Đó là một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm đề cập trong hội thảo “Tăng cường năng lực về dự toán chi phí, quản lý hợp đồng, chất lượng và an toàn trong các dự án đầu tư xây dựng tại Việt Nam” do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Bộ Xây dựng phối hợp tổ chức vào sáng 8/12 tại TP Hồ Chí Minh.
Theo PGS.TS.Phạm Minh Hà, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), xây dựng là ngành chiếm tỷ trọng lớn trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân với hơn 70.000 doanh nghiệp, chiếm 10% lực lượng lao động của cả nước với mỗi năm có khoảng 50.000 công trình xây dựng mới trên cả nước.
Theo số liệu thống kê 6 tháng đầu năm 2016 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cả nước đã xảy ra 3.674 vụ mất an toàn lao động với tổng số người chết là 356 trường hợp, trong đó riêng ngành xây dựng chiếm 21,6% số vụ mất an toàn lao động và chiếm 22,3% số người chết.
Hội thảo “Tăng cường năng lực về dự toán chi phí, quản lý hợp đồng, chất lượng và an toàn trong các dự án đầu tư xây dựng tại Việt Nam” |
“Số vụ tai nạn và số người chết vì tai nạn lao động có xu hướng gia tăng và ngành xây dựng chiếm đến 1/3 trên tổng số vụ tai nạn ở tất cả các ngành nghề. Trong số các tai nạn lao động xây dựng thì tai nạn do các sự cố kỹ thuật gây mất an toàn trong thi công chiếm đến gần 50%”, PGS.TS.Phạm Minh Hà cho biết.
Theo các đại biểu, nhìn chung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về an toàn vệ sinh lao động nói chung và an toàn trong thi công xây dựng nói riêng về cơ bản đã đầy đủ để các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng, các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng tổ chức thực hiện công tác đảm bảo an toàn trong thi công. Thế nhưng, do chưa phân định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước giữa Bộ Xây dựng và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội dẫn tới nhiều bất cập trong quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh lao động.
Chính vì thế, tại hội thảo, một số đại biểu cho rằng nguyên nhân của tình trạng gia tăng số vụ tai nạn lao động do sự cố kỹ thuật gây mất an toàn xây dựng là từ công tác điều tra, xử lý vi phạm còn nhiều vấn đề. Chẳng hạn, khi có những sự cố về mất an toàn kỹ thuật trong thi công xây dựng xảy ra như sập giàn giáo, đổ cần cẩu tháp… đã từng xảy ra trong những năm gần đây, vì do không có quy định rõ cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm thực hiện nên việc điều tra, đánh giá các nguyên nhân kỹ thuật của sự cố không được thực hiện đầy đủ. Điều này dẫn tới việc xác định nguyên nhân, phân định trách nhiệm và xử lý vi phạm của các chủ thể khó thực hiện, làm suy giảm hiệu lực quản lý nhà nước.
Hiện trường vụ sập giàn giáo dự án toà nhà Kim Minh House tại thành phố Vũng Tàu khiến 2 công nhân bị thương ngày 11/6/2016. Ảnh: Đoàn Mạnh Dương- TTXVN. |
Để tháo gỡ những “nút thắt” nói trên, Bộ Xây dựng đã có ý kiến với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan làm rõ vai trò, trách nhiệm, phạm vi, quyền hạn của các bộ về quản lý an toàn trong thi công xây dựng. Đến nay, những nội dung mới về quản lý an toàn đã được quy định trong các văn bản pháp luật mới ban hành (Luật An toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13, Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 và Nghị định số 44/2016/NĐ-CP).
Tuy nhiên, theo sau đó phải có những giải pháp cần được Bộ Xây dựng khẩn trương triển khai nhằm đưa các văn bản pháp luật nói trên vào cuộc sống. Vấn đề này, ông Ngô Lâm, Phó Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), cho biết Bộ cũng đang xây dựng, ban hành Thông tư thay thế Thông tư 22/2010/TT-BXD về quy định an toàn trong xây dựng và hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động với một số quy định mới như: Chủ đầu tư thành lập bộ phận quản lý an toàn trên công trường xây dựng, xây dựng kế hoạch quản lý về an toàn, quy định về biện pháp đảm bảo an toàn trong thi công xây dựng, đặc biệt là trách nhiệm và mối quan hệ của các chủ thể đối với công tác quản lý an toàn trong thi công xây dựng.
Đồng thời, Bộ cũng xây dựng và ban hành các quy trình kiểm định an toàn lao động đối với các máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động sử dụng trong thi công xây dựng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Xây dựng. Theo đó, đến hết năm 2016, dự kiến ban hành 7 quy trình kiểm định kỹ thuật an toàn gồm: Cần trục tháp, máy vận thăng, sàn treo nâng người, hệ thống giàn giáo thép, thanh cột chống tổ hợp, máy khoan hầm… và trong năm 2017 sẽ tiếp tục ban hành quy trình kiểm định kỹ thuật an toàn lao động cho các máy, thiết bị, vật tư khác.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng sẽ tăng cường việc hướng dẫn, kiểm tra công tác an toàn trong xây dựng và đề xuất xử lý nghiêm các chủ thể có vi phạm về an toàn trong hoạt động xây dựng. Song song đó, xây dựng cơ sở dữ liệu về an toàn thi công và công bố thông tin các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện kiểm định kỹ thuật an toàn lao động trên trang thông tin điện tử của Bộ này.