Hiện cả nước có gần 7.170 công trình hồ đập thủy lợi, tổng dung tích khoảng 14,5 tỷ m3, tạo nguồn nước tưới cho gần 1,1 triệu ha đất nông nghiệp và cấp nước cho sinh hoạt, công nghiệp. Trong số này, có khoảng 1.640 công trình đang xuống cấp, có khả năng hư hại trong mùa mưa lũ sắp đến. Các hồ bị xuống cấp, hư hỏng nặng tập trung vào nhóm hồ vừa và nhỏ, chủ yếu được xây dựng đã lâu, từ những năm 70-80 của thế kỷ trước, trong điều kiện thiếu kinh phí bảo trì, sửa chữa nâng cấp. Tại các huyện, xã, nhiều nơi chưa thành lập được các tổ chức quản lý, vận hành chuyên nghiệp và không đảm bảo năng lực chuyên môn dẫn đến công trình xuống cấp nhanh, khi xảy ra sự cố không được xử lý kịp thời…
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để đảm bảo an toàn cho các hồ đập, hồ chứa thủy lợi trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, một số giải pháp đang được triển khai như đảm bảo chất lượng, hiệu quả đối với 442 hồ trong dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8), hoàn thành trước năm 2023 và hỗ trợ cấp bách để sửa chữa các hồ chứa xung yếu cho các địa phương khó khăn.
Bên cạnh đó, cần đào tạo, nâng cao năng lực quản lý, vận hành cho cán bộ công nhân quản lý đập, hồ chứa theo quy định; tăng cường công tác quan trắc, giám sát vận hành các đập, hồ chứa; rà soát, phân loại, phân cấp quản lý các đập, hồ chứa trên địa bàn phù hợp với năng lực của đơn vị quản lý khai thác theo quy định; kiểm tra đánh giá hiện trạng toàn bộ các đập, hồ chứa, trong đó tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào kiểm tra đánh giá chuyên sâu công trình.
Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi về thực trạng, khó khăn trong quản lý hồ, đập tại một số địa phương, thảo luận một số vấn đề như ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý vận hành đập, hồ chứa nước; Báo cáo tiến độ dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8), thảo luận về công tác quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy lợi, an toàn đập kết hợp tưới thông minh thích ứng biến đổi khí hậu.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Giám đốc Trung tâm Công nghệ phần mềm thủy lợi - Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam cho biết: Hiện nay, do biến đổi khí hậu dẫn đến thời tiết cực đoan, lượng mưa phân bố không đều nên ngay trong lưu vực hồ chứa lượng mưa đã khác rất nhiều so với bên ngoài. Công nghệ 4.0 giúp chúng ta có dữ liệu liên tục online, dữ liệu đó được phân tích liên tục để hỗ trợ người dùng ra quyết định nhanh nhất. Việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý an toàn đập là rất quan trọng trong bối cảnh thời tiết như hiện nay.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Kạn Hà Kim Oanh nêu: Bắc Kạn hiện có 34 công trình đập, hồ chứa vừa và nhỏ, trước mỗi mùa mưa bão, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với đơn vị quản lý khai thác thường xuyên kiểm tra, gia cố, nâng cấp các công trình đảm bảo an toàn cao nhất trước mùa mưa bão. Sở chủ động nâng cao quản lý, vận hành công trình, lập các phương án đảm bảo an toàn hạ lưu, phương án phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn cho từng công trình để chủ động phương thức, huy động nguồn lực khi có sự cố xảy ra hoặc khi có cảnh báo thiên tai.
Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương cần thường xuyên tổ chức, rà soát, đánh giá thực trạng an toàn đập, hồ chứa trên địa bàn. Đồng thời, các địa phương phải phân cấp lại, chỉ khi nào các tổ chức thủy lợi cơ sở có đủ điều kiện về mặt năng lực thì mới giao quản lý.
Theo ông Tỉnh, hiện đã bước vào mùa mưa lũ, một số công trình đang thi công, các địa phương cần tập trung để đảm bảo công trình thi công vượt lũ, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho công trình cũng như an toàn cho người, tài sản vùng hạ du.