
Ông Lê Văn Tám bồi hồi nhớ lại chuyện tham gia chiến đấu tại rừng Sác năm xưa. |
Khó khăn là vậy, gian khổ là vậy nhưng những chiến sỹ đặc công rừng Sác vẫn chiến đấu đến cùng, người này ngã xuống người khác tiếp tục tiến lên bằng ý chí, nghị lực và cả sự thông minh, tinh tế, linh hoạt. Họ nắm bắt địa bàn rừng Sác trong lòng bàn tay, đến nỗi “một tiếng con heo, con nai kêu có thể đoán được vì sao nó kêu, một tiếng lội dưới nước phải đoán được tiếng lội của hai cẳng hay bốn cẳng”. Vì vậy mà các chiến sỹ vai trần chân đất từng là nỗi khiếp sợ của đối phương, nha cảnh sát Sài Gòn lúc bấy giờ đã phải treo thưởng hàng chục cây vàng cho ai bắt được đặc công rừng Sác, tướng Mỹ Óetmôlen đã phải thốt lên rằng: “chưa có chiến trường nào kỳ quặc như chiến trường rừng Sác”.
Trở thành “miền đất hứa”
Nhắc đến rừng Sác hôm nay, người ta không chỉ nhắc đến một rừng Sác anh hùng, một rừng Sác đau thương, một rừng Sác huyền thoại mà thay vào đó là một rừng Sác tươi xanh với những hoạt động du lịch của hệ sinh thái rừng ngập mặn và những hệ thống giao thông, điện lưới được đầu tư hiện đại.
Ngồi trên đầu mũi ca nô, đi giữa rừng đước mênh mông, phóng tầm mắt sang hai bên, chúng tôi cảm nhận được sức sống mãnh liệt của những cây đước xanh đã tồn tại hàng trăm năm qua với nhiều thân cây rễ chằng chịt, cao vút, tán lá phủ xanh kín mặt sông, khó lòng mà nghĩ được rằng khi xưa nơi đây hơn 2 vạn héc ta rừng đã bị hàng nghìn lít chất độc và hàng vạn tấn bom của giặc hủy diệt. Đó là do công sức của hàng triệu người con Sài Gòn từ các quận, huyện trên thành phố đổ về, trong đó lực lượng thanh niên xung phong là nòng cốt, đem sức trẻ cống hiến để tái tạo lại màu xanh cho rừng. Chính từ những cánh rừng ngập mặn này đã mở hướng phát triển du lịch sinh thái cho Cần Giờ hôm nay, với hơn 20 dự án khu du lịch sinh thái và vui chơi giải trí, thu hút hàng vạn lượt khách tới tham quan.
Rừng Sác - Cần Giờ ngày càng chuyển mình mạnh mẽ khi có con đường bộ xuyên qua vùng đất sình lầy của rừng Sác nối nội thành thành phố với các huyện lỵ Cần Giờ, đó là con đường rừng Sác - “Con đường đánh thức Cần Giờ” được chính thức hoàn thành vào tháng 4/1985. Bà Lê Thị Thắm từng sinh ra và lớn lên tại đây cho biết: “Ngày trước khi chưa có con đường rừng Sác, muốn lên thành phố phải đi bằng đường thủy mất gần nửa ngày trời mới đến nơi, nên chúng tôi rất hạn chế việc đi lại, chỉ dám đi khi có việc thật quan trọng”. Bà Thắm cũng ngậm ngùi cho biết thêm, ước mơ lớn nhất của người dân lúc bấy giờ là có con đường chạy qua nối hai bờ lại với nhau. Vì vậy mà khi có con đường rừng Sác đã tạo đà cho Cần Giờ tiếp tục đổi mới đi lên từng ngày.
Hiện tại, con đường rừng Sác đã hoàn thành giai đoạn I trải dài từ phà Bình Khánh tới ngã ba 30/4, với ba làn xe trải nhựa khang trang, xe cộ đi lại tấp nập và luôn có những chuyến xe từ thành phố về Cần Giờ hối hả qua lại.
Nằm nơi đầu con sóng của thành phố, Cần Giờ đã phát huy được thế mạnh của vùng duyên hải bằng việc xây dựng các mô hình sản xuất nông - lâm kết hợp. Đi tới đâu cũng thấy màu xanh ngút ngàn của những cánh rừng đước, những vuông tôm, những thửa ruộng muối trắng xóa lấp lánh dưới ánh mặt trời. Người dân từ các xã Lý Nhơn, Bình Khánh... đã dần dần thoát khỏi đói nghèo, với 97% số hộ dân đã có điện, 100% tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường, hoàn thành phổ cập trung học cơ sở...
Hơn 40 năm qua, trải qua nhiều khó khăn, thăng trầm và thử thách, bằng công lao của nhân dân và sự nỗ lực của chính quyền Cần Giờ đã mang một vóc dáng mới, từ vùng đất chết trở thành một vùng đất có nhiều hứa hẹn trong tương lai. Được Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 2000 và danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới năm 2005, mảnh đất rừng Sác anh hùng đã trở thành biểu tượng của lòng uy danh, quả cảm, về sức sống, sức chiến đấu của dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam.