Theo đó, các Sở Giao thông vận tải, Xây dựng cùng UBND các huyện và 2 thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc tăng cường công tác duy tu, bảo dưỡng thường xuyên các tuyến giao thông được giao quản lý theo đúng quy định như sửa chữa mặt đường, phát quang, bạt lề, nạo vét, khơi thông hệ thống mương thoát nước, sông suối. Đặc biệt, các đơn vị cần kiểm tra tình trạng của cầu trước, trong và sau mưa bão để có biện pháp khắc phục nếu không đảm bảo an toàn.
Thành phố Đà Lạt khẩn trương kiểm tra, rà soát, có giải pháp tổ chức nạo vét, thu gom rác thải, khơi thông hệ thống suối, mương thoát nước từ hồ Than Thở, Mê Linh… đến các hồ lắng, hồ Xuân Hương và dọc suối Cam Ly để khắc phục có hiệu quả tình trạng ngập úng cục bộ trên địa bàn.
Các đơn vị, địa phương kiểm tra thực tế hiện trường công tác đảm bảo an toàn giao thông trong quá trình thi công của nhà thầu, không để xảy ra tình trạng ùn tắc đối với các công trình cải tạo, nâng cấp; kiên quyết xử lý các vi phạm về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và hành lang an toàn đường bộ, nhất là các vi phạm lấn chiếm lòng, lề đường, xây dựng lều quán, ki ốt bán hàng, dựng rạp để vật tư, hàng hóa trong phạm vi lòng, lề đường, taluy. Các đơn vị, địa phương xử lý các vi phạm như dừng, đỗ xe, đấu nối trái quy định; xây dựng các phương án, chuẩn bị vật tư, phương tiện thiết bị và bố trí cán bộ thường trực để thực hiện công tác đảm bảo giao thông, khắc phục kịp thời hư hỏng công trình đường bộ và các điểm thường xảy ra ùn tắc, đèo dốc để xử lý kịp thời…
Đồng thời, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành hai Quyết định và Phương án ứng phó tình huống khẩn cấp năm 2022 của Công trình thủy điện Đại Nga (huyện Bảo Lâm, thành phố Bảo Lộc), Công trình thủy điện Đồng Nai 2 (trên địa bàn các huyện Di Linh và Lâm Hà). UBND tỉnh yêu các chủ đập có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện phương án đã phê duyệt; đồng thời khắc phục sự cố, đền bù thiệt hại cho các hộ dân bị ảnh hưởng do xả nước phát điện gây ngập lụt phía hạ lưu nhà máy (nếu có); xây dựng phương án cảnh báo phía hạ lưu nhà máy khi xả nước phát điện theo quy định…
Trong giai đoạn 2010-2021, tình hình thời tiết, thiên tai trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng diễn biến phức tạp. Toàn tỉnh đã xảy ra 153 đợt lốc xoáy, 151 đợt mưa lớn, 89 đợt lũ quét, 25 đợt mưa đá, 22 vụ sạt lở đất, 18 vụ sét đánh… gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt của người dân, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đặc biệt, nhiều tuyến giao thông quan trọng thường xuyên xảy ra mất an toàn giao thông khi có mưa bão. Điển hình như tuyến Quốc lộ 20 nối thành phố Đà Lạt với các tỉnh phía Nam đoạn qua thị trấn Madagui (huyện Đạ Huoai) thường xuyên xảy ra ngập úng khi mưa lớn; đoạn qua đèo Bảo Lộc thường xuyên xảy ra sạt lở khi mưa kéo dài gây ách tắc giao thông. Ngoài ra, các tuyến đường khác liên tục xảy ra ách tắc do sạt lở đất cần được triển khai các biện pháp ứng phó để đảm bảo an toàn giao thông trong mùa mưa bão năm 2022 như tuyến Quốc lộ 27C nối thành phố Đà Lạt với thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) đoạn qua đèo Khánh Lê, tuyến Quốc lộ 28B nối tỉnh Lâm Đồng với tỉnh Bình Thuận đoạn qua đèo Đại Ninh…