Theo bà Nguyễn Thị Bé Mười - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre, qua 8 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, nguồn vốn tín dụng chính sách được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh, nguồn vốn tập trung ưu tiên hỗ trợ người dân ở các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
Theo đó, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Bến Tre đã thực hiện giải ngân vốn chính sách tín dụng ưu đãi cho 296.500 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận đồng vốn tín dụng ưu đãi để phục vụ hoạt động dịch vụ, sản xuất kinh doanh với số tiền hơn 7.200 tỷ đồng.
Từ đó, đã giúp trên 12.300 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; gần 133.000 hộ gia đình xây dựng được trên 235.000 công trình nước sạch, công trình vệ sinh đảm bảo môi trường; giúp gần 9.750 học sinh, sinh viên trang trải các khoản chi phí học tập sinh hoạt; duy trì, tạo việc làm cho gần 23.000 lao động; gần 1.200 lao động được đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; cho vay hỗ trợ xây dựng được 958 ngôi nhà cho hộ nghèo; cho vay để sửa chữa, xây dựng mới 105 ngôi nhà...
Mặt khác, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, đã phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội thực hiện tuyên truyền, vận động thành viên tổ Tiết kiệm và vay vốn tích cực tham gia gửi tiền tiết kiệm hàng tháng thông qua tổ Tổ Tiết kiệm và vay vốn, nhằm tạo thói quen tích lũy và hỗ trợ người nghèo từng bước tiếp cận với dịch vụ ngân hàng.
Đồng thời, thực hiện huy động các nguồn vốn từ các tổ chức và cá nhân trên thị trường, giúp cho Ngân hàng chính sách xã hội chủ động hơn về nguồn vốn. Đến cuối tháng 10/2022, nguồn vốn huy động đạt gần 594 tỷ đồng, tăng 465 tỷ đồng so với cuối năm 2014; trong đó, nguồn vốn huy động qua tổ Tiết kiệm và vay vốn là 237 tỷ đồng, tăng 166 tỷ đồng so với năm 2014.
Bà Nguyễn Thị Bé Mười cho rằng, thông qua việc tổ chức thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi đã huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, cấp ủy chính quyền địa phương các cấp, nhất là sức mạnh của các đoàn thể chính trị - xã hội cùng tham gia thực hiện chương trình giảm nghèo, chăm lo cuộc sống cho người nghèo và các đối tượng chính sách, hướng dẫn và tạo điều kiện cho họ biết cách làm ăn, từng bước chuyển biến nhận thức, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Nguồn vốn cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng chính sách xã hội chi nhánh tỉnh đã khắc phục tình trạng thiếu vốn, thiếu việc làm, ngăn chặn tệ nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn. Cùng đó, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, đời sống nhân dân tại vùng sâu, vùng xa được nâng lên, điều kiện kinh tế được cải thiện, ổn định trật tự an toàn xã hội, củng cố lòng tin nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, hiện nay nhu cầu vay vốn của một số chương trình tín dụng rất cao nhưng nguồn vốn còn hạn chế như: Cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; chương trình cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn.
Mặt khác, nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách chiếm tỷ trọng 3,37% tổng nguồn vốn, chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của hộ nghèo và các đối tượng chính sách tại địa phương.
Để nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội, trong thời gian tới, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành của tỉnh và các địa phương sẽ triển khai các giải pháp tăng cường nguồn vốn cho Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội.
Theo đó, tiếp tục cân đối, ưu tiên bố trí nguồn vốn từ ngân sách tỉnh ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội theo hướng tích hợp các chương trình tín dụng chính sách xã hội trong quyết định đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, đề án khác trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030.
Trong giai đoạn 2023-2025 bổ sung vốn ủy thác 300 tỷ đồng (100 tỷ đồng/năm); phấn đấu đến năm 2025 nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương sang Ngân hàng Chính sách xã hội đạt khoảng 400 tỷ đồng và tiến tới đạt bình quân cả nước vào năm 2030.
Để thực hiện đạt mục tiêu định hướng, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với các sở, ngành có liên quan tham mưu xây dựng Đề án, lộ trình cụ thể (mỗi năm tăng khoảng 100 tỷ đồng), tập trung ủy thác vốn để cho vay giải quyết việc làm để nâng cao thu nhập, xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường,… góp phần thực hiện Đề án thí điểm về an sinh xã hội giai đoạn 2021- 2025, tầm nhìn 2030, giảm nghèo bền vững và đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Ngoài ra, tỉnh Bến Tre cũng đề xuất, kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành chức năng bổ sung đối tượng vay vốn tín dụng chính sách đối với hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình, tạo điều kiện cho các đối tượng này có điều kiện tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách để sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống và vươn lên làm giàu.
Đồng thời, nâng mức cho vay đối với chương trình hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn theo Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đối với hộ gia đình từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng/hộ mà không phải thế chấp tài sản; nâng mức cho vay tối đa đối với chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn từ 10 triệu đồng/công trình lên 20 triệu đồng/công trình để phù hợp với giá trị xây dựng của thị trường, đảm bảo đáp ứng chi phí cần thiết để hộ dân xây dựng công trình đảm bảo chất lượng; bổ sung nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm cho Bến Tre....