Sống trên Facebook

Mạng xã hội, mà điển hình là Facebook ngay từ khi đổ bộ vào Việt Nam đã nhanh chóng thu hút hàng triệu người tham gia ở các lứa tuổi khác nhau, trong đó chiếm ưu thế vẫn là giới trẻ. Sức lan tỏa của Facebook đang tạo nên những ảnh hưởng lớn đối với người dùng, thậm chí nhiều người đang quá lạm dụng và chạy theo những giá trị ảo của nó.


Ăn, ngủ cùng Facebook


Các quán nước, cafe vốn là nơi để mọi người gặp gỡ, trò chuyện thì nay chúng ta lại bắt gặp những hình ảnh: Những người bạn ngồi cùng một bàn nhưng lại chẳng mấy người nói chuyện với nhau, mà thay vào đó liên tục dán mắt vào màn hình điện thoại hay máy tính cá nhân của mình. Những người này có “công việc” đáng quan tâm hơn buổi trò chuyện, đó là truy cập Facebook. Có lẽ đối với họ, việc “liên kết với cả thế giới” trên Facebook còn quan trọng hơn cả những cuộc trò chuyện bạn bè, và những người bạn ngồi cùng nhau dường như cũng chỉ đơn thuần cho có người ngồi cùng mà thôi!

Truy cập Facebook ở mọi lúc, mọi nơi. Ảnh: CTV


Qua cuộc khảo sát của chúng tôi đối với nhiều học sinh cấp 3 và sinh viên đại học, khi được hỏi về các website nào các bạn thường xuyên truy cập nhất, thì Facebook thường xuyên là cái tên được nhắc đến đầu tiên trong danh sách này. Trần Thanh Ngân, sinh viên Đại học Quốc gia chia sẻ: “Hầu như ngày nào tôi cũng truy cập vào Facebook, ngoài chơi game thì chủ yếu là theo dõi các comment và thông tin của bạn bè. Không sử dụng Facebook tôi như thể bị cách ly với thế giới vậy”.


Nhìn hình ảnh những nhóm bạn bè mỗi lần trước khi ăn hay uống thứ gì đó là tất cả giơ điện thoại công nghệ cao được trang bị camera hiện đại lên chụp đồ ăn up Facebook rồi tất cả mọi người mới được ăn, có lẽ rất nhiều người lớn tuổi đều ngạc nhiên, nhưng đó lại trở thành thói quen của nhiều bạn trẻ. Trên các trạng mạng facebook hiện nay tràn lan các hình ảnh cùng thông tin chia sẻ từ những việc như cưới hỏi, sinh con… đến những việc như hôm nay đi đâu làm gì, mua được gì và cả… ăn gì. Có rất nhiều người dùng đã chia sẻ thông tin tỉ mỉ và chi tiết về cuộc sống của mình đến nỗi bạn bè chỉ cần truy cập vào trang facebook cá nhân của người đó thì sẽ biết lịch trình hoạt động cả ngày của họ và cả chính xác địa điểm hiện tại họ đang ở đâu. Thúy Hà, học sinh trường THPT Việt Đức chia sẻ: “Up ảnh, check tin hay chia sẻ về cuộc sống hàng ngày đã trở thành thói quen đối với em, được mọi người like và comment bình luận về những điều đó thực sự khiến cho em cảm thấy mình được chú ý và quan tâm. Đối với em bây giờ Facebook cũng như một phần không thể thiếu trong cuộc sống vậy”.

Những giá trị ảo


Những thông tin trên Facebook được người dùng thoải mái đưa lên mà không thông qua sự kiểm duyệt nào, vì vậy bên cạnh những thông tin tích cực cũng không ít những thông tin tiêu cực, lợi dụng tốc độ lan truyền của Facebook để tự quảng bá cho bản thân. Trong mạng lưới thông tin khổng lồ như vậy, thì những người trực tiếp tham gia cũng khó có thể phân định được nguồn thông tin nào là sự thật.


Rất nhiều người hàng ngày liên tục đưa các thông tin cá nhân lên mạng từ những bức ảnh chụp long lanh tới những món ăn đắt tiền, địa điểm sang trọng mà hôm nay họ tới. Mục đích cuối cùng là được càng nhiều người like (thể hiện mức độ yêu thích), càng nhiều người comment (bình luận) thì họ càng được nhiều người quan tâm yêu thích. Cũng chính vì chạy theo số lượng “like” đó mà không ít người tung những bức ảnh được chỉnh sửa photoshop long lanh hay khoe cơ thể một cách phản cảm. Thực tế thì những giá trị kia đều là “ảo” và mọi người cũng đang thể hiện sự hâm mộ, yêu thích một điều không có thật.


Trao đổi với chúng tôi, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội - Hiệu trưởng trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng, cho biết: “Những mạng xã hội đều có cái hay riêng của nó nhưng cái gì quá đi đều không tốt. Rất nhiều người dùng mạng xã hội ban đầu chỉ là do tò mò, lâu dần thành thói quen, thế nhưng khi tần suất thói quen này lặp đi lại nhiều lần thì nó có thể trở thành một nhu cầu không thể thiếu được, và khi đó tức là người dùng đã nghiện. Năng lực sáng tạo của một người chỉ nảy sinh khi người đó thực sự tập trung đam mê vào vấn đề nào đó, vậy nên khi đã dành hết tập trung vào Facebook hay mạng xã hội thì họ sẽ không thể nảy sinh sáng tạo trong học tập và công việc được nữa, điều này dẫn đến nhiều vấn đề như học tập giảm sút, công việc không hoàn thành, không chăm lo được gia đình…”. Cũng theo TS Nguyễn Tùng Lâm, khi quá sa đà vào mạng xã hội thì lúc đó sẽ nảy sinh yếu tố ám thị, tức là lúc nào trong tư tưởng của người dùng cũng bị ám ảnh, luẩn quẩn vào những chuyện trong mạng xã hội, không thoát ra được. Khi đó những người này dễ sinh bực bội, khó chịu khi bị người khác khuyên nhủ, cấm cản sử dụng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây mâu thuẫn trong gia đình. Để từ bỏ được thói quen nghiện này, bản thân người nghiện phải tự nhận thức và dần dần từ bỏ nó. Vậy nên người dùng cần biết cân bằng giữa sử dụng mạng xã hội để kết nối giao lưu giải trí với việc quá sa đà lạm dụng nó.



Vân Ly

Đâm thẳng bụng bạn vì cãi vã trên Facebook

Mâu thuẫn với nhau trên Facebook, hai nhóm học sinh đã giải quyết vấn đề bằng dao nhọn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN