Tạo sức bật mới cho lao động nông thôn Hải Phòng

Hải Phòng là một trọng điểm của “tam giác công nghiệp”. Toàn thành phố có khoảng 1,8 triệu dân, trong đó hơn 70% sống ở khu vực nông thôn. Trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cơ cấu lao động ở Hải Phòng đã có sự chuyển dịch theo hướng tích cực.

Tốc độ “đô thị hóa” quá nhanh đã làm “dư thừa” một số lượng lớn lao động trong lĩnh vực nông nghiệp của Hải Phòng. Nông nghiệp là nghề chính, chủ yếu của người dân ở thành phố biển, nhưng trước thực trạng diện tích đất nông nghiệp đang dần bị thu hẹp đã tạo ra nhu cầu về lao động ở những ngành nghề phi nông nghiệp. Để xây dựng một nền nông nghiệp tiên tiến và hiện đại, đòi hỏi mỗi người nông dân phải trở thành một “chuyên gia” trong lĩnh vực nông nghiệp. Đề án 1956 của Chính phủ về “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” ra đời đã tạo ra một sức bật mới cho lao động nông thôn nói chung và Hải Phòng nói riêng.

Trước thực trạng nguồn lao động nông thôn chưa đáp ứng được nhu cầu công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn, Hải Phòng đã được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chọn là 1 trong 11 tỉnh, thành phố triển khai thí điểm thực hiện đề án này. Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hải Phòng, sau hơn một năm thực hiện đề án, đã có 1.151 học viên được đào tạo với kinh phí gần 1,2 tỷ đồng. Các ngành nghề chính được đào tạo như nuôi gà, trồng nấm, nuôi lợn, nuôi cá cảnh và may công nghiệp... Kết thúc quá trình đào tạo nghề, 90% số học viên đã tìm được việc làm.

Điển hình cho sự thành công của đề án là mô hình chăn nuôi gà của gia đình anh Phạm Văn Lượng - Giám đốc Công ty Cổ phần giống gia cầm Lượng Huệ tại xã Hồng Phong, huyện An Dương. Công ty của anh Lượng thành lập từ năm 2006 với quy mô trang trại chăn nuôi nhỏ lẻ, ít vốn, thiếu kỹ thuật. Năm 2010, anh Lượng được tham gia lớp huấn luyện đào tạo nghề, hướng dẫn về khoa học kỹ thuật và được vay vốn để mở rộng sản xuất. Đến nay doanh nghiệp (DN) của anh đã xây dựng được một hệ thống trang trại chăn nuôi với nhiều cơ sở. Số lượng gà nuôi của gia đình anh đã lên đến 30.000 con. Cơ sở chăn nuôi của DN đã thường xuyên giải quyết việc làm cho 70 lao động với mức thu nhập bình quân là trên 3 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm gà mang thương hiệu Lượng Huệ đã có mặt ở hầu khắp các tỉnh, thành trên toàn quốc. Hiện có khoảng gần chục học viên đang theo học nghề tại cơ sở chăn nuôi của gia đình anh.

Anh Đoàn Văn Tư, ở thôn Hoàng Lâu II, xã Hồng Phong, huyện An Dương, là 1 trong 140 học viên đầu tiên được tham gia lớp học nghề theo Đề án 1956. Dẫn chúng tôi đến xem mô hình chăn nuôi theo kiểu hộ gia đình cùng với cơ ngơi khang trang của mình, anh Tư chia sẻ: “Nông nghiệp vốn là nghề cha truyền con nối của gia đình tôi, nhưng năm 2008, hơn 8 sào ruộng bị thu hồi để phục vụ cho các dự án. Mất đất, nghề truyền thống không còn, tôi đã xây dựng trang trại để nuôi gà phát triển kinh tế. Ban đầu chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ, chăm sóc vật nuôi chủ yếu dựa vào kinh nghiệm nên dịch bệnh thường xuyên xảy ra gây thiệt hại về kinh tế. Từ khi được tham gia lớp học, tôi đã tiếp thu và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong chăn nuôi. Có kinh nghiệm từ khâu chọn giống, quá trình chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, nắm vững quy luật chăn nuôi nên đàn gà gần 3.000 con đã mang đến cho gia đình tôi cơ hội đổi đời”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Văn Tâng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hải Phòng nhận định: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 là đề án có quy mô rộng, tiến hành trong thời gian dài. Kể từ khi ra đời đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành chức năng với chính quyền địa phương. Chủ trương này của Đảng và Nhà nước mang một ý nghĩa nhân văn vô cùng to lớn. Thay vì cho “con cá” hãy cho người dân “cần câu” đó là mục tiêu của đề án. Thành công của đào tạo nghề cho lao động nông thôn sẽ tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, giải quyết lao động dư thừa, thực hiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo đúng quy hoạch, đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đã đề ra. Đồng thời thành công của đề án cũng góp phần chuẩn hóa trình độ cho đội ngũ cán bộ công chức xã về mặt chuyên môn nghiệp vụ phục vụ cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Hiệu quả của đề án sẽ tạo ra một sức bật mới cho lao động nông thôn, góp phần xóa đói, giảm nghèo và nâng cao thu nhập.

Nguyễn Bảo Hà - Tạ Thanh Hồng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN