Rút kinh nghiệm thủy điện xả lũ

Thủy điện Hố Hô xả lũ góp phần khiến cả huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) chìm trong biển nước. Mặc dù đại diện nhà máy thủy điện khẳng định “xả đúng quy trình” nhưng kết luận ban đầu của đoàn công tác Bộ Công Thương cho thấy việc xả lũ “có vấn đề”. Bão số 7 đang tiến vào nước ta, nỗi lo thủy điện xả lũ lại tiếp tục.

Thủy điện có phần trách nhiệm

Trong các ngày 17 - 18/10, đoàn công tác đột xuất của Bộ Công Thương đã đến Hà Tĩnh, làm việc với Công ty CP Thủy điện Hồ Bốn, chủ đầu tư Nhà máy Thủy điện Hố Hô và lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, huyện Hương Khê về quy trình xả lũ của thủy điện này.

Hợp tác xã nông nghiệp xã Phương Mỹ, Hương Khê, Hà Tĩnh ngập sâu trong nước trong đợt lũ vừa qua. Ảnh: Hoàng Ngà - TTXVN

Qua quá trình kiểm tra, đoàn công tác đã đưa ra kết luận ban đầu. Theo ông Đỗ Đức Quân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương), đoàn công tác đã kiểm tra lưu lượng đến, lưu lượng xả, cũng như thời gian mở cửa xả của thủy điện. Ngày 13 - 14/10, thủy điện xả đúng theo quy trình, đúng nguyên tắc lưu lượng xả nhỏ hơn lưu lượng đến.

Tuy nhiên, nhà máy cũng có những khiếm khuyết nhất định trong công tác vận hành. Khi lũ lên quá nhanh, nhà máy đã mở cửa van tràn tối đa trong khi theo quy trình lúc đó chưa cho phép. Lý do là bên phải của hồ thủy điện bị sạt lở gây nguy cơ mất an toàn.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, đó là lý lẽ của nhà máy khi mở cửa đập tràn. Nhưng trước khi vào mùa mưa bão, nhà máy phải kiểm tra độ an toàn, phải xác định được nguy cơ rủi ro để có biện pháp chủ động ứng phó. “Nếu làm được như thế thì đã không phải dùng đến biện pháp xả tràn tối đa, gây nguy hiểm cho vùng hạ du”, Thứ trưởng Vượng đánh giá.

Theo đoàn công tác, việc phối hợp với địa phương để gọi điện, phát loa thông báo cho người dân về việc xả lũ cũng làm chưa tốt. Đại diện Cục Điều tiết điện lực cho biết, nhà máy đã cấp tiền cho 47 thôn để mua kẻng báo lũ nhưng chưa kiểm tra lại xem việc cảnh báo nên như thế nào. Quy chế phối hợp có sự phân công trách nhiệm nhưng chưa cụ thể.

Đoàn kiểm tra yêu cầu: Ngay sau đợt kiểm tra, Công ty Thủy điện Hồ Bốn làm việc ngay với tỉnh, huyện, xã để rà soát quy chế phối hợp, đảm bảo về phương thức thông tin và trách nhiệm, quá trình phối hợp giữa hai bên. Việc cảnh báo cần sớm hơn, nếu có thêm 1 - 2 giờ đồng hồ thì sơ tán sẽ kịp thời. Đợt lũ vừa rồi, từ khi nhận tin nhà máy thủy điện xả lũ thì 30 phút sau lũ đã về đến nhà. Người dân không kịp di dời tài sản, phải leo lên mái nhà chạy lũ.

Rà soát quy trình vận hành hồ chứa

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, để có giải pháp lâu dài, hạn chế tối đa thiệt hại, bảo vệ tốt nhất tính mạng, tài sản người dân, Bộ Công Thương đã thành lập ngay tổ công tác, rà soát, đánh giá việc tuân thủ quy trình vận hành hồ chứa để kết luận việc vận hành hồ chứa thủy điện Hố Hô có vi phạm quy trình hay không.

“Nếu không vận hành đúng quy trình, gây hại cho hạ du thì thủy điện phải chịu trách nhiệm. Trường hợp đã tuân thủ các quy trình vận hành hồ chứa mà hậu quả vẫn xảy ra thì cần xem lại quy trình, có chỗ nào chưa phù hợp thì cần xem lại”, ông Vượng nói.

Theo đại diện Bộ Công Thương, tổ công tác mới làm việc được 1,5 ngày, đưa ra kết luận cuối cùng là quá sớm. Cần nghiên cứu để có báo cáo đầy đủ với Bộ trưởng về nội dung này, trên cơ sở đó xác định rõ ràng trách nhiệm các bên liên quan. Mọi quy trình đưa ra đều hướng tới đảm bảo tính mạng, tài sản người dân.

“Mùa mưa bão vẫn còn tiếp diễn. Bộ Công Thương sẽ rà soát lại quy trình vận hành hồ chứa. Rút kinh nghiệm từ sự việc lần này, các địa phương phải xây dựng phương án di dời dân trong trường hợp lũ bão”, Thứ trưởng Vượng nói.

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 7 đang tiến vào nước ta, Bộ Công Thương đã gửi công điện đến các chủ đập hồ chứa thủy điện khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, yêu cầu vận hành đúng quy trình liên hồ, đơn hồ đã được phê duyệt, thông báo thường xuyên cho địa phương vùng hạ du các thông tin vận hành hồ chứa; kiểm tra công trình hồ, đập, nguồn điện, vật tư dự phòng, ứng trực để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống do mưa bão gây ra; thường xuyên theo dõi, dự báo khả năng tăng cường mực nước hồ để chủ động giảm lũ cho vùng hạ du.


Hoàng Dương
Xử lý sai phạm trong vụ thủy điện xả lũ
Xử lý sai phạm trong vụ thủy điện xả lũ

Dù trách nhiệm có thuộc về ai thì điều mà người dân vùng lũ mong muốn là những sai sót về quy trình sẽ không lặp lại và những khổ nạn mà họ đang gánh chịu sẽ không tái diễn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN