Cán bộ Phòng Lao động huyện Than Uyên (Lai Châu) tuyên truyền kiến thức trồng trọt cho người dân vùng cao. Ảnh: Quang Duy/TTXVN |
Thời gian qua, bà con không những được vay vốn với mức ưu đãi để đầu tư chăn nuôi, ổn định đời sống mà qua đây đã mở ra những cơ hội vươn lên thoát nghèo một cách chính đáng.
Gia đình ông Mùa Sái Tùng, dân tộc Mông ở bản Chang là một trong những hộ gia đình tiêu biểu trong việc tự vươn lên thoát nghèo của xã Sà Dề Phìn, huyện biên giới Sìn Hồ. Nhận thấy địa thế và khí hậu thuận lợi cho chăn nuôi, từ số tiền 30 triệu đồng được vay từ Qũy hỗ trợ nông dân tỉnh năm 2015, ông Tùng đã quyết định mua 10 con dê để phát triển kinh tế và đầu tư chuồng trại.
Được cán bộ nông nghiệp cơ sở hướng dẫn cách chăm sóc vật nuôi, sau hơn một năm, gia đình ông đã phát triển lên hơn 20 con. Với mô hình chăn nuôi này, cuộc sống của gia đình ông đã trở nên khấm khá hơn rất nhiều. Ông Tùng còn tích cực hỗ trợ, hướng dẫn cách thức nuôi cho nhiều hộ dân trong bản, xã để mọi người đều có cơ hội thoát nghèo như ông.
Ông Mùa Sái Tùng chia sẻ: "Có được số tiền vay của Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh, gia đình tôi rất vui vì nếu không có tiền ấy thì cũng không thể làm kinh tế được. Hiện nay, nhà tôi đã phát triển được 20 con và sắp tới số lượng đàn dê cũng tăng lên, cuộc sống gia đình đã nâng lên một bước. Số tiền có được để mua quần áo cho các cháu, sắm sửa đồ dùng gia đình. Sau này Đảng, Nhà nước, hội Nông dân tiếp tục quan tâm thì tôi sẽ vay nhiều hơn".
Xã Sà Dề Phìn có diện tích đất tự nhiên gần 6.300ha. Từ lợi thế địa hình rộng, nhiều bãi chăn thả, những năm qua, xã đã chú trọng, khuyến khích, tạo điều kiện giúp người dân phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa, trong đó có mô hình nuôi dê. Triển khai từ tháng 3/2015, mô hình chăn nuôi dê sinh sản giúp xóa đói giảm nghèo cho nhân dân tại xã Sà Dề Phìn đã phát huy hiệu quả kinh tế rõ rệt.
12 hộ dân tham gia mô hình sau khi được vay vốn ưu đãi của Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh với số tiền là 30 triệu đồng mỗi hộ đã tích cực mua dê và sửa sang, đầu tư lại quy mô chuồng trại chăn nuôi cho hợp lý. Để sử dụng vốn vay của Quỹ hỗ trợ nông dân có hiệu quả, xã đã hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi và chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật cho các hộ nông dân. Hiện nay, tổng đàn dê của mô hình kinh tế này đã hơn 120 con. Nhiều hộ gia đình không những vươn lên thoát nghèo mà còn làm giàu chính đáng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua từng năm.
Ông Sùng A Dơ, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu cho biết, với chương trình vay vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh, địa phương đã rà soát các hộ trên địa bàn có nhu cầu vay. Xã cũng đã thành lập được các nhóm phát triển kinh tế chăn nuôi, đặc biệt là nuôi dê. Để duy trì tốt đàn gia súc và hướng tới thực hiện việc chăn nuôi bền vững, thời gian tới, chính quyền sẽ tiếp tục rà soát và bổ sung những hộ có nhu cầu vay vốn, đồng thời tập trung phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ hiệu quả người dân về con giống và nguồn vốn.
Thời gian qua, từ nguồn vốn của Quỹ hỗ trợ nông dân, Hội nông dân Lai Châu đã và đang triển khai được gần 50 mô hình, dự án phát triển kinh tế cho trên 750 hội viên nông dân được vay vốn với tổng số tiền vay trên 20 tỷ đồng. Hội Nông dân Lai Châu đã phối hợp với chính quyền các địa phương tiến hành khảo sát nhu cầu nhằm cho vay đúng đối tượng, sử dụng vốn vay hợp lý. Đồng thời, vốn giải ngân được mở song song với các lớp tập huấn để giúp nông dân có thêm kinh nghiệm, kiến thức khoa học kỹ thuật mới trong chăn nuôi và trồng trọt.
Những mô hình: nuôi dê, bò sinh sản, trâu sinh sản, trồng cây chanh đào, dự án nuôi vịt thuơng phẩm... được Hội Nông dân triển khai phù hợp với điều kiện các địa phương đang được xem là mang lại hiệu quả thiết thực; giúp hội viên nông dân là đồng bào dân tộc thiểu số Lai Châu xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế, xóa đói giảm nghèo, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển các hình thức kinh tế tập trung ở nông thôn.