Tập trung thanh tra những đơn vị nợ quá hạn
Đặc biệt, thực hiện Quyết định số 1458/QĐ-BHXH ngày 02/11/2018 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam ban hành kế hoạch kiểm tra, thanh tra chuyên ngành và thanh tra, kiểm tra liên ngành năm 2019; toàn ngành BHXH đã đẩy mạnh thực hiện công tác này. Tính đến ngày 15/5/2019, toàn ngành BHXH đã thực hiện thanh tra, kiểm tra tại 6.427 đơn vị sử dụng lao động; trong đó: Thanh tra chuyên ngành tại 2.589 đơn vị; kiểm tra tại 2.9 đơn vị và thanh tra, kiểm tra liên ngành tại 900 đơn vị.
Kết quả, chỉ tính riêng công tác thanh tra chuyên ngành: Trước khi có quyết định thanh tra, kiểm tra, các đơn vị nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp hơn 934,1 tỷ đồng; sau thanh tra các đã vị đã nộp hơn 583,2 tỷ đồng (đạt 62,4% tổng số nợ). Các đoàn thanh tra cũng ban hành 161 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp với tổng số tiền xử phạt hơn 5,7 tỷ đồng và số tiền xử phạt đã thu được gần 2,7 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, qua công tác thanh tra chuyên ngành đã phát hiện 7.291 lao động chưa đóng, đóng thiếu thời gian tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp với số tiền phải truy đóng là 29,1 tỷ đồng; 898 lao động đóng không đúng đối tượng, đóng thừa thời gian với số tiền thoái thu, hoàn trả hơn 1,1 tỷ đồng. Về mức đóng, phát hiện 7.577 lao động đóng không đúng mức quy định với số tiền truy đóng hơn 7,2 tỷ đồng.
Tiếp tục nâng cao nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành
Theo BHXH Việt Nam, công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đang phát huy hiệu quả rất tích cực trong xử lý nợ đọng, bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Và để làm tốt công tác này, BHXH Việt Nam đã và đang đưa ra nhiều giải pháp, trong đó tập trung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ thanh tra viên chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc.
Hiện nay, tại BHXH Việt Nam, cơ cấu tổ chức hoạt động thanh tra chuyên ngành được thực hiện theo mô hình hai cấp: Ở Trung ương là Vụ Thanh tra - Kiểm tra (gồm 5 phòng nghiệp vụ); ở địa phương là Phòng Thanh tra - Kiểm tra trực thuộc BHXH tỉnh, thành phố.
Tính đến hết năm 2018, toàn ngành BHXH đã có 1.142 cán bộ được đào tạo; trong đó có: 180 công chức được cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ Thanh tra viên và 962 viên chức được cấp chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; 137 công chức, viên chức được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ Trưởng đoàn Thanh tra chuyên ngành. Đội ngũ cán bộ ngành BHXH chính thức được Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành là 646 người (gồm 136 công chức, 510 viên chức).
Kế hoạch năm 2019, ngành BHXH tiếp tục phối hợp với Trường Cán bộ thanh tra thuộc Thanh tra Chính phủ, tổ chức đào tạo 12 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra viên (mỗi lớp từ 50 - 70 học viên) cho đối tượng là công chức, lãnh đạo các Phòng nghiệp vụ có liên quan của BHXH tỉnh, thành phố; Giám đốc, Phó Giám đốc phụ trách BHXH cấp huyện.
Như vậy, ngoài lực lượng cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra thì lực lượng cán bộ thu, thu nợ, cán bộ cấp huyện được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra luôn sẵn sàng bổ sung vào các Đoàn thanh tra, đáp ứng đủ cho việc tổ chức thực hiện thanh tra chuyên về đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp thời gian tới.