Ông Hoàng Đức Hạnh thông tin về công tác phòng chống sốt xuất huyết tại địa bàn Hà Nội. |
Chiều ngày 25/7, tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: Thành phố yêu cầu các quận huyện xử lý nghiêm đơn vị không hợp tác phòng chống sốt xuất huyết.
Từ đầu năm đến nay, các quận huyện Hà Nội đã xử phạt 2 trường hợp không hợp tác phun thuốc phòng chống sốt xuất huyết, diệt bọ gậy. Cụ thể, một cơ sở sản xuất lốp tại tại phường Mai Dịch (Cầu Giấy) bị phạt 2 triệu đồng và một trường hợp tại phường Trung Liệt (Đống Đa) bị phạt 1,5 triệu đồng. “Trong thời gian tới, nếu các cơ sở sản xuất, hộ dân, đơn vị không hợp tác phun thuốc diệt bọ gậy để phòng sốt xuất huyết (SHX), các địa phương sẽ xử lý nghiêm để tăng cường hiệu quả phòng chống dịch SXH”, ông Hạnh cho biết.
Từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 6.699 bệnh nhân mắc SXH (trong đó gần 90% bệnh nhân đã khỏi bệnh) và đã có 3 bệnh nhân tử vong. Tính theo số mắc tuyệt đối, Hà Nội đứng thứ 3 cả nước.
Trước tình hình bệnh SXH có diễn biến phức tạp, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Thành phố đã yêu cầu các địa phương, nhất là các quận có số người mắc SXH cao như Đống Đa, Hoàng Mai, Ba Đình, Cầu Giấy, Thanh Trì… phải thường xuyên kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các địa bàn khu dân cư, trong đó yêu cầu các xã phường có Nghị quyết chuyên đề phổ biến đến từng bí thư chi bộ, đến từng người dân về phòng chống SXH.
Các cấp chính quyền huy động lực lượng tham gia hoạt động diệt bọ gậy chống SXH với sự tham gia của công an, giáo viên, thanh niên, phụ nữ, công nhân môi trường đô thị… Hà Nội đã thực hiện 531 chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy tại các nơi có ổ dịch. Kết quả đã có gần 54.000 hộ gia đình đữ được phun hóa chất đạt tỷ lệ 86%, nhưng có đến 5% số hộ gia đình không đồng ý phun và 9% số hộ gia đình đi vắng.
Theo ông Hoàng Đức Hạnh, tuy đã triển khai các biện pháp phòng chống dịch nhưng hiện dịch SXH huyết vẫn gia tăng, nhất là theo quy luật, số ca SXH gia tăng từ tháng 9 đến tháng 11. Nguyên nhân tình trạng SXH gia tăng và sớm tại Hà Nội là do thời tiết thay đổi, mùa hè đến sớm ở miền Bắc, nhiệt độ trung bình tại hầu hết các khu vực cao hơn những năm trước, dẫn đến véc tơ truyền bệnh phát triển mạnh; điều kiện vệ sinh môi trường hạn chế, một số khu vực thiếu nước sạch, người dân phải tích trữ nước sinh hoạt. Nhiều khu vực bãi đất trống, tiếp giáp, xen kẹt, khu nhà chưa có người ở, công trình xây dựng chứa nước… tạo điều kiện cho muỗi vằn truyền bệnh sinh sản.
Qua điều tra, số dụng cụ chứa nước là nơi muỗi vằn đẻ trứng tăng lên hàng năm, có tới 14 loại chủ yếu là các bể xi măng chưa nước không có nắp chiếm trên 40%, tiếp đó là xô, thùng chậu, chậu cảnh và phế liệu… Bên cạnh đó, Hà Nội có dân số đông, nhiều người dân ngoại tỉnh đến làm ăn và sinh sống trọ trên địa bàn, theo ghi nhận có khoảng 40% người mắc SXH là học sinh và lao động ngoại tỉnh.
“Tác nhân gây bệnh là vi rút Denge có 4 tuýp là D1, D2, D3, D4. Trước Hà Nội chỉ ghi nhận 2 tuýp gây bệnh là D1 và D2, tuy nhiên gần đây phát hiện thêm 2 tuýp mới là D3, D4 nên nguy cơ sẽ làm tăng số trường hợp mắc bệnh. Do chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu nên biện pháp chủ yếu hiện này là xử lý tại cộng đồng, trong đó tập trung xử lý nguồn gây bệnh, nhất là dụng cụ chứa nước dễ là nơi phát sinh các ổ bọ gậy”, ông Hạnh cho biết.
Lãnh đạo thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các địa phương huy động toàn thể các ban ngành vào chống dịch, cụ thể là tham gia vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh. “Các địa phương cần cương quyết xử lý, xử phạt các nhân, đơn vị, tập thể không hợp tác, trước mắt là các chủ công trường, cơ quan, xí nghiệp, trường học, chủ nhà cho thuê trọ… Đối với ngành y tế Hà Nội tiếp tục thực hiện các biện pháp chuyên môn kỹ thuật như giám sát điều tra xử lý ổ dịch tại cộng đồng, thực hiện sớm công tác cấp cứu điều trị cho người bệnh mắc SXH để hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong”, ông Hạnh khẳng định.