Công ty Cổ phần may Quảng Ninh nợ bảo hiểm xã hội số tiền trên 5 tỷ đồng, thời gian nợ 12 tháng. Nguồn: baoquangninh.com.vn |
Đứng đầu danh sách các đơn vị nợ bảo hiểm xã hội kéo dài (tính đến hết tháng 5/2017) là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Âu Lạc Quảng Ninh (Tập đoàn Tuần Châu), với số tiền lên tới trên 10 tỷ đồng, thời gian nợ 26 tháng. Tiếp đó là Công ty Cổ phần xi măng và xây dựng Quảng Ninh nợ gần 7 tỷ đồng, thời gian nợ 7 tháng; Công ty Cổ phần may Quảng Ninh với số tiền trên 5 tỷ đồng, thời gian nợ 12 tháng...
Theo ông Trần Công Dân, một số đơn vị chậm nộp tiền bảo hiểm xã hội là do công việc kinh doanh gặp khó khăn nhưng cũng có một số đơn vị kinh doanh có lãi những vẫn cố tình chây ỳ, ý thức chấp hành pháp luật chưa tốt, chưa quan tâm đến quyền lợi của người lao động, điển hình là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Âu Lạc Quảng Ninh thuộc Tập đoàn Tuần Châu.
Từ tháng 5-7/2017, Bảo hiểm xã hội tỉnh phối hợp với Liên đoàn Lao động, Công an tỉnh, các cơ quan báo đài địa phương đã trực tiếp tới đơn vị để tuyên truyền về các chính sách mới của bảo hiểm xã hội, nợ bảo hiểm ảnh hưởng như thế nào đến quyền lợi người lao động… Đến hết tháng 9/2017, đã có 12 đơn vị nộp hết tiền nợ đọng với số tiền 30 tỷ đồng (tổng số tiền nợ đọng của đơn vị là 72 tỷ đồng); nhiều đơn vị tuy đã hứa nộp hết nhưng vẫn chưa nộp.
Ông Trần Công Dân khẳng định: Nếu còn tiếp tục tình trạng nợ đọng, chây ỳ, Bảo hiểm xã hội tỉnh sẽ đưa sang mức độ thanh tra (đã thanh tra được 30 đơn vị). Sau khi thanh tra, các đơn vị mà tiếp tục không thực hiện theo quyết định thanh tra, Bảo hiểm xã hội tỉnh sẽ chuyển hồ sơ sang Công an tỉnh để tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật.
Việc các đơn vị nợ đọng tiền bảo hiểm xã hội đã khiến cho công nhân lao động gặp nhiều khó khăn. Điển hình như Công ty Cổ phần sản xuất vật liệu xây dựng Kim Sơn được cổ phần hóa từ năm 2004. Đến năm 2010, công ty này bắt đầu nợ các khoản bảo hiểm xã hội của công nhân, gây ảnh hưởng trực tiếp đến gần 200 người lao động, đặc biệt là với 129 lao động đã nghỉ việc và chuyển công tác hiện chưa được chốt sổ bảo hiểm xã hội do công ty còn nợ đọng.
Bà Nguyễn Thị Nhị, khu Dân Chủ, phường Mạo Khê, thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) bức xúc nói: Năm 2013, thấy sức khỏe không đảm bảo nên tôi xin nghỉ việc. Thời điểm đó, tôi công tác được 22 năm tại Công ty Cổ phần sản xuất vật liệu xây dựng Kim Sơn. Sau khi về nghỉ, tôi tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, đến năm 2015 đủ điều kiện hưởng lương hưu. Nhưng đã gần 3 năm qua, tôi vẫn chưa chốt được sổ để hưởng chế độ do công ty còn nợ tiền bảo hiểm xã hội từ năm 2010.
Tại Công ty Cổ phần may Quảng Ninh, hầu hết những lao động nghỉ thai sản đều bị chậm trả trợ cấp sau khi quay lại làm việc; không được trợ cấp chế độ thai sản theo quy định...