Nguồn nước hữu hạn nhưng nhu cầu ngày một cao nên việc nâng cao năng lực quản lý tài nguyên nước phục vụ phát triển bền vững là rất cần thiết. Vấn đề quản trị tài nguyên nước cần sớm tiếp cận và thực hiện nhằm phát triển bền vững nguồn nước.
Trên thế giới, tổng nguồn cung cấp nước thường xuyên trung bình trên đầu người là 7.400 m3. Ở Việt Nam, nếu tính cả lượng nước từ bên ngoài chảy vào có bình quân khoảng 9.434 m3/người/năm. Lượng nước này hiện khó kiểm soát và trên thực tế đối với nguồn nước nội địa chỉ có khoảng 4.200 m3/người/năm. Con số này cho thấy phải sớm nâng cao năng lực để quản trị tốt tổng thể tài nguyên nước quốc gia.
Thực hiện quản trị tài nguyên nước tốt sẽ giải quyết được các khó khăn đang gặp phải và hỗ trợ thực hiện “mục tiêu kép” đem lại nhiều công ăn việc làm, tăng nguồn lực tài chính, đặc biệt là phát huy giá trị mà vốn dĩ các nguồn nước đang nắm giữ.
Giải pháp quản lý an ninh nước
Theo ông Nguyễn Chí Nghĩa, Liên đoàn trưởng Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường), qua kết quả điều tra tài nguyên nước của Liên đoàn và con số thống kê các khu vực điều tra trong hệ thống cho thấy, nước ta có 108 lưu vực sông, trong đó có 9 hệ thống sông lớn gồm: Sông Hồng - Thái Bình, Bằng Giang, Kỳ Cùng, Mã, Cả, Vu Gia - Thu Bồn, Ba, Đồng Nai và sông Cửu Long. Tổng lượng nước mặt trung bình hằng năm khoảng 830 - 840 tỷ m3, trong đó chỉ có gần 40% tương đương 310 - 320 tỷ m3 nước nội địa còn lại đến từ nước ngoài.
Toàn quốc có trên 20 đơn vị chứa nước chính. Các tầng chứa nước có trữ lượng lớn chủ yếu ở 2 đồng bằng lớn là Bắc Bộ và Nam Bộ. Tổng trữ lượng tiềm năng nước dưới đất được đánh giá khoảng 63 tỷ m3/năm.
Để thực hiện quản trị tài nguyên nước, ông Nguyễn Chí Nghĩa cho rằng, hầu hết các nhà quản lý và đại đa số hộ sử dụng nước hoặc có liên quan đến tài nguyên nước đều phần nào cảm nhận được các vấn đề đã và đang xảy ra có ảnh hưởng đến mình ở các cấp, mức độ khác nhau. Do vậy, khi thực hiện quản trị tài nguyên nước tốt, ví như một cuộc cải cách về quản lý, chắc hẳn sẽ có sự đồng thuận cao. Bên cạnh đó, với kinh nghiệm, lý luận và thực tiễn hơn 20 năm quản lý tài nguyên nước (kể từ khi Luật Tài nguyên nước 1998 ra đời), đây sẽ là hành trang quý để phát triển trình độ quản lý lên một mức cao hơn.
Ở nước ta, đã có sự phân công trách nhiệm giữa các bộ, ngành về quản lý tài nguyên nước, song còn nhiều đan xen. Ví dụ trong lập quy hoạch, rất cần phải có sự thống nhất, làm rõ và xuất phát từ nhu cầu để có sự phân bổ khoa học giữa các bộ, ngành, địa phương.
Ông Triệu Đức Huy, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước quốc gia nêu quan điểm, việc phối hợp không tốt giữa các ngành, địa phương ở nhiều thời điểm đã dẫn đến những xung đột trong khai thác sử dụng nước, làm gia tăng nguy cơ thiếu nước và ô nhiễm môi trường nước mặt. Các mâu thuẫn về lợi ích liên quan đến tài nguyên nước liên tục xảy ra như giữa chống lũ với phát điện và cấp nước; giữa tích nước thượng lưu và cấp nước cho hạ du... Chính vì vậy, khó khăn lớn khi triển khai quản trị tài nguyên nước là vượt qua sự xung đột trong quản lý giữa các bộ, ngành, địa phương.
Thay đổi tư duy quản trị tài nguyên nước
Nhìn nhận rõ những thách thức về tài nguyên nước ở Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam đã và đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng, cần có những giải pháp quản lý an ninh nước hướng tới phát triển bền vững.
Với khoảng 63% trong tổng trữ lượng 830-840 tỷ m3 nguồn nước bên ngoài lãnh thổ, an ninh nguồn nước của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào động thái phát triển trên các con sông quốc tế như sông Hồng, sông Mê Kông... Mặc dù Việt Nam đã tham gia các cơ chế hợp tác song phương, đa phương về phát triển bền vững nguồn nước, nhưng thực tế phát triển và xu hướng gia tăng khai thác nguồn nước của các quốc gia thượng nguồn đang đặt ra nhiều sức ép cho Việt Nam, một quốc gia ở hạ nguồn vốn có ít lợi thế trong đàm phán về sử dụng nguồn nước quốc tế.
Xét về góc độ quản lý, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, thể chế quản lý tài nguyên nước còn bất cập do nhiều bộ, ngành cùng quản lý. Chính sự phân mảnh, cắt khúc ở nhiều cơ quan khiến cho việc quản lý tài nguyên nước còn chồng chéo, chưa thống nhất, không tập trung được nguồn lực, chi phí quản lý lớn nhưng hiệu quả lại không cao. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chưa hình thành được bộ cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước. Việc phát triển kinh tế chưa phù hợp với khả năng chịu tải của tự nhiên, khả năng cung ứng của nguồn nước.
“Đơn cử như ở Tây Nguyên là vùng đất trồng nhiều loại cây cần nhiều nước tưới như điều, cà phê, hồ tiêu, nhưng Tây Nguyên lại là vùng khan hiếm nước, việc hạn hán thường xuyên xảy ra, gây khó khăn cho trồng trọt, nước ngầm vì thế sụt giảm. Đã đến lúc, Việt Nam cần có cách nhìn mới, tư duy mới trong quản lý tài nguyên nước trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư này. Sự thay đổi tư duy lúc này là hoàn toàn phù hợp, khi Việt Nam đang chuẩn bị bước vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025), tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, tài nguyên nước được coi là yếu tố thiết yếu cho sự phát triển, đồng thời là thách thức lớn nhất mà Việt Nam phải đối mặt”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Theo quan điểm của ông Triệu Ðức Huy, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Ðiều tra quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường), để giải bài toán thiếu hụt nguồn nước, điều quan trọng là quản lý, trữ nước và sử dụng hiệu quả nguồn nước. Theo đó, Việt Nam cần phải quy hoạch phát triển trên cơ sở Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững Ðồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, lấy thuận thiên là chính và nước là yếu tố cốt lõi, từ đó xác định cơ cấu cây trồng, chuyển đổi mùa vụ, hiệu quả kinh tế của các đối tượng sử dụng nước.
Tài nguyên nước ngầm cần được coi là nguồn dự trữ chiến lược để bảo đảm an ninh cho cấp nước sinh hoạt, phải quản lý chặt chẽ nguồn nước này, tuyệt đối không dùng cho tưới và nuôi trồng thủy sản, công nghiệp, cũng như phải điều chỉnh giảm lưu lượng, mật độ khai thác nước ngầm ở các khu đô thị. Nguồn nước mặt cần được phân chia ra các khu, vùng nhỏ và có giải pháp trữ nước phù hợp với điều kiện tự nhiên để phát triển các ngành kinh tế cần sử dụng nước.
Về lâu dài, để bảo đảm nguồn nước sinh hoạt nông thôn, cần thực hiện khoan giếng bổ sung nguồn nước ngọt, kéo dài các đường ống từ các nhà máy nước tập trung cấp cho các vùng dân cư bị ảnh hưởng, lắp thêm các vòi nước công cộng, cấp cho các hộ dân bị ảnh hưởng xâm nhập mặn sử dụng. Đồng thời, cần hỗ trợ thiết bị xử lý nước cho người dân bị ảnh hưởng, đặc biệt ưu tiên các hộ dân nghèo, sống phân tán, ven sông, ven biển chưa được tiếp cận nguồn nước sạch.
Người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp trữ nước, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, triệt để chống thất thoát, lãng phí nước. Chính quyền các cấp nơi chịu ảnh hưởng của thiên tai phải tăng cường kiến thức cho cán bộ quản lý và người dân về thiên tai, hạn hán và các giải pháp ứng phó.
Bài 2: Ứng dụng công nghệ quản trị nước thông minh