Chia sẻ tại Tọa đàm “Nghiên cứu khoa học về giải pháp không khói để hỗ trợ quản lý thuốc lá” do Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức ngày 1/8, ông Nguyễn Hồng Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội, Văn phòng Quốc hội cho biết, vấn đề thuốc lá mới đã xuất hiện nhiều năm nay và tất cả đều là hàng nhập lậu. Mặt hàng này đang tồn tại khoảng trống pháp lý. Cùng với đó, hiện nay, tỷ lệ giới trẻ sử dụng các sản phẩm này đã tăng nhanh, nhiều kết quả điều tra khảo sát đã cho số liệu về vấn đề này.
“Thuốc lá điện tử có thành phần chính là dung dịch hóa lỏng, tinh dầu, đối tượng phạm tội đã lợi dụng trộn các chất chất ma túy, gây ra hệ lụy cho người sử dụng và giới trẻ. Việc mua bán chủ yếu thông qua mạng xã hội hoặc các điểm bán lẻ công khai cùng với các mặt hàng khác và việc quản lý hoạt động trên nền tảng mạng xã hội hạn chế, không có chế tài quản lý, chưa đủ sức răn đe”, ông Nguyễn Hồng Ngọc cho biết.
Ông Lê Thành Hưng, Trưởng phòng Tiêu chuẩn chất lượng nông nghiệp thực phẩm, Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) phân tích, đối với thuốc lá nung nóng, đây là sản phẩm có điếu thuốc được chế biến từ thuốc lá, tách riêng với thiết bị làm nóng, có thể được xác định là dạng khác của thuốc lá. Đối với các sản phẩm hóa hơi, trong đó có thuốc lá điện tử, Bộ Khoa học và Công nghệ đã biên soạn và công bố các tiêu chuẩn quốc gia về sản phẩm hóa hơi liên quan đến phương pháp lấy mẫu và phương pháp kiểm nghiệm các sản phẩm.
Theo Công điện 47/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế sẽ ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành giải pháp quản lý thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử. Để thực hiện nhiệm vụ này, Bộ Y tế cần thực hiện báo cáo đánh giá khoa học toàn diện, đầy đủ về thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử trước khi đưa ra quyết định đối với các sản phẩm này.
PGS.TS.BS Trần Khánh Toàn, Giảng viên cao cấp Bộ môn Y học Gia đình, Trường Đại học Y Hà Nội đề xuất: “Việc xây dựng chính sách qản lý phải dựa trên các bằng chứng khoa học. Tuy nhiên, trong trường hợp của thuốc lá nung nóng, do những hạn chế nhất định về nguồn lực và thời gian, việc chờ đợi kết quả các nghiên cứu được thực hiện ở Việt Nam, trên người Việt Nam là không khả thi. Do đó, cần tận dụng có chọn lọc các bằng chứng từ các nghiên cứu đã có trên thế giới, khuyến cáo của các tổ chức quốc tế uy tín và bài học kinh nghiệm của các nước để lựa chọn cách thức ứng xử phù hợp với thuốc lá nung nóng”.
Còn TS.BS. Phạm Tuấn Anh, Trưởng Khoa Điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện K Trung ương cho rằng: “Thuốc lá mới vẫn là sản phẩm có hại, lý tưởng nhất là cai hoàn toàn, nhưng trên thực tế có những nhóm đối tượng không cai được, nên phải có cách tiếp cận khác như miếng dán, kẹo gum nicotine... đây là chất gây nghiện ko phải gây bệnh chính. Nguyên lý của thuốc lá mới là thay vì đốt cháy sẽ làm nóng, để giảm sự phơi nhiễm tiếp xúc với số lượng và hàm lượng độc chất”.
Về các bất cập liên quan đến quyền lợi của người dùng nếu cấm thuốc lá mới, bà Nguyễn Quỳnh Liên, Trưởng ban Dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nêu quan điểm, đứng về phía người dân, đây là một nhu cầu của xã hội. Đã là nhu cầu của con người, chắc chắn là phải có nguồn cung. Do đó, phải có giải pháp về quản lý Nhà nước, lẫn thay đổi nhận thức người dùng. Nếu quản lý, thì phải quản lý chặt chẽ có định hướng, lấy người tiêu dùng làm trung tâm, lấy sức khỏe người tiêu dùng làm mục tiêu. Dưới góc độ phản biện từ nhân dân, cần tổng rà soát mặt hàng này, nghiên cứu, khảo cứu, xem xét các công ty sản xuất uy tín, kiểm soát dưới tác hại của con người...
Tại tọa đàm, đại diện các bộ, ngành liên quan đều nhấn mạnh, mọi sản phẩm thuốc lá đều không an toàn, nhưng cần được quản lý để điều tiết sản phẩm theo định hướng phát triển của Chính phủ, như cách Nhà nước đang kiểm soát thuốc lá điếu và các sản phẩm thuốc lá khác. Đồng thời, cần sớm định nghĩa về sản phẩm này làm cơ sở pháp lý cho việc kiểm soát thuốc lá mới.