Sạt lở ở Tiền Giang đang diễn biến phức tạp

Tình hình sạt lở kênh rạch trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đang diễn biến phức tạp, đe dọa an toàn về đời sống và sản xuất của nhân dân, nhất là thời điểm mùa mưa bão đang về.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và phòng chống lụt bão, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thiện Pháp, từ đầu năm 2019 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 81 điểm sạt lở có tổng chiều dài gần 4.100 m, chủ yếu tại các huyện vùng ngập lũ đầu nguồn là: Cái Bè, Cai Lậy, thị xã Cai Lậy và huyện Châu Thành.

Trong đó, huyện Cái Bè nhiều nhất với 42 điểm, chiều dài gần 2.550 m; huyện Cai Lậy 31 điểm sạt lở với chiều dài 1.115 m; còn lại thị xã Cai Lậy 4 điểm và huyện Châu Thành 4 điểm.

Tỉnh đã đầu tư xử lý 58 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 3.334 m và kinh phí trên 44,3 tỷ đồng. Trước mắt, các địa phương đã xử lý được 36 điểm sạt lở trong tổng số 81 điểm sạt lở; còn lại 45 điểm sạt lở, các huyện, thị xã đang hoàn chỉnh hồ sơ và phương án xử lý trong thời gian tới.

Để khắc phục sạt lở một cách căn cơ, lâu dài, tỉnh đưa ra các giải pháp công trình và phi công trình, tùy theo đặc điểm, quy mô và tính chất từng điểm sạt lở cụ thể. Đối với giải pháp phi công trình, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh tổ chức các cuộc hội thảo đánh giá tình hình, nguyên nhân sạt lở và đề ra giải pháp khắc phục phù hợp, kết hợp với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục trong cộng đồng dân cư nhằm nâng cao ý thức và trách nhiệm trong việc phòng ngừa sạt lở; tích cực trồng cây xanh chắn sóng, chắn gió, gây bồi; trồng cỏ mái kênh mương và bờ sông rạch phòng, chống sạt lở…

Đối với giải pháp công trình, UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu các địa phương kiểm tra, rà soát và phân loại, ưu tiên đầu tư xử lý những điểm sạt lở nghiêm trọng, nguy cơ gây hậu quả lớn hoặc đe dọa an toàn tính mạng, tài sản nhân dân. Bên cạnh đó, các địa phương chủ động huy động các nguồn lực để khắc phục, chú trọng di dời nhà ở, di dời công trình… đảm bảo an toàn không để sạt lở gây thiệt hại nghiêm trọng. Đồng thời, trong mùa mưa lũ, các địa phương tăng cường rà soát, kiểm tra, theo dõi để nâng cao khả năng ứng phó thiên tai nói chung và khắc phục sạt lở nói riêng.

Ngoài ra, Tiền Giang đang triển khai mô hình kè giữ lục bình và trồng cây phòng, chống sạt lở tại các huyện, thị vùng ngập lũ phía Tây. Thực hiện mô hình, các địa phương trích ngân sách hỗ trợ các xã với mức chi cụ thể là 92.000 đồng/m dài để gây nuôi lục bình đối với các tuyến kênh chính và kênh cấp I; đối với kênh cấp II và cấp III mức hỗ trợ 90.000 đồng/m dài. Đối với trồng cây phòng, chống sạt lở ven bờ huyện hỗ trợ bình quân 7.000 đồng/cây giống.

Minh Trí (TTXVN)
Quảng Bình chủ động ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất
Quảng Bình chủ động ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, ngày 2/9, các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to; nguy cơ cao có thể xảy ra ngập lụt, sạt lở đất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN