Theo ông Hà Tấn Việt, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng: Đây là đoạn đê xung yếu, phía ngoài đê không có rừng phòng hộ nên khi triều cường, sóng lớn thường xảy ra vỡ đê.
Ngoài đoạn K43 bị vỡ, tại đoạn K41 cách đó không xa, đợt triều cường rằm tháng giêng cũng đã làm sạt lở khá nhiều điểm. Sóng biển dâng cao qua khỏi mặt đê tiếp tục đe dọa nghiêm trọng đến thân đê và hàng trăm ha hoa màu của người dân bên trong.
Tuyến đê biển Vĩnh Châu bị vỡ hồi tháng 3 năm ngoái. Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN |
Ngay sau sự việc xảy ra, ngành chức năng và địa phương đã khẩn trương triển khai nhiều giải pháp khắc phục. Chi cục Thủy lợi đã phối hợp với địa phương huy động lực lượng cùng với đơn vị thi công kè đê bao biển và đến ngày 15/2, đã khắc phục cơ bản.
Cái khó là đất và vật liệu không có tại chỗ, đơn vị thi công phải sử dụng bao đất và vật liệu đưa từ nơi khác đến để hàn gắn đoạn đê bao bị vỡ. Về lâu dài, đoạn đê xung yếu này sẽ được kè đá kiên cố nối tiếp với đoạn 360 m đê đã thi công kiên cố cùng đoạn K43. Những đoạn đã kè kiên cố đã phát huy tác dụng khi triều cường sóng lớn.
Cũng theo ông Hà Tấn Việt, tuy vỡ tràn tới 70 m đê nhưng n ước chỉ tràn vào phần rừng và mương phía bên trong thân đê, không ảnh hưởng đến sản xuất của người dân.
Ngành nông nghiệp và lãnh đạo địa phương đã phối hợp chỉ đạo và tăng cường lực lượng thi công, cố gắng đẩy nhanh tiến độ thi công các đoạn đê xung yếu, ngăn ngừa ảnh hưởng thiên tai đảm bảo cho người dân yên tâm sản xuất vùng trong đê biển.