Chi viện cho miền Nam yêu thương
Tính đến chiều 26/8, Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh (Bệnh viện dã chiến số 14) do Bệnh viện Trung ương Huế trực tiếp quản lý đã tiếp nhận điều trị 50 ca bệnh COVID-19. Dự kiến, số lượng bệnh nhân điều trị nơi đây sẽ còn tăng lên trong những ngày tới.
Trước tình hình đó, sáng 27/8, Bệnh viện Trung ương Huế tiếp tục chi viện 52 y bác sĩ và điều dưỡng vào Trung tâm để thực hiện nhiệm vụ. Đây là lần thứ 5 đơn vị hỗ trợ, điều động và chi viện nhân viên y tế cho TP Hồ Chí Minh phòng, chống dịch với quyết tâm giảm tỉ lệ bệnh nhân tử vong, đẩy lùi dịch bệnh.
"Trước diễn biến dịch căng thẳng tại TP Hồ Chí Minh, tôi đã xung phong cùng các đồng nghiệp vào tuyến đầu chống dịch. Với kinh nghiệm 16 năm làm việc trong chuyên ngành gây mê hồi sức, tôi mong muốn được cống hiến sức mình cứu sống các bệnh nhân COVID-19 cùng người dân Thành phố chiến thắng dịch bệnh" – Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Trí, Phó Trưởng khoa Gây mê Hồi sức, Bệnh viện Quốc tế Trung ương Huế (thuộc Bệnh viện Trung ương Huế) cho biết.
Đến nay, Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh đã có gần 400 y bác sĩ, kỹ thuật viên và điều dưỡng tham gia tiếp nhận, điều trị và chăm sóc các bệnh nhân COVID-19. Trong đó, lực lượng chủ lực là các y bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Huế. Hầu hết, các bác sĩ tham gia chống dịch lần này là những thầy thuốc dày dặn kinh nghiệm trong lĩnh vực hồi sức, nội khoa và trị nhiễm.
Trước đó, các bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng Bệnh viện Trung ương Huế cũng được tập huấn kỹ mọi vấn đề về kiểm soát nhiễm khuẩn, vận hành máy thở, sử dụng các loại thuốc, dinh dưỡng, hướng dẫn tập vận động, trấn an tâm lý người bệnh… để sẵn sàng nhận nhiệm vụ tại Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh.
Sau 2 tuần gấp rút xây dựng, Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh được đưa vào sử dụng với quy mô 600 giường bệnh. Máy tim phổi nhân tạo ECMO, Máy lọc máu (CRRT), máy sốc tim, bồn oxy dung tích 20m3, hệ thống oxy tới tận giường bệnh… cùng nhiều vật tư y tế, thuốc men và các thiết bị khác đã được lắp đặt hoàn chỉnh, chạy thử đáp ứng nhu cầu điều trị tại đây. Đặc biệt, robot do đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế trực tiếp nghiên cứu, sản xuất cũng được đưa vào hoạt động nhằm thay thế đội ngũ nhân viên y tế phục vụ điều trị cho các bệnh nhân.
Trước đó, nhằm "chia lửa" cho ngành Y tế các tỉnh, thành phố miền Nam đang căng mình chống dịch, Bệnh viện Trung ương Huế đã tổ chức chi viện các đoàn y bác sĩ vào Đồng Tháp, Bình Dương, Tiền Giang, quận 10 (TP Hồ Chí Minh)… Hàng trăm cán bộ, y bác sĩ của đơn vị đã viết đơn tình nguyện tham gia tuyến đầu chống dịch với tinh thần cống hiến hết mình cứu giúp các bệnh nhân COVID-19.
Ở các nơi nhận nhiệm vụ, đội ngũ nhân viên y tế Bệnh viện Trung ương Huế đều làm việc đầy trách nhiệm, tạo sự tin yêu đối với chính quyền, nhân dân các tỉnh bạn. "Trong thời điểm hết sức cam go, chúng tôi nhận được sự chi viện kịp thời từ Bệnh viện Trung ương Huế với đội ngũ y, bác sĩ dày dặn kinh nghiệm và chuyên môn sâu đã không ngại đường xa, vượt hiểm nguy của đại dịch để đến Đồng Tháp giúp đỡ các bệnh nhân. Những tình cảm quý báu, sự hỗ trợ chí tình của Đoàn công tác trong một tháng qua, đã giúp chúng tôi có thêm niềm tin, động lực để sớm kiểm soát dịch bệnh, nhanh chóng ổn định tình hình, đảm bảo cuộc sống an toàn cho người dân" – Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện viết trong thư cám ơn Đoàn công tác Bệnh viện Trung ương Huế.
Sẵn sàng trước mọi diễn biến dịch bệnh
Được sự phân công của Bộ Y tế, Bệnh viện Trung ương Huế là tuyến đầu tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19 và hỗ trợ công tác phòng, chống dịch cho các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Đơn vị đã nhanh chóng tổ chức phân luồng tiếp nhận người bệnh đến thăm khám nhằm tránh lây nhiễm trong cộng đồng và trong các cơ sở khám chữa bệnh.
Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 tại huyện Phong Điền được chọn làm nơi tiếp nhận các bệnh nhân có yếu tố dịch tễ cũng như điều trị các ca bệnh COVID-19 tại Thừa Thiên – Huế và các tỉnh thành miền Trung – Tây Nguyên. Công tác tổ chức thu dung, cách ly, chữa bệnh cho các bệnh nhân được thực hiện nghiêm ngặt, khép kín, đảm bảo an toàn cho không chỉ người bệnh mà còn cho đội ngũ y bác sĩ.
Từ những ngày đầu chống dịch, đơn vị đã điều trị thành công cho nhiều ca bệnh, giúp họ bình phục trở về với cuộc sống bình thường. Đặc biệt, trong tháng 8/2020, đơn vị đã "chia lửa" cùng thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam tiếp nhận hơn 20 bệnh nhân COVID-19 tình trạng nặng. Trong đó, một số ca bệnh nguy kịch đã được đội ngũ thầy thuốc Bệnh viện Trung ương Huế hết lòng giúp đỡ, giành giật lại sự sống.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh tại Thừa Thiên – Huế diễn biến ngày càng phức tạp khi số ca mắc COVID-19 đang có xu hướng tăng. Chính vì vậy, áp lực công việc của các "chiến sĩ áo trắng" Bệnh viện Trung ương Huế đang nặng dần lên. Ngoài duy trì chữa bệnh cho gần 1.000 bệnh nhân nội trú, Bệnh viện đang phải điều trị cho 22 bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch. Nhiều ca bệnh cần can thiệp tim phổi nhân tạo ECMO, thở máy… Một số bệnh nhân COVID-19 mang thai cũng được đơn vị hỗ trợ, chăm sóc tận tình.
Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế Hoàng Thị Lan Hương, ngoài tăng cường chi viện cho các vùng dịch, bệnh viện cũng đã có những phương án đảm bảo chuyên môn, nhân lực, vật lực tại đơn vị để sẵn sàng trước diễn biến mới của dịch bệnh trên địa bàn Thừa Thiên – Huế.
Bệnh viện Trung ương Huế đang xây dựng phương án chuyển đổi công năng cơ sở 2 thành Trung tâm Hồi sức COVID-19 tại miền Trung, với quy mô gần 500 giường bệnh. Để chuẩn bị cho kế hoạch này, Bệnh viện đã tổ chức các đợt đào tạo, tập huấn liên tục cho toàn bộ cán bộ, nhân viên y tế với hình thức cầm tay chỉ việc. Nhờ đó, đội ngũ y bác sĩ nơi đây được trang bị đầy đủ, bài bản về các kỹ năng và chuyên môn phòng hộ cá nhân, hồi sức tích cực, vận hành máy thở, chăm sóc bệnh nhân…
Để làm tốt việc chi viện cho các tỉnh thành, đồng thời chống dịch tại địa phương, đội ngũ thầy thuốc Bệnh viện Trung ương Huế đã có sự phối hợp nhịp nhàng, đoàn kết cùng nhau chung sức, đồng lòng đẩy lùi dịch bệnh. Tham gia tuyến đầu chống dịch, mỗi “chiến sĩ áo trắng” đã không ngại khó, hy sinh thầm lặng, "đi trước về sau" trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.
"Chúng tôi quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Nhà nước đã tin giao; nỗ lực hết mình cứu sống nhiều nhất có thể các bệnh nhân COVID-19 để sớm cùng đất nước chiến thắng dịch bệnh" - Bác sĩ chuyên khoa II Dương Đăng Hóa, Trưởng khoa Đột quỵ (Bệnh viện Trung ương Huế) chia sẻ trong lần lên đường vào TP Hồ Chí Minh.