Trước áp lực công việc ngày càng lớn với đội ngũ y tế của Thành phố, hàng trăm sinh viên y khoa từ các trường đại học với nhiệt huyết và kiến thức chuyên môn đã tình nguyện xông pha vào tâm dịch, tham gia hỗ trợ trong công tác truy vết, xét nghiệm, tiêm vaccine... thể hiện tinh thần xung kích của tuổi trẻ, quyết tâm cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh.
Sinh viên y khoa vào tâm dịch
Ngay sau khi nhận được thông tin từ Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) về việc huy động sinh viên y khoa tham gia chống dịch, hàng nghìn bạn trẻ từ các trường y trên địa bàn Thành phố đã nhiệt tình hưởng ứng, đăng ký tham gia làm việc tại các “điểm nóng” về dịch ở các quận 12, Gò Vấp, Tân Phú, huyện Nhà Bè và thành phố Thủ Đức.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sỹ Nguyễn Thanh Hiệp, Phó Hiệu trưởng điều hành Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (Thành phố Hồ Chí Minh), hiện có hơn 1.000 sinh viên từ năm thứ 3 trở lên đăng ký tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19. Từ ngày 27/5 đến nay đã có gần 800 sinh viên xông pha tuyến đầu chống dịch, tham gia lấy mẫu xét nghiệm COVID-19, điền phiếu tại các khu dân cư; hỗ trợ điều phối, hậu cần, đưa tin, theo dõi sức khỏe người dân trước khi tiêm vaccine phòng COVID-19… Những sinh viên dự bị còn lại cũng đang trong tâm thế sẵn sàng tham gia chi viện khi cần.
Bác sỹ Nguyễn Thanh Hiệp cho biết, trước khi lên đường tham gia chống dịch, sinh viên đã được tập huấn rất kỹ về chuyên môn, cách bảo vệ bản thân, những nguy cơ có thể xảy ra… Trong các đội sinh viên tình nguyện, đa số các bạn trẻ đã tham gia chống dịch từ các đợt trước, đã có kinh nghiệm nên các em khá tự tin, không gặp khó khăn trong công việc. Có sinh viên tham gia đợt đầu nay trở thành giảng viên của trường, lần này quay lại hỗ trợ công tác điều phối. Những sinh viên mới tham gia dù còn nhiều bỡ ngỡ nhưng được sự hỗ trợ, dìu dắt của các anh chị đi trước đã nhanh chóng hòa nhịp, làm việc hiệu quả. Nhà trường cũng đã hỗ trợ mọi điều kiện về tinh thần và vật chất, vận động các nhà hảo tâm ủng hộ để bồi dưỡng, động viên sinh viên tham gia tuyến đầu chống dịch. Những sinh viên tham gia tình nguyện đều sẽ được cộng điểm rèn luyện để đánh giá sinh viên 5 tốt, đây là một trong những tiêu chí đánh giá khi trường xét tuyển sinh viên giữ lại làm giảng viên.
Hàng nghìn sinh viên Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã tình nguyện tham gia phòng, chống dịch COVID-19, hỗ trợ tại hầu hết các điểm sàng lọc, cách ly, phong tỏa và tiêm vaccine trên địa bàn Thành phố. Thạc sĩ Trương Văn Đạt, Trưởng phòng Công tác sinh viên – Bí thư Đoàn Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ngay trong ngày đầu tiên Đoàn trường phát động, đã có hơn 500 sinh viên năm cuối của tất cả các khoa đăng ký tham gia chống dịch. Đến nay, toàn trường có hơn 1.000 sinh viên được điều động đến các “điểm nóng” về dịch để tham gia hỗ trợ trong công tác phòng, chống dịch COVID-19…
Trước đó, các sinh viên đã trải qua 4 buổi tập huấn do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố tổ chức với các nội dung cập nhật, thiết thực về an toàn sinh học, kỹ năng và trải qua quá trình thực hành để thành thục kỹ năng mặc trang phục bảo hộ PPE, kỹ thuật lấy mẫu – đóng vận chuyển mẫu SARS-CoV-2, kỹ năng mở rộng xét nghiệm giám sát để kiểm soát dịch…
Anh Trương Văn Đạt chia sẻ, xung kích tình nguyện chống dịch khi ở độ tuổi còn rất trẻ, các sinh viên gặp nhiều khó khăn vì nguy cơ lây nhiễm cao, tiếp xúc với nhiều người; làm việc liên tục, ăn uống sinh hoạt không điều độ, dễ ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để sinh viên y khoa tác nghiệp trên môi trường thực tế, giúp các em trưởng thành hơn về mặt nhận thức, kỹ năng, kinh nghiệm trong việc phối hợp tổ chức điều trị và cảm nhận rõ hơn về trách nhiệm, y đức của một người theo ngành y, đối với cộng đồng, xã hội; chuẩn bị trở thành những người thầy thuốc chân chính trong tương lai, cống hiến hết mình vì sự bình yên của Tổ quốc.
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh, toàn thành phố đã thành lập 1.000 đội lấy mẫu gồm 3.000 nhân viên y tế và 6.000 sinh viên y khoa tình nguyện; trong đó 600 đội phân về các quận, huyện, 400 đội còn lại sẵn sàng điều phối ở các ổ dịch mới phát sinh. Ngoài ra, Thành phố cũng huy động thêm 4.000 thanh niên tình nguyện đã được tiêm vaccine để hỗ trợ việc nhập liệu thông tin các trường hợp xét nghiệm, các chuỗi lây nhiễm tại địa phương…
Xung kích trên mọi mặt trận
Kết thúc công việc phân loại mẫu xét nghiệm và nhập liệu lúc 2 giờ sáng tại điểm lấy mẫu Khu chế xuất Linh Trung 1 (Thành phố Thủ Đức), Nguyễn Duyên, sinh viên năm 5 ngành Dược (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) vội vã quay về chỗ nghỉ, thay ra bộ đồ bảo hộ, tắm rửa, vệ sinh cơ thể sạch sẽ để tranh thủ cho một giấc ngủ nhanh trước khi tiếp tục nhận nhiệm vụ mới vào 6 giờ sáng. Từ khi đến hỗ trợ xét nghiệm sàng lọc và tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho hàng nghìn công nhân lao động đang làm việc tại thành phố Thủ Đức, Nguyễn Duyên cũng như nhiều sinh viên y khoa tình nguyện khác chưa có đêm nào được ngủ quá 3 tiếng, khi công việc đến dồn dập và yêu cầu cường độ làm việc nhanh, các bạn cũng ít khi ăn đủ 3 bữa/ngày.
Bạn Nguyễn Duyên chia sẻ: Ban đầu, gia đình không ủng hộ khi biết tin em đăng ký tham gia hỗ trợ chống dịch vì công việc có quá nhiều áp lực và nguy cơ lây nhiễm. Em đã thuyết phục bố mẹ rằng đất nước đang gồng mình chiến đấu với đại dịch, là một công dân Việt Nam, một đoàn viên thanh niên, một cán bộ y tế tương lai thì việc tham gia tình nguyện chống dịch đối với những sinh viên y khoa như em là chuyện đương nhiên phải làm. Đi tình nguyện trong khi chưa kết thúc học kỳ nên bên cạnh công việc hỗ trợ chống dịch, Duyên cùng các sinh viên khác phải sắp xếp thời gian để tham gia các lớp học online và tranh thủ giờ nghỉ ôn bài, chuẩn bị cho kỳ thi cuối kỳ, cuối cấp sắp tới. Tuy vất vả, nhưng để gia đình và nhà trường tin tưởng, an tâm, Duyên và các bạn đều cố gắng chu toàn giữa nhiệm vụ và việc học.
Còn đối với bạn Nguyễn Đình Tú, sinh viên năm thứ tư, ngành Điều dưỡng (Trường Đại học Nguyễn Tất Thành), hành trình tình nguyện tham gia chống dịch đã bắt đầu từ cuối tháng 5, khi em được phân công đến hỗ trợ tại điểm phong tỏa ở Phường 5, quận Gò Vấp, đảm nhận công việc lấy mẫu dịch tễ, thu thập thông tin về dịch bệnh khu vực, hỗ trợ người dân khai báo y tế và nhập dữ liệu. Khi bắt đầu công việc, Đình Tú cũng như nhiều sinh viên tình nguyện khác khá lo lắng vì số ca nhiễm trên địa bàn quận nhiều, những người thuộc diện F1 cũng rất lớn, tiềm ẩn nguy cơ nhiễm bệnh. Do trước đó đã được tập huấn và trang bị kiến thức cơ bản về phòng, chống dịch nên Tú và các bạn luôn tự động viên lẫn nhau cố gắng tuân thủ các quy định tại nơi cách ly để bảo vệ cho bản thân và hoàn thành tốt công việc.
Đình Tú chia sẻ, trong thời gian tình nguyện, quận Gò Vấp tiếp tục xuất hiện thêm nhiều ca nhiễm, công việc của các sinh viên khá nhiều áp lực, thời gian nghỉ ngơi khá ít. Khi quận bắt đầu triển khai tiêm vaccine cho người dân, Tú tiếp tục xung phong đến hỗ trợ tại điểm tiêm ở Trường mầm non Anh Đào (Phường 7, quận Gò Vấp), công việc vốn đã nhiều nay càng vất vả hơn. Xuyên suốt thời gian tổ chức tiêm vaccine kéo dài từ sáng sớm đến chiều tối, Tú cùng các nhân viên y tế liên tục dùng loa phát thông báo mọi người giữ khoảng cách an toàn, đi đúng khu vực và theo trình tự. Với những trường hợp không đảm bảo khoảng cách phải nhắc nhở, Tú cùng các nhân viên y tế khác đo huyết áp, kiểm tra sức khỏe cho người dân trước khi tiêm.
Theo bạn Đình Tú, dù đã được tập huấn đầy đủ nhưng khi vào thực tế, đối mặt với nhiều sự việc phát sinh thì đa số các sinh viên tình nguyện vẫn lúng túng… Nhưng sau vài ngày làm việc với sự hướng dẫn tận tình của các y, bác sỹ, các bạn đã dần thành thạo hơn. Công việc diễn ra gấp rút nên ai cũng làm liên tục từ sáng sớm đến đêm mới xong. Nhóm sinh viên làm công việc nhập liệu thì được thay ca về nhà nghỉ ngơi, nhưng nhóm sinh viên lấy mẫu hoặc hỗ trợ tiêm vaccine thì đều chọn ở lại điểm công tác để bảo đảm an toàn, tránh nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng. Nhiều bạn rất nhớ gia đình nhưng luôn tự nhủ phải vững lòng vì lợi ích chung.
Anh Ngô Minh Hải, Phó Bí thư Thành Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua, sinh viên ngành y của Thành phố với nhiệt huyết của tuổi trẻ, cùng kiến thức chuyên môn được học trên giảng đường, đã trở thành lực lượng xung kích quan trọng, góp phần cùng đội ngũ y, bác sỹ hỗ trợ hiệu quả công tác phòng, chống dịch. Trong những ngày tới, Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu lấy 5 triệu mẫu xét nghiệm COVID-19 trên diện rộng với quy mô 500.000 người/ngày. Để đạt được mục tiêu này, chắc chắn không thể thiếu sự đóng góp của các bạn sinh viên y khoa tình nguyện. Nhằm hỗ trợ tốt nhất cho lực lượng sinh viên tình nguyện, Thành Đoàn, Hội Sinh viên Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đồng hành cùng các em trong công tác hỗ trợ phòng, chống dịch; kêu gọi nguồn kinh phí để hỗ trợ các em từ tinh thần đến vật chất.