Ngày 17/9, 175 lao động Việt Nam tại Libya đã bắt đầu rời khỏi quốc gia Bắc Phi này bằng đường bộ qua ngả Tunisia để từ đó bắt các chuyến bay thương mại về nước trong những ngày tới.
Các lao động Việt Nam tới sân bay Labrag (Libya) để trung chuyển sang Cairo (Ai Cập), trước khi đáp chuyến chuyên cơ cuối cùng của Vietnam Airlines để về nước. Ảnh: TTXVN |
Trao đổi với phóng viên TTXVN, Đại sứ Việt Nam tại Libya Đào Duy Tiến cho biết đây là đợt sơ tán lao động cuối cùng do Đại sứ quán Việt Nam tại Libya, đoàn công tác của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các doanh nghiệp phái cử phối hợp tổ chức. Số lao động này làm việc tại thị trấn ốc đảo Ghadamis, thuộc tỉnh cực Tây Nalut và thành phố duyên hải Misrata theo hợp đồng cung ứng giữa Công ty TNHH một thành viên Cung ứng nhân lực quốc tế và Thương mại (SONA) và Công ty Việt Nhật (Vitech) với nhà thầu địa phương ANC và Công ty Xây dựng Tổng hợp Misrata (GCCM).
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Nam, trưởng đoàn công tác đặc biệt của Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội đang có mặt tại thủ đô Tripoli, cho biết hai nhóm lao động gồm 103 người tại Misrata và 72 người tại Ghadamis đã được vận chuyển bằng 4 chuyến xe buýt tới cửa khẩu đường bộ Ras Adjir trên biên giới giữa Libya và Tunisia. Dự kiến, họ sẽ tới địa điểm tập kết tại Ras Adjir vào cuối ngày 17/9 và sẽ được đại diện của các công ty phái cử lao động hỗ trợ thủ tục xuất nhập cảnh trước khi tiếp tục hành trình tới sân bay quốc tế Tunis.
Ngoài số lao động nói trên, hiện còn 2 lao động vẫn tiếp tục ở lại làm việc tại Ghadamis, dù được gia đình, công ty phái cử lao động và đích thân Đại sứ Đào Duy Tiến nhiều lần thuyết phục sơ tán. Liên quan đến 3 lao động Việt Nam bị mất tích từ cuối tháng 7 vừa qua khi tự ý ra ngoài làm việc, Đại sứ quán Việt Nam tại Libya đã nhiều lần tiếp xúc với các cơ quan hữu quan nước bạn, chủ sử dụng lao động và chính quyền địa phương, thậm chí thuê các cá nhân và tổ chức bên ngoài tổ chức tìm kiếm, song hiện vẫn chưa tìm thấy tung tích.
TTXVN/ Tin tức