Vừa qua, Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội tổ chức tuyên dương 10 Chủ tịch Công đoàn cơ sở ngoài khu vực Nhà nước có phẩm chất đạo đức tốt, gần gũi, sâu sát, có uy tín với công nhân lao động; có nhiều giải pháp, hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn cơ sở, nhất là phát huy vai trò đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động…
Không chỉ ở Hà Nội, nhiều địa phương trên cả nước cũng tổ chức vinh danh các cán bộ công đoàn cơ sở có nhiều đóng góp tích cực trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tâm huyết với những hoạt động liên quan đến người lao động. Nhiều tấm gương sáng tạo trong công việc được ghi nhận, đánh giá cao khi đã đem lại lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng cho doanh nghiệp, giúp công nhân từng bước cải thiện cuộc sống. Những vấn đề tiêu cực nảy sinh trong mối quan hệ lao động như chậm đóng bảo hiểm xã hội, nợ lương hay không đảm bảo chế độ chính đáng của người lao động đều được các cấp công đoàn phát hiện, xử lý kịp thời. Điều đó cho thấy, năng lực, trình độ, nhất là sự tâm huyết của đội ngũ cán bộ công đoàn đang ngày càng nâng cao.
Một trong 10 Chủ tịch Công đoàn cơ sở ngoài khu vực Nhà nước được tuyên dương vừa qua là chị Nguyễn Thị Thúy Nga - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Hà Đông Việt Nam, thuộc Công đoàn ngành Dệt may Hà Nội với 956 đoàn viên. Một trong những điểm nổi bật trong 13 năm làm Chủ tịch Công đoàn cơ sở của chị Nga là sáng kiến “Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn cơ sở” được Công đoàn ngành Dệt may Hà Nội và Ban chấp hành Công đoàn cơ sở công nhận.
Sáng kiến này tập trung vào sắp xếp khoa học bộ máy tổ chức hoạt động tại Công đoàn cơ sở; xây dựng quy trình phát triển đoàn viên phù hợp, hiệu quả và tạo ấn tượng tốt cho mỗi đoàn viên; xây dựng quy trình thương lượng, đối thoại và ký kết Thoả ước lao động tập thể phù hợp với thực tế đơn vị; xây dựng, triển khai đạt kết quả cao 6 nội dung cơ bản tuyên truyền cho đoàn viên và công nhân lao động…
Chị Nga cũng như nhiều cán bộ công đoàn làm việc tại các công ty nước ngoài cho hay, doanh nghiệp khi vào Việt Nam đầu tư thì tổ chức Công đoàn chính là nơi gần gũi nhất để tham mưu, tư vấn liên quan đến luật, văn hóa, sắc tộc, ngôn ngữ, lời nói của con người Việt Nam… Vì vậy, khi cán bộ công đoàn lăn lộn cùng doanh nghiệp tháo gỡ từng khó khăn, vướng mắc, đi cùng doanh nghiệp đến cơ quan thuế, cơ quan hành chính… Doanh nghiệp thấy công đoàn tham mưu đúng, thực lòng muốn tốt cho mình nên ngày càng đặt niềm tin lớn hơn với công đoàn.
Nhiều "thủ lĩnh" công đoàn có kinh nghiệm cho biết, điều quan trọng nhất là phải tạo được niềm tin với chủ doanh nghiệp. Khi vai trò và tiếng nói của tổ chức Công đoàn mạnh mẽ lên thì việc đối thoại với chủ doanh nghiệp về tiền lương, chế độ phúc lợi, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi… thuận lợi hơn nhiều. Người lao động thấy mình được chăm lo chu đáo từ đời sống tinh thần đến công việc, chế độ phúc lợi, thì luôn tìm đến công đoàn để nhờ tư vấn mỗi khi gặp khó.
Nữ "thủ lĩnh" Công đoàn Công ty TNHH New Apparel Far Eastern Việt Nam Nguyễn Thị Mai Chi vinh dự được báo cáo kết quả công việc với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại buổi gặp mặt tại Phủ Chủ tịch vừa qua là 1 trong 133 tấm gương điển hình tiên tiến học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2023. Để có được thành tích đó, Mai Chi đã trải qua gần 10 năm vất vả để đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Thời gian đầu, chị liên tục gặp khó khi không được chủ doanh nghiệp hài lòng vì “dám” nêu ra những nhược điểm của công ty trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, bên cạnh sự ngay thẳng, chỉ ra những sai phạm, Nguyễn Thị Mai Chi xác định phải thật sự nỗ lực, toàn tâm, toàn ý với doanh nghiệp vì họ chính là người trả lương cho mình. Khi đã có được niềm tin và tiếng nói chung, chủ doanh nghiệp giao cho chị nhiều công việc liên quan đến công đoàn; những đề xuất có lợi cho người lao động cũng được ủng hộ và triển khai nhanh chóng.
“Doanh nghiệp nước ngoài là môi trường khá khắc nghiệt, có sự đào thải lớn, nếu mình không chăm chút, rất dễ bị đào thải. Do đó, môi trường này đã rèn cho tôi tính cẩn thận, làm gì cũng phải lên kế hoạch, có mức độ đo lường, áng trước được kết quả. Kinh nghiệm này bổ trợ cho hoạt động công đoàn. Bất cứ chương trình nào, chúng tôi cũng lên kế hoạch trước, đưa ra nhiều phương án để lãnh đạo lựa chọn, và những kỹ năng cần thiết khác…”, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH New Apparel Far Eastern Việt Nam Nguyễn Thị Mai Chi cho biết.
Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, những đóng góp của các cán bộ Công đoàn cơ sở ngoài nhà nước thời gian qua rất đáng ghi nhận. Họ là những thủ lĩnh của công nhân, người lao động, luôn ngày đêm trăn trở, tìm tòi các biện pháp để bảo vệ quyền lợi, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động; là chỗ dựa tinh thần, luôn quan tâm, gần gũi nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động.
Thực tế cho thấy, trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, có nơi giới chủ nghĩ thoáng, tích cực thì sẽ ghi nhận công đoàn là tổ chức đồng hành cùng với doanh nghiệp giúp đẩy mạnh sản xuất, và chăm lo cho người lao động, nhưng cũng có không ít doanh nghiệp cho rằng, công đoàn là tổ chức đối đầu với họ. Chính vì vậy, điều quan trọng là làm sao để tạo niềm tin, từ đó thay đổi tư duy của giới chủ thì hoạt động công đoàn sẽ thuận lợi.
Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường, cán bộ Công đoàn cơ sở nói chung, Chủ tịch Công đoàn cơ sở nói riêng, đặc biệt là ở doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, có vai trò hết sức quan trọng đối với hoạt động Công đoàn và phong trào công nhân, viên chức, lao động Thủ đô và cả nước. Ông Nguyễn Phi Thường nhấn mạnh, nếu như ví tổ chức Công đoàn là một công trình, thì đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở chính là những viên gạch góp phần tạo nên sự bề thế, vững chãi của công trình đó.
Thực tế cho thấy, đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở ở doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước đã và đang phát huy được vai trò, trách nhiệm của người “thủ lĩnh” Công đoàn, luôn tiên phong, gương mẫu trong việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các nội quy, quy chế của doanh nghiệp và tích cực tham gia các phong trào thi đua của tổ chức Công đoàn.
Các Chủ tịch Công đoàn đã luôn gần gũi, sâu sát, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động và đồng cảm chia sẻ những khó khăn, vất vả với người lao động; kịp thời phản ánh được những đề xuất, kiến nghị của người lao động với người sử dụng lao động để được giải quyết một cách nhanh nhất, đúng với pháp luật và nội quy, quy chế của doanh nghiệp. Với vai trò của mình, họ đã cùng với Ban Chấp hành Công đoàn tại doanh nghiệp đại diện cho tập thể người lao động thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể với nhiều điều khoản cao hơn luật quy định. Ngoài ra, những “thủ lĩnh” Công đoàn cơ sở cũng đã đưa ra những giải pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn cơ sở, nhất là phát huy vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.