Cụ thể đến mùa xuân năm nay, toàn tỉnh có 163 xã đạt tiêu chí về giảm nghèo đa chiều (chiếm 83,2%), đời sống người dân được cải thiện đáng kể, diện mạo nông thôn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi rõ rệt.
Liên tục 21 năm qua, ngay từ khi thành lập, NHCSXH Phú Thọ đã nỗ lực, vươn lên trên mọi khó khăn, thử thách, tích cực, chủ động huy động được nguồn lực lớn và tổ chức hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước. Đến nay, đơn vị đang thực hiện 20 chương trình tín dụng chính sách để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, từ chương trình có quy mô nhỏ nhưng giàu chất nhân văn như cho vay người tàn tật, người chấp hành xong án phạt tù, xóa nhà ở tạm bợ, dựng nhà ở kiên cố… đến những chương trình cho vay có quy mô lớn, tầm ảnh hưởng rộng như giúp hộ nghèo, gia đình đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn phát triển sản xuất kinh doanh, hỗ trợ học sinh sinh viên có thêm kinh phí học tập, thực hiện việc xây dựng nông thôn mới và các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết 11 của Chính phủ về giải quyết việc làm, phát triển kinh tế xã hội vùng miền núi – dân tộc…
Từ sự chủ đạo, quan tâm của lãnh đạo các cấp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện Chỉ thị 40 và Kết luận 06 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, các nguồn vốn ở Phú Thọ có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước được quy về một đầu mối quản lý là NHCSXH. Trong 10 năm qua, vốn ngân sách địa phương đã chuyển sang NHCSXH gần 112 tỷ đồng, góp phần nâng tổng nguồn vốn hoạt động của NHCSXH đạt 6.025 tỷ đồng, tăng trưởng 12,7% so với cuối năm 2022.
Nhờ có nguồn vốn lớn, cùng mô hình tổ chức quản lý phù hợp như hệ thống Điểm giao dịch của NHCSXH trải khắp trên toàn địa bàn xuống tận các xã, với mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn và các hội, đoàn thể làm nhiệm vụ ủy thác vay vốn ưu đãi đến tận xã phường, làng bản nên những cán bộ tín dụng chính sách Phú Thọ như được tiếp thêm nội lực, thực hiện phương thức cấp tín dụng trực tiếp, kịp thời về tận các vùng sâu, vùng khó khăn, đến từng đối tượng thụ hưởng.
Nguồn vốn chính sách đã giúp đỡ hàng nghìn hộ nghèo và đối tượng chính sách có điều kiện chủ động đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Cũng nhờ nguồn vốn chính sách đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả và gương sáng hội viên nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh, thanh niên phấn khởi thi đua sản xuất kinh doanh giỏi.
Huyện Cẩm Khê là địa phương tích cực thực hiện các chương trình phát triển kinh tế xã hội lồng ghép cùng các chương trình tín dụng chính sách. Theo báo cáo, tổng nguồn vốn chính sách đã đầu tư hơn 644 tỷ đồng đúng đối tượng, trúng các chương trình trọng tâm, trọng điểm. Như hộ gia đình ông Hoàng Vững Trãi, ở thôn Phú Cát, xã Hồng Việt đã sử dụng 100 triệu đồng vay của NHCSXH huyện Cẩm Khê lập xưởng may gia công bao bì, để tăng thu nhập, tạo thêm việc làm cho 30 lao động trong thôn xóm.
Huyện miền núi Tân Sơn, thông qua các nguồn lực, trong đó có 626 tỷ đồng vốn chính sách đã thoát khỏi danh sách huyện nghèo 30a, về đích trước 2 năm. Như ông Hà Văn Nhất, ở thôn Chiềng 2, xã Kim Phượng đã sử dụng vốn vay của 2 chương trình dành cho hộ nghèo và gia đình đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn, gây dựng hẳn một cơ ngơi bao gồm đàn trâu 8 con, rừng keo 6 ha, vườn hồng 200 cây sai trĩu quả, mỗi năm thu nhập ngót 200 triệu đồng.
Hiệu quả từ dòng vốn chính sách ở Phú Thọ đã hiện rõ trong năm qua với 33.000 lượt hộ được vay gần 1.600 tỷ đồng thuận lợi, bình quân doanh số cho vay một huyện đạt 123 tỷ đồng; bình quân dư nợ tín dụng chính sách một xã là 26,7 tỷ đồng và một khách hàng đến gần 53 triệu đồng.
Bước sang xuân mới 2024, NHCSXH Phú Thọ xác định nhiệm vụ trọng tâm là tăng cường bám sát sự chỉ đạo của ngành và địa phương, tập trung huy động các nguồn lực, chuyển tải kịp thời an toàn mọi nguồn vốn về đúng đối tượng thụ hưởng, giữ vững và phát huy là trụ cột trong công cuộc giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.