Trưa mùng 5 Tết Canh Tý (29/1), ghi nhận tại khoa Cấp cứu, bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, các y, bác sĩ trong tua trực vẫn miệt mài với công việc đón tiếp, theo dõi, chăm sóc bệnh nhân. Trong phòng tiếp nhận ban đầu, chủ yếu là bệnh nhân nặng từ tuyến dưới chuyển lên, không có cảnh bệnh nhân nằm tràn lan phía ngoài.
Đi chăm người nhà bị tai nạn giao thông, anh Lê Đình Đức (ở Tĩnh Gia,Thanh Hoá) cho biết: “Hôm mùng 3 Tết em tôi đi họp lớp cấp 3 về, khi đi qua đường quốc lộ thì bị ô tô tông phải chấn thương sọ não. Hiện em tôi vẫn còn chưa tỉnh, chắc sẽ còn phải nằm điều trị dài ngày. Mấy ngày ở viện ở đây tôi thấy số ca tai nạn khá đông nhưng không đến mức quá tải, vẫn có những trường hợp say rượu lái xe gây tai nạn rất đáng tiếc”.
Bác sĩ Phạm Vũ Hùng, trưởng tua trực cấp cứu ngày mùng 5 Tết cho biết: “Trong 7 ngày nghỉ Tết vừa qua, bệnh viện đã tiếp nhận cấp cứu hơn 450 ca tai nạn giao thông, cao nhất là ngày mùng 3 Tết với 85 ca. Điều đáng nói là trong số các ca tai nạn giao thông, số bệnh nhân có nồng độ cồn trong máu chỉ có 69 ca, giảm tới 6 lần so với cùng thời điểm Tết năm trước. Không chỉ số ca cấp cứu do tai nạn giao thông giảm, số ca tai nạn sinh hoạt và tai nạn pháo nổ cũng giảm".
Như vậy, từ khi Luật phòng chống tác hại của rượu bia có hiệu lực, các ca tai nạn giao thông do sử dụng rượu, bia đã giảm rõ rệt. Đây là tác động tích cực, người dân cũng có ý thức hơn trong thực hiện Luật.
Còn tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), trong những ngày nghỉ Tết số ca tai nạn giao thông cũng giảm hẳn. Theo thống kê, từ ngày 28 Tết đến mùng 5 Tết Canh Tý, tổng số ca tai nạn giao thông nhập viện tại đây là 40 ca, đặc biệt không có liên quan đến sử dụng rượu bia.
Các bác sĩ cho biết, không phải chỉ những ngày Tết mà khoảng một tháng trở lại đây, cũng ít hẳn các ca tai nạn do sử dụng bia, rượu.