Trên thực tế, ở các thành phố lớn đã có những trung tâm giáo dục dành riêng cho trẻ em khuyết tật, tuy nhiên ở các vùng nông thôn, những nơi có điều kiện kinh tế khó khăn, các em không được đến các trung tâm mà phải học hòa nhập tại các trường ở khu vực trẻ sinh sống.
Giáo dục hòa nhập là phương thức giáo dục trong đó trẻ khuyết tật cùng học với trẻ bình thường trong các trường học ngay tại nơi trẻ sinh sống. Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật trong trường học tạo cơ hội bình đẳng trong giáo dục, xóa đi những khoảng cách, mặc cảm của những trẻ khuyết tật đối với những trẻ phát triển bình thường.
Các vận động viên nữ khiếm thính thi đấu môn Cờ vua trong khuôn khổ Hội thi Thể thao học sinh khuyết tật toàn quốc lần thứ VI - năm 2015. Ảnh: Quý Trung – TTXVN |
Tuy nhiên, việc đưa trẻ khuyết tật đến học hòa nhập còn gặp rất nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất là làm sao vận động, thuyết phục những bậc cha mẹ có con là trẻ khuyết tật đồng ý đưa con mình đi học hòa nhập. “Những cha mẹ có con là trẻ khuyết tật luôn luôn mặc cảm, tự ti không muốn cho các cháu đến trường, không cho các cháu giao tiếp bên ngoài vì sợ con mình sẽ bị cười chê và không theo kịp với bạn bè”, cô Hà Ngọc Bích, giáo viên Trường Mầm non Vân Nham, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn cho hay.
Cùng với đó, khi các em đến trường, phải làm sao để các em có thể hòa nhập với bạn bè cùng trang lứa, đó cũng là khó khăn mà các cô gặp phải. “Mặc cảm mà các em luôn mang trong mình chính là rào cản lớn nhất tạo sự cách biệt giữa các em với bạn bè cùng trang lứa, sự nhút nhát khiến các em không thể hòa đồng với thế giới xung quanh”, cô Võ Thị Hải Nam, Trường THCS Hùng Vương, phường Tràng An, thành phố Huế chia sẻ.
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh (Trường Trẻ em khuyết tật tỉnh Quảng Trị) dạy các em học sinh chậm phát triển Lớp 2C. Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN |
Thêm vào đó, những thiếu thốn về điều kiện kinh tế, cơ sở vật chất cũng gây khó khăn trong việc giúp trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng. Tại các điểm trường, luôn thiếu những thiết bị để hỗ trợ cho các em về phát triển vận động, về ngôn ngữ, nhận thức… hầu hết đều do các cô tự mày mò, tìm hiểu, sáng tạo ra các vật dụng phù hợp để giúp đỡ các em, cô Trần Thị Nhuần, Trường Mầm non Thanh Yên, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên chỉ ra.
Theo cô Hà Ngọc Bích, để giúp các em xóa bỏ mặc cảm, có thể mở lòng hơn với cộng đồng, đầu tiên cô tìm ra những trò chơi yêu cầu thấp để cho trẻ khuyết tật chơi cùng với các bạn, như vậy sẽ tạo ra sự hứng thú cho trẻ và cũng giúp cho trẻ tự tin hơn khi giao tiếp cùng với các bạn.
Thêm vào đó, để giáo dục trẻ tốt nhất, các cô phải biết cách lắng nghe trẻ, xem trẻ mong muốn gì, cần gì để giúp trẻ được hòa đồng cùng với các bạn, được tham gia thực hiện cùng các bạn, cô Bích cho biết thêm.
Trong khi đó, hầu như chỉ những giáo viên dạy ở các trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật mới được qua đào tạo bài bản về kỹ năng, kiến thực để tiếp cận hiệu quả và dạy cho trẻ khuyết tật. Còn đối với những giáo viên dạy ở các trường đại trà hầu hết không được qua đào tạo những kỹ năng đó, nên các cô vẫn còn thiếu kiến thức về dạy trẻ khuyết tật. “Vì vậy, chúng tôi rất muốn được học qua các lớp bồi dưỡng cơ bản về giáo dục trẻ khuyết tật, được tham khảo nhiều tài liệu, đồng thời mong muốn có một cuốn sổ tay nói về cách dạy trẻ em khuyết tật học hòa nhập, cô Hoàng Thị Sành, Trường Tiểu học Lê Văn Tám, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị bày tỏ mong muốn.
Đồng tình với những quan điểm trên, cô Võ Thị Hải Nam cũng bày tỏ những kiến nghị của mình để góp phần tạo điều kiện cho trẻ khuyết tật được hòa nhập cộng đồng. “Chúng tôi đề nghị các cấp, ngành có thẩm quyền tổ chức nhiều cuộc giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, để chúng tôi được học hỏi kinh nghiệm từ các đồng nghiệp ở mọi miền, từ đó biết thêm nhiều kiến thức, kỹ năng để giáo dục trẻ em khuyết tật”.