Tuy nhiên, những năm gần đây, biến đổi khí hậu và nước biển dâng là một trong những nguyên nhân khiến tài nguyên nước ở khu vực này có nhiều biến động, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân.
Nguồn nước ngọt đứng trước nhiều thách thức
Đề cập về nguồn tài nguyên nước dưới đất ở Đồng bằng sông Cửu Long, các chuyên gia Lê Thanh Hải, Trần Đức Dũng, Lê Quốc Vỹ và Hồ Quốc Bằng, Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) đánh giá: Vùng đồng bằng này đang đối mặt với thực trạng suy giảm nguồn nước ngầm. Theo các số liệu nghiên cứu, mực nước dưới đất cho thấy tốc độ hạ thấp mạnh từ 0,3-0,5m/năm tại nhiều địa phương như Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cà Mau. Thậm chí, tốc độ hạ thấp mực nước ngầm lên đến 0,55m/năm tại một số địa phương như ở thị trấn Tân Trụ, huyện Tân Trụ (tỉnh Long An) hoặc 0,92m/năm ở thị trấn Lai Vung, huyện Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp).
Phó Giáo sư Nguyễn Hồng Tiến, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội cấp thoát nước Việt Nam khẳng định: Việc quản lý khai thác nguồn nước vùng Đồng bằng sông phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội có ý nghĩa rất quan trọng trong sự phát triển chung của cả nước. Những năm qua, với sự đầu tư của Nhà nước, sự hỗ trợ hiệu quả của các tổ chức quốc tế và đặc biệt là sự tham gia tích cực của người dân, nhiều công trình xử lý nước sạch đã được tập trung đầu tư xây dựng cả ở khu vực đô thị và nông thôn, tỷ lệ người dân được cung cấp nước sạch đã tăng lên hàng năm.
Tuy nhiên, Đồng bằng sông Cửu Long thực tế vẫn đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Nguyên nhân do các công trình cấp nước tập trung bị nước mặn xâm nhập sâu. Nguồn nước mặt bị nhiễm mặn, nguồn nước ngầm suy giảm. Vấn đề thiếu hụt nguồn nước ngọt cũng tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội.
Trong khi đó, theo thông tin từ Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam: Trên cơ sở các bản tin và phân tích diễn biến tài nguyên nước tới Đồng bằng sông Cửu Long, tổ chức này đã tổng kết diễn biến tài nguyên nước mùa lũ năm 2021 đối với vùng Hạ lưu vực sông Mê Công và đánh giá nguyên nhân, nhận định sơ bộ về diễn biến tài nguyên nước Đồng bằng sông Cửu Long trong mùa khô năm 2022. Theo đó, mùa khô năm nay, trên lưu vực sông Mê Công vẫn có xu thế ít mưa ở khu vực thượng nguồn và mưa nhiều hơn ở khu vực hạ nguồn với tổng lượng mưa xấp xỉ với trung bình nhiều năm. Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, vào mùa khô 2022 tổng lượng mưa ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ thiếu hụt so với lượng mưa trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 10-20%.
Bên cạnh đó, Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam cũng nhận định tình hình tài nguyên nước tới Đồng bằng sông Cửu Long trong mùa khô năm 2022 như sau: Tổng lượng dòng chảy về đến Tân Châu và Châu Đốc (An Giang) trong mùa khô năm 2022 (từ tháng 1 đến hết tháng 5/2022) đạt khoảng 65,5 tỷ m3, gần với giá trị trung bình nhiều năm. Tổng lượng dòng chảy về đến Tân Châu và Châu Đốc trong mùa khô không thấp hơn nhiều so với giá trị trung bình nhiều năm.
Nhưng trong khoảng từ cuối tháng 2 đến giữa tháng 4 dòng chảy về Đồng bằng sông Cửu Long có thể sẽ thấp hơn so với giá trị trung bình nhiều năm. Đây là thời điểm triều cao, do vậy chiều sâu xâm nhập mặn với mức ranh là 1g/l được nhận định trên sông Tiền sẽ vào sâu từ 45 km đến 55 km, sâu hơn trung bình nhiều năm từ 2 km đến 6 km. Còn chiều sâu xâm nhập mặn mức ranh 1g/l trên sông Hậu sẽ vào sâu từ 40 - 70 km, sâu hơn trung bình nhiều năm từ 4 - 12 km và trên sông Vàm Cỏ Tây sẽ vào sâu từ 65- 100 km, sâu hơn trung bình nhiều năm từ 5 - 10 km. Như vậy, Đồng bằng sông Cửu Long có thêm một mùa khô thiếu nước, tương đương như mùa khô năm 2021.
Bảo vệ, sử dụng hiệu quả nguồn nước ngọt
Những phân tích, đánh giá thực trạng và dự báo trên cho thấy việc bảo vệ, khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước tại Đồng bằng sông Cửu Long cần tiếp tục được các địa phương chú trọng thực hiện với các giải pháp trước mắt cũng như lâu dài.
Nhóm nghiên cứu gồm các chuyên gia Lê Thanh Hải, Trần Đức Dũng, Lê Quốc Vỹ và Hồ Quốc Bằng - Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) nhấn mạnh: sử dụng nước ngọt hiệu quả và bền vững để đảm bảo đủ nước ngọt cho người dân toàn vùng là việc làm cần thiết. Các địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long có thể khai thác tiềm năng nước lợ và nước mặn ở vùng ven biển một cách hợp lý để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, theo nhóm chuyên gia này, về lâu dài, kinh tế dựa vào nông nghiệp và nuôi thủy sản chỉ có thể phát triển mạnh nếu sử dụng tài nguyên nước bền vững ở các vùng nước lợ và nước mặn. Vì vậy, cần điều chỉnh sử dụng nước cho phù hợp với nguồn và chất lượng nước ở các khu vực khác nhau của vùng đồng bằng. Chẳng hạn, với địa hình trũng và trong bối cảnh nước biển dâng và sụt lún đất, việc sử dụng nước ngọt phục vụ nông nghiệp sẽ không còn hiệu quả và bền vững
Còn các chuyên gia Châu Nguyễn Xuân Quang, Hồ Văn Hòa, Ngô Ngọc Hoàng Giang - Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, ở Đồng bằng sông Cửu Long, biến đổi tài nguyên nước mang tính dài hạn và có thể ngày càng nghiêm trọng hơn do đây là vùng đất mẫn cảm với thay đổi của tự nhiên. Do đó, xây dựng chiến lược thích ứng giảm nhẹ với biến động tài nguyên nước và môi trường phù hợp với điều kiện tự nhiên và thực tiễn của vùng là rất cần thiết.
Để giảm nhẹ nguy cơ xâm nhập mặn từ phía biển đến Đồng bằng sông Cửu Long do tác động thủy triều và nước biển dâng, cần phải có giải pháp công trình kiểm soát mặn hoàn chỉnh. Đây cũng là giải pháp căn cơ hướng đến việc kiểm soát nguồn nước mặn, ngọt một cách chủ động và hiệu quả. Trong đó, theo các chuyên gia, việc hoàn chỉnh và đồng bộ hóa hệ thống hạ tầng thủy lợi vùng đồng bằng là rất cần thiết để giảm nhẹ nguy cơ tác động của những rủi ro liên quan đến nước và khí hậu.
Bên cạnh đó, hạ tầng thủy lợi được xem là nền tảng cơ bản, giải pháp “cứng” để khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước ở Đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh tác động bất lợi từ thượng lưu, phía biển và biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng. Ngoài ra, phát triển hệ thống trữ nước quy mô vùng và phân tán là giải pháp căn cơ ứng phó với tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn vào mùa khô ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Ở góc độ địa phương, theo lãnh đạo tỉnh Hậu Giang, hiện nay, nguồn nước cung cấp cho tỉnh chủ yếu là nước mặt và nước dưới đất. Trong bối cảnh chịu tác động của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, xả thải, chất lượng nguồn nước mặt không ổn định, nguồn nước dưới đất đã và đang chịu áp lực gia tăng khai thác, sử dụng. Việc khai thác, sử dụng nước dưới đất không hợp lý như khai thác tại khu vực có nguy cơ bị xâm nhập mặn, ô nhiễm sẽ làm gia tăng nguy cơ xâm nhập mặn, ô nhiễm nước cho các tầng chứa nước dưới đất và có khả năng gây tình trạng cạn kiệt nguồn nước. Do đó, liên quan đến giải pháp căn cơ bảo vệ nguồn tài nguyên nước, Hậu Giang đang thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp tỉnh về khoanh định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, lập danh mục khoanh định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất. Đồng thời, tỉnh lập danh mục các khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất, cập nhật hiện trạng khai thác sử dụng nước dưới đất trên địa bàn tỉnh, góp phần khai thác bảo vệ nguồn tài nguyên nước.
Cùng ở Đồng bằng sông Cửu Long, Bến Tre là địa phương có lượng mưa thuộc loại thấp nhất vùng, nguồn nước chính cho sinh hoạt, sản xuất chủ yếu là các sông rạch, nước giồng cát, nước ngầm. Song, trữ lượng nước ngầm của tỉnh này thấp và có chất lượng trung bình, phần lớn phân bố ở độ sâu trên 200 m. Nguồn nước mặt dồi dào, nhưng do ở cuối nguồn, giáp biển nên thường bị nhiễm mặn vào các tháng mùa khô.
Vì vậy, tỉnh Bến Tre xác định việc bảo vệ nguồn nước, cung cấp nước ngọt cho sinh hoạt, sản xuất, dịch vụ du lịch, y tế ... là vấn đề bức xúc và hết sức cần thiết. Không có nước ngọt, không thể kêu gọi đầu tư và phát triển du lịch cũng như phục vụ sinh hoạt và sản xuất của nhân dân.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam, trước khi bước vào mùa khô 2022, các đơn vị chức năng của địa phương đã kịp thời duy tu, sửa chữa các công trình bị hư hỏng, xuống cấp, nạo vét cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, đắp đập ngăn mặn... để bảo vệ tối đa nguồn nước, giảm thất thoát, lãng phí nước. Về lâu dài, Bến Tre sẽ tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi nói chung; trong đó, có hệ thống cống để đến giai đoạn năm 2024-2025, tỉnh có thể chủ động hoàn toàn trong việc trữ nước trong mùa hạn mặn, phục vụ sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân.
Còn theo lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, các sở, ngành có liên quan và huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đang tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch, phương án và giải pháp đồng bộ ứng phó với nguy cơ hạn, xâm nhập mặn, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh trong mùa khô năm nay. Các ngành hữu quan theo dõi chặt diễn biến khí tượng, thủy văn, kịp thời thông báo hạn mặn, mực nước nội đồng cho các ngành, địa phương và người dân biết để chủ động trong sản xuất, sinh hoạt.
Để bảo vệ nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất, trong triển khai thực hiện phòng, chống hạn, xâm nhập mặn, Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang quản lý, vận hành hiệu quả hệ thống hơn 100 cống thủy lợi trên tuyến đê biển Hòn Đất - Kiên Lương và các địa bàn huyện Giang Thành, thành phố Rạch Giá, ven sông Cái Bé, vùng U Minh Thượng, dự án thủy lợi Ô Môn - Xà No để ngăn mặn, giữ ngọt, góp phần đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất an toàn.