Diễn biến dịch COVID-19:

Tám ngày liên tiếp Việt Nam không ghi nhận ca mới mắc COVID-19; khôi phục một số hoạt động KT-XH

Ngày 23/4, Việt Nam đã có 8 ngày không ghi nhận ca mới mắc COVID-19, tổng số trường hợp mắc vẫn giữ nguyên 2 ca. Các địa phương bắt đầu khôi phục một số hoạt động kinh tế - xã hội phù hợp sau thời gian giãn cách xã hội.

Chú thích ảnh

Việt Nam đã có hơn 1 tuần bình yên khi liên tục không ghi nhận ca mới mắc COVID-19.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là .081 trường hợp, trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện 369; cách ly tập trung tại cơ sở khác 18.600; cách ly tại nhà, nơi lưu trú 49.112 trường hợp.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, ngày 23/4 có thêm BN206 được công bố điều trị khỏi tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi.

Hiện cả nước còn 44 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại 7 cơ sở. Trong đó số ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với virus SARS-CoV-2 là 12 ca; số ca có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với virus SARS-CoV-2 là 8 ca.

TP Hồ Chí Minh dừng hoạt động 62 trạm, chốt kiểm soát dịch COVID-19 

Ngày 23/4, TP Hồ Chí Minh đã có quyết định dừng tất cả 62 trạm, chốt kiểm dịch phòng chống dịch bệnh COVID-19 ở các tuyến đường cửa ngõ ra, vào thành phố.

Chú thích ảnh
TP Hồ Chí Minh tổ chức kiểm tra thân nhiệt các lái xe tại các trạm, chốt kiểm soát dịch bệnh COVID-19 trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Ảnh: Mạnh Linh.

Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (PC08) Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, TP Hồ Chí Minh đã có quyết định dừng hoạt động đối với 62 chốt, trạm kiểm dịch COVID-19 ở các cửa ngõ thành phố từ chiều ngày 23/4. 

Trước đó, ngày 5/4, TP Hồ Chí Minh đã triển khai 62 chốt, trạm (16 chốt, trạm chính và 46 chốt, trạm phụ) để thực hiện kiểm soát các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 với nhiều lực lượng được huy động tham gia túc trực 24/24 như: Công an, kiểm soát quân sự, thanh tra giao thông, nhân viên y tế, quản lý thị trường… Mục tiêu của các trạm, chốt là kiểm soát người, phương tiện, đồ vật, hàng hóa có dấu hiệu, biểu hiện nghi vấn mang mầm dịch COVID-19 di chuyển qua chốt, trạm kiểm soát ở cả chiều vào và chiều ra khỏi thành phố (dừng và kiểm tra tất cả người, phương tiện, hàng hóa di chuyển qua chốt, trạm kiểm soát).

Các cơ sở nghề nghiệp chỉ cần xét tuyển trong năm học 2020 - 2021

Tại hội nghị trực tuyến triển khai công tác truyền thông giáo dục nghề nghiệp 2020 vào chiều 23/4, Tổng cục trưởng Nguyễn Hồng Minh cho biết: Các trường trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp không tổ chức thi tuyển đầu vào mà chỉ xét tuyển dựa trên điểm số của kỳ thi tốt nghiệp phổ thông.

Theo kế hoạch, công tác tư vấn tuyển sinh hệ thống giáo dục nghề nghiệp triển khai từ đầu tháng 3/2020, nhưng do dịch COVID-19 nên chưa thực hiện. Một số trường đã triển khai tư vấn trực tuyến và mang lại kết quả bước đầu.

Ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) cho biết: Hình thức tuyển sinh trực tuyến đã triển khai từ những năm trước nhưng mới chỉ được coi là kênh hỗ trợ. Tuy nhiên, có những trường, việc tuyển sinh trực tuyến qua hình thức này chiếm tới 50-60%. Do đó, trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, hình thức này cần được đẩy mạnh hơn nữa.

Tổng cục trưởng Nguyễn Hồng Minh cho rằng: Công tác tuyển sinh năm nay sẽ gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh hình thức tuyên truyền trên báo chí chính thống, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đẩy mạnh hình thức tuyển sinh trực tuyến, qua mạng xã hội. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kết hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp để có những chương trình tư vấn thông qua các trang web; xây dựng cách tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng, vùng miền.

Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tăng cường tham gia xây dựng chương trình, tài liệu giáo dục hướng nghiệp và cử giáo viên giáo dục nghề nghiệp tham gia giảng dạy giáo dục hướng nghiệp trong trường trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Các địa phương khôi phục một số hoạt động kinh tế - xã hội phù hợp

Nhiều địa phương đã ban hành các quyết định khôi phục hoạt động kinh tế - xã hội phù hợp với nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 trong giai đoạn mới.

Nhịp sống của người dân Hà Nội đã bắt đầu trở lại trong ngày đầu nới lỏng giãn cách xã hội của thành phố. Giao thông trên nhiều tuyến phố bắt đầu gia tăng, nhưng vẫn khá thông thoáng. Đường sá, hàng quán, chợ, phố cổ, đời sống sinh hoạt... của người dân lại nhộn nhịp.

Trong khi đó, các lực lượng chức năng tại cơ sở vẫn thường xuyên tuần tra, chốt trực tại các vị trí đông người để nhắc nhở, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm các biện pháp an toàn khi trở lại cuộc sống thường nhật.

Tại Quảng Ninh, các phương tiện vận tải công cộng liên tỉnh vẫn tạm dừng hoạt động theo chỉ đạo duy trì giãn cách xã hội của UBND tỉnh đến hết ngày 3/5. Các hoạt động vận tải khách công cộng nội tỉnh ở Quảng Ninh được hoạt động trở lại từ ngày 23/4, trừ hoạt động vận tải khách ra các xã, huyện đảo Vân Đồn, Cô Tô và trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long.

Ngày 23/4, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành văn bản số 38/UBND-GD về thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, quy định chi tiết nhiều lĩnh vực được phép hoạt động trở lại có kiểm soát.

Ngày 23/4, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Lâm Đồng đã họp bàn triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới. Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt cho phép hoạt động trở lại chợ đêm Đà Lạt và các khu, điểm du lịch; dừng hoạt động 8 chốt kiểm dịch y tế tại các cửa ngõ ra vào địa phận tỉnh Lâm Đồng trong ngày 23/4.

Cụ thể, hoạt động lưu trú du lịch trên địa bàn toàn tỉnh được trở lại bình thường và đảm bảo các quy định phòng dịch, khai báo y tế. Các khu, điểm du lịch, di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh được phép hoạt động trở lại. Chợ đêm Đà Lạt hoạt động lại nhưng phải đảm bảo các quy định phòng dịch.

Các hoạt động rèn luyện sức khỏe, thể dục thể thao như: Sân bóng đá mini, hồ bơi, phòng tập gym, phòng tập yoga, câu lạc bộ bi-da; cơ sở thẩm mỹ, làm đẹp… được phép hoạt động trở lại. Nhà hàng, quán ăn, uống, các loại hình kinh doanh dịch vụ thiết yếu và không thiết yếu được phục hồi hoạt động.

XC/Báo Tin tức
Các cơ sở nghề nghiệp chỉ cần xét tuyển trong năm học 2020 - 2021
Các cơ sở nghề nghiệp chỉ cần xét tuyển trong năm học 2020 - 2021

Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Nguyễn Hồng Minh cho biết: Năm học này, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh chỉ cần xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN