Sinh kế của người dân trong vùng đang gặp nhiều khó khăn, khả năng phòng, chống thiên tai trong mùa mưa bão cũng giảm rõ rệt; trong khi đó diện tích rừng ngập mặn bị chết hàng loạt chưa có dấu hiệu dừng lại.
Tại thôn Đông Xuân, xã Tam Giang, huyện Núi Thành, một vạt rừng ngập mặn dài hơn 500 mét, rộng hơn 200 mét có tuổi đời hàng trăm năm được trồng bổ sung cách đây hơn 7 năm, được ví như tấm khiên bảo vệ cho hàng trăm hộ cư dân và hàng chục ha đất canh tác phía bên trong tuyến đê ngăn mặn trong mỗi mùa mưa bão bị chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân. Cùng với đó, sinh kế của nhiều gia đình trong thôn cũng bị ảnh hưởng, bởi các loài thủy sinh bị chết vì không còn nơi trú ẩn.
Cả đời sinh sống với nghề khai thác hải sản ven bờ, ven vùng rừng ngập mặn, bà Nguyễn Thị Lời, thôn Đông Xuân, xã Tam Giang, huyện Núi Thành cho biết: Trước đây ở khu vực rừng ngập mặn này là nơi sinh sôi của các loài cá, tôm, cua, ghẹ, người dân khu vực quanh năm thu hoạch các loài thủy sinh, cuộc sống khá dễ chịu. Mấy năm trở lại đây, rừng ngập mặn bị chết hàng loạt, khiến các loài thủy sản dần chết hết. Nhiều loại ốc, cua giờ không còn nữa.
Ông Nguyễn Ngọc Chính, thôn Đông Xuân, xã Tam Giang lo lắng nói: Rừng ngập mặn bị chết gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường vì không còn khả năng chống gió bão. Các loài thủy sinh cũng không ở được mà di chuyển đến nơi khác hoặc đã chết; sinh kế của người dân gặp khó khăn. Nhiều loại thủy sản có giá trị như lạch, sò huyết, ốc hương... biến mất. Cứ đà này, không lâu nữa, các cánh rừng ngập mặn che chắn cho cộng đồng, là nguồn sinh kế của người dân thôn Đông Xuân nói riêng và các thôn khác trong xã sẽ chỉ còn lại trong ký ức.
Theo chính quyền địa phương, các khu rừng ngập mặn của xã Tam Giang bắt đầu chết từ sau các trận bão năm 2020 và chết nhanh trên phạm vi rộng trong năm 2023 và năm 2024. Hiện tại các cánh rừng ngập mặn kéo dài hơn 3km của các thôn Đông Xuân, Đông Bình với các loài cây như đước, bần bị chết hàng loạt, nhiều khu vực diện tích cây chết trắng lên đến hàng nghìn mét vuông. Tuy nhiên, việc tìm nguyên nhân rừng ngập mặn bị chết cũng như việc phục hồi các cánh rừng này vượt ngoài khả năng của địa phương.
Ông Nguyễn Ngọc Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Giang, huyện Núi Thành cho biết: Các cánh rừng ngập mặn đặc biệt hữu ích với người dân địa phương trong việc phòng tránh thiên tai và bảo vệ mùa màng. Trước thực trạng rừng bị chết hàng loạt và chưa có dấu hiệu dừng lại, địa phương đã báo lên cấp trên và các cơ quan chức năng khảo sát, đánh giá, tìm nguyên nhân rừng ngập mặn bị chết với diện tích hơn 5 ha. Địa phương cũng đã kiến nghị các cơ quan chức năng trồng phục hồi lại diện tích rừng bị chết.
Từ thực tế trên, người dân và chính quyền xã Tam Giang mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để khôi phục "tấm khiên" vững chắc bảo vệ người dân và sinh kế của họ trong mỗi mùa mưa bão.