Trong khi đó, một nhà máy xử lý chất thải rắn khác tại Đà Lạt sau một năm hoạt động nhưng có nhiều trục trặc nên chỉ xử lý được khoảng 1/4 lượng rác, khiến lượng rác thải phải chuyển tới bãi rác Cam Ly, gây nên tình trạng quá tải.
Khắc phục môi trường tại bãi rác Cam Ly
Bãi rác Cam Ly (Phường 5, thành phố Đà Lạt) được hình thành trên 40 năm, xử lý rác theo hình thức chôn lấp là chủ yếu. Theo quan sát của phóng viên TTXVN, núi rác khổng lồ chảy dài từ trên đỉnh đồi xuống bên dưới, cả vùng bốc bùi hôi thối, nước thải đen ngòm tuôn xuống thung lũng phía xa... Tổng diện tích đất bị rác nhấn chìm là 7ha, trong đó có khoảng 8.000 m2 đang sản xuất nông nghiệp. Hiện cơ quan chức năng đã tiến hành vét rác dưới suối để đảm bảo việc tiêu thủy, thoát nước.
Ông Nguyễn Hữu Trầm - ngụ tại đường An Tôn (Phường 5, thành phố Đà Lạt) cho biết: Ngay sau khi sự cố xảy ra, chính quyền cùng người dân đã đến dọn dẹp nhà kính bị sập, thu dọn những tài sản sót lại, đồng thời thống kê thiệt hại. Các hộ tại đây mong muốn chính quyền tạo điều kiện cấp khu đất khác để định canh.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt đã trực tiếp tới bãi rác Cam Ly khảo sát và chỉ đạo các phòng chức năng khẩn trương phối hợp thống kê thiệt hại. Trước mắt, thành phố đã hỗ trợ 50 triệu đồng cho 5 hộ dân bị thiệt hại. Mặt khác, UBND thành phố Đà Lạt đã tiến hành sửa đường tạm thời cho người dân thu hoạch rau hoa.
Trước những dư luận quan tâm về xử lý môi trường, giải pháp lâu dài đối với bãi rác Cam Ly và Nhà máy xử lý chất thải rắn thành phố Đà Lạt (xã Xuân Trường), Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ đô thị Đà Lạt Phạm Văn Tuyên cho biết: Trong khi Nhà máy xử lý chất thải rắn thành phố Đà Lạt chưa đủ năng lực xử lý hết rác (theo thiết kế), đơn vị tiếp tục thực hiện các biện pháp gia cố lại bãi rác Cam Ly như: gia cố đập chắn rác, khoanh vùng tránh tình trạng rác tiếp tục trôi đi xuống thung lũng; tách các dòng nước chảy, tránh cho nước mưa chảy vào bãi rác gây ra sạt lở tiếp. Đối với khu vực hạ lưu của bãi rác, đơn vị đang tiến hành đắp 2 đập chắn, sau đó xử lý thuốc trước khi nước thải chảy về hạ lưu. Công ty đã mở một con đường để người dân trong khu vực bị ảnh hưởng sự cố có thể vận chuyển hàng hóa nông sản ra ngoài, ổn định sản xuất. Những diện tích đất sản xuất bị rác tràn qua, vùi lấp, UBND thành phố Đà Lạt đã chỉ đạo các cấp tính toán, trong thời gian tới sẽ tiến hành hoàn nguyên, lấy đất ở khu vực lân cận lấp đất lên, sau đó trồng rừng tại khu vực đó.
Ông Phạm Văn Tuyên khẳng định: Sự cố sạt lở bãi rác Cam Ly không gây ảnh hưởng đến khu vực thác Cam Ly như dư luận đã nêu vì đây là hai vị trí cách xa, nằm ở hai dòng chảy khác nhau. Thời gian tới, Công ty đẩy mạnh việc xử lý nước thải trước khi ra môi trường phải đảm bảo theo quy định. Đối với Nhà máy xử lý chất thải rắn thành phố Đà Lạt, UBND thành phố Đà Lạt nên có kế hoạch bố trí một bãi rác “dự phòng” khoảng 10ha, để xử lý rác khi có sự cố tương tự. Hiện ngân sách nhà nước giao cho đơn vị là 31 tỷ đồng/năm, trong khi đó phí rác chỉ thu được 21 tỷ đồng nên nhà nước phải bù thêm 10 tỷ đồng.
Nhà máy xử lý chất thải rắn thành phố Đà Lạt hoạt động kém hiệu quả
Trước đó vào năm 2015, bãi rác Cam Ly bị đóng cửa vì không khắc phục được tình trạng ô nhiễm vượt quy định. Theo đó, toàn bộ rác thải của thành phố được chuyển về xử lý tại Nhà máy xử lý chất thải rắn thành phố Đà Lạt do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Môi trường Năng lượng xanh làm chủ đầu tư (đây là khu vực nằm trong quy hoạch xử lý rác của thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận). Tuy nhiên, sau một năm hoạt động, Nhà máy gặp nhiều trục trặc nên chỉ xử lý được khoảng 1/4 lượng rác. Phần lớn rác thải của thành phố lại phải đưa trở về bãi rác Cam Ly xử lý từ ngày 30/6/2017. Đến đầu năm 2019, Nhà máy xử lý chất thải rắn thành phố Đà Lạt đã xin nhập lại rác, sau khi kiểm tra, UBND tỉnh Lâm Đồng đồng ý cho nhập 80 tấn/ngày, số rác còn lại (khoảng 140 tấn/ngày) đưa về bãi rác Cam Ly.
Để tìm hiểu tiến độ, thực trạng xử lý rác của Nhà máy xử lý chất thải rắn thành phố Đà Lạt, phóng viên TTXVN đã tới làm việc với người có trách nhiệm của nhà máy. Theo ghi nhận của phóng viên, toàn bộ dây chuyền, công nhân của nhà máy đã tạm ngừng hoạt động được 3 ngày, lý do là có sự cố về người lao động bị tai nạn và nhà máy giải quyết nội bộ.
Ông Cao Văn Bé, quản lý Nhà máy xử lý rác thải rắn thành phố Đà Lạt cho biết: Nhà máy có 45 công nhân, hai dây chuyền - hệ thống xử lý phân loại rác. Sau khi khánh thành năm 2015, Nhà máy mới chỉ hoạt động một dây chuyền còn một dây chuyền khác vẫn “đắp chiếu”. Nếu vận hành cả hai dây chuyền hoặc tăng 2 ca/ngày, Nhà máy đủ năng lực xử lý rác cho toàn thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận với công suất 160-200 tấn, tối đa tới 300 tấn/ngày. Nhưng nếu vận hành hết công suất như trên, Nhà máy không có tiền trả cho công nhân và chi phí khác (dầu, điện…). Để vận hành nhà máy một cách tốt nhất, UBND thành phố Đà Lạt phải nâng giá chi trả cho Nhà máy là 420.000 nghìn đồng/tấn rác thay vì giá “tạm tính” 336.000 nghìn đồng/tấn như hiện nay. Trong khi đó, chi phí của Nhà máy mỗi tháng trên 500 triệu đồng, bao gồm tiền lương công nhân, tiền dầu, tiền điện.
Đánh giá về năng lực của nhà máy này, ông Võ Ngọc Trình, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt lại cho rằng: Nhà máy xử lý chất thải rắn thành phố Đà Lạt chưa đảm bảo năng lực xử lý rác và vấn đề môi trường. Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng, thời gian tới, thành phố sẽ phối hợp các cơ quan chức năng kiểm tra lại toàn bộ dự án trên từ quy trình, năng lực xử lý rác. Hiện nhà máy có hai dây chuyền xử lý rác của hai nhà đầu tư khác nhau, nên chưa thống nhất phương án vận hành.
Trước đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Thông báo số 126/UBND-MT ngày 30/5/2019 yêu cầu UBND thành phố Đà Lạt làm việc với Công ty trách nhiệm hữu hạn Môi trường Năng lượng xanh cung cấp đầy đủ hồ sơ, chứng từ và thực hiện thanh quyết toán khối lượng rác đã xử lý theo quy định; có giải pháp xử lý, thanh quyết toán số lượng rác đang chôn lấp, cam kết đầu tư, xây dựng các hạng mục còn lại của dự án; xem xét giải quyết việc tiếp nhận rác của công ty với điều kiện công ty xử lý theo đúng quy trình, có cam kết xử lý hết khối lượng rác tiếp nhận.
Tháng 10/2018, UBND tỉnh Lâm Đồng xử phạt Công ty trách nhiệm hữu hạn Môi trường Năng lượng xanh 350 triệu đồng vì hành vi chôn lấp khoảng 30.000m3 (tương đương khoảng 40.000 tấn) chất thải rắn sinh hoạt trên diện tích 1ha đất trong khu vực trái quy định.
Như vậy, có thể thấy, vấn đề xử lý rác ở Đà Lạt cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền để đảm bảo lợi ích của người dân cũng như giải quyết những khó khăn, bất cập tại Nhà máy xử lý chất thải rắn. Qua đó, góp phần xây dựng thành phố Đà Lạt là một đô thị xanh, đô thị sinh thái và thân thiện môi trường.