Lúc 9 giờ ngày 24/2, trên ứng dụng VN Air của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), ở 48 điểm quan trắc không khí ở miền Bắc có 1 điểm chỉ số AQI màu đỏ có hại cho sức khỏe là Trạm quan trắc môi trường không khí tự động tại phường Sông Hiến (tỉnh Cao Bằng), 13 điểm màu cam không tốt cho nhóm nhạy cảm.
Ứng dụng AirVisual (thuộc Tổ chức IQAir có trụ sở chính tại Thụy Sỹ) cho thấy, hầu hết chỉ số AQI ở Bắc Bộ đều ở mức màu đỏ (152-170), những người bình thường bắt đầu có các ảnh hưởng tới sức khỏe, nhóm người nhạy cảm có thể gặp những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn.
Ứng dụng PAM Air (do Công ty Cổ phần tư vấn và tích hợp công nghệ D&L quản lý) ghi nhận, chỉ số AQI sáng 24/2 có hơn 52 điểm màu đỏ có hại cho sức khỏe, có 3 điểm màu tím rất có hại cho sức khỏe gồm đường Nguyễn Chí Thanh (thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai), Thư viện xã Hán Đà (tỉnh Yên Bái), thành phố Bắc Kạn (tỉnh Bắc Kạn).
Riêng website moitruongthudo.vn của UBND thành phố Hà Nội cho kết quả 13 điểm quan trắc ở Hà Nội có chỉ số AQI màu cam, mức không tốt cho nhóm nhạy cảm.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, 10 ngày tới (24/2-5/3), các tỉnh, thành phố miền Bắc tiếp tục có sương mù và sương mù nhẹ vào sáng sớm, đến trưa chiều trời nắng sẽ khiến bụi bay lên tầng cao hơn giúp không khí bớt ô nhiễm.
Các chuyên gia môi trường, lớp sương mù khiến bụi lơ lửng bị nén xuống tầng sát mặt đất, không phát tán được lên cao khiến không khí ô nhiễm. Tình trạng ô nhiễm không kéo dài trong ngày nhưng người dân nên hạn chế các hoạt động ngoài trời, gần đường giao thông, đóng cửa sổ vào buổi sáng, sử dụng khẩu trang chống bụi khi ra đường. Trong điều kiện thời tiết xấu, người dân cần vệ sinh đường hô hấp bằng nước muối sinh lý, thực hiện theo khuyến cáo 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế) của Bộ Y tế.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Hoàng Văn Thức cho rằng, việc kiểm soát, bảo vệ môi trường không khí là việc khó khăn, phức tạp, lâu dài cần có sự chỉ đạo tập trung thống nhất, sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và cần có nguồn lực tài chính thích đáng để triển khai.
Năm 2021, để kiểm soát, cải thiện chất lượng không khí, Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá kết quả thực hiện Quyết định số 985a/QĐ-TTg về phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, đề xuất Kế hoạch quản lý chất lượng không khí trong giai đoạn 2021 - 2025, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý I năm 2021. Bộ tập trung rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam, hoàn thành trong quý IV năm 2021.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát quy định pháp luật về bảo vệ môi trường không khí, hoàn thiện theo thẩm quyền hoặc kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoàn thiện các quy định, chính sách pháp luật về kiểm soát ô nhiễm không khí...; triển khai có hiệu quả Kế hoạch quản lý chất lượng không khí, Chỉ thị 03/CT-TTg về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, đặc biệt là các quy định liên quan đến kiểm soát ô nhiễm không khí tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.