Các huyện ven biển tỉnh Hà Tĩnh hiện đang tổ chức lực lượng giúp người dân dựng, lợp lại nhà cửa, ổn định cuộc sống sau cơn bão số 10.Một đoạn tường của người dân ven biển tại xã Thạch Kim (Hà Tĩnh) bị sóng đánh vỡ. Ảnh: Hoàng Ngà - TTXVN |
Lộc Hà là huyện ven biển phải hứng chịu nhiều thiệt hại, huyện đã phối hợp với bộ đội, công an và huy động các đoàn thể giúp nhân dân các xã Thạch Kim, Thạch Bằng, Mai Phụ lợp được hơn 100 ngôi nhà bị tốc mái. Huyện đã huy động hàng trăm người cùng với phương tiện xe, máy tổ chức chở đá, bao cát đắp lại kè biển bị sóng đánh vỡ ở xóm Long Hải, xã Thạch Kim.
Tại huyện Kỳ Anh - nơi chịu thiệt hại nặng do cơn bão số 10 gây ra, chính quyền địa phương các cấp đang nỗ lực khắc phục hậu quả. Lãnh đạo huyện Kỳ Anh đã đến động viên, hỗ trợ các gia đình có người bị thương. Tại các xã Kỳ Trinh, Kỳ Thư, Kỳ Lợi, Kỳ Thịnh, Kỳ Trinh chính quyền địa phương huy động lực lượng cùng người dân lợp lại hàng trăm ngôi nhà, công trình phụ, trại chăn nuôi bị tốc mái.
Huyện Thạch Hà đã huy động gần 400 người dân địa phương, đồng thời cung ứng 25m3 đá hộc, 50m2 lưới thép B40, 70 cọc tre, 1.500 bao tải và hơn 400 tấm phên tre gia cố đoạn kênh tiêu bị sạt lở, xung yếu trên địa bàn xã Thạch Bàn; đồng thời tổ chức huy động lực lượng quân sự huyện và dân quân xã Thạch Tượng ứng cứu chống tràn cho tuyến đê Hữu Phủ tại vị trí cống Đò Bang đảm bảo an toàn cho tuyến đê.
Cơn bão số 10 đã gây thiệt hại cho người dân Hà Tĩnh, theo thống kê sơ bộ có 18 người bị thương, 260 nhà bị sập và ngập sâu trong nước, hơn 4.000 ngôi nhà bị tốc mái, chủ yếu xảy ra tại các huyện Kỳ Anh, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Thạch Hà. Hơn 500 ha lúa, hoa màu các loại bị ngập, trên 13.000 cây ăn quả bị đổ gãy, hàng chục héc-ta nuôi trồng thủy hải sản bị mất trắng. Có 263 cột điện trung thế và hạ thế bị đổ, gãy, đường dây điện bị đứt gần 11.000 m.
Nhiều tuyến đường giao thông liên huyện, xã bị sạt lở và hư hỏng nặng. Hiện nay, một số trường học các huyện Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, giáo viên cùng phụ huynh, học sinh đã đến trường dọn vệ sinh, thu gom rác thải để ổn định học tập. Các huyện miền núi Vũ Quang, Hương Khê do hoàn lưu sau bão có mưa to bị ngập lụt, nên học sinh các bậc tiểu học, THCS và mầm non đang nghỉ học.
Cơn bão số 10 đổ bộ và càn quét tỉnh Quảng Bình vào chiều 30/9 đã gây nhiều thiệt hại về người và tài sản cho tỉnh này. Thống kê sơ bộ, tính đến cuối giờ chiều 1/10, ước tính thiệt hại do bão số 10 gây ra đã lên trên 4.500 tỷ đồng.
Theo Ban chỉ huy Phòng chống bão lụt và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình, bão số 10 đã làm 5 người bị chết, 2 người mất tích và 140 người bị thương. Về tài sản có đến 345 ngôi nhà bị sập đổ hoàn toàn; 156.517 ngôi nhà của người dân cùng 460 trường học, 98 công trình phúc lợi, trạm y tế, bệnh viện bị bão đánh tốc mái một phần hoặc toàn bộ; 113 tàu, thuyền của ngư dân bị sóng đánh chìm và gây hư hỏng nặng.
Thống kê bước đầu cho thấy, toàn tỉnh Quảng Bình có 2 ha lúa bị ngập và hư hỏng; gần 2.500 ha hoa màu các loại bị bão tàn phá; gần 7.500 ha cây công nghiệp và gần 11.300 ha cao su bị thiệt hại và bị gãy đổ. Diện tích nuôi trồng thủy hải sản của người dân bị thiệt hại lên đến gần 300 ha.
Cũng trong ngày 1/10, Bộ Y tế cho biết chủ động phòng chống bệnh sau cơn bão số10. Trong những ngày tới, Bộ Y tế sẽ chỉ đạo sở y tế các địa phương và các đơn vị trực thuộc Bộ trong vùng bị ảnh hưởng tiếp tục tập trung cứu chữa người bị nạn; hướng dẫn nhân dân cách vệ sinh, bảo đảm an toàn thực phẩm, khử trùng nguồn nước, phòng tránh bệnh truyền nhiễm; triển khai ngay các biện pháp ngăn ngừa và kịp thời xử lý các ổ dịch, bệnh phát sinh; cùng chính quyền địa phương khẩn trương khắc phục các cơ sở y tế bị hư hại, sớm hoạt động trở lại, góp phần để nhân dân nhanh chóng ổn định cuộc sống, sinh hoạt.
Với nguồn thuốc, vật tư, hóa chất hỗ trợ từ Bộ Y tế và nguồn dự trữ tại địa phương, sở y tế các địa phương luôn đảm bảo đủ nhân lực, thuốc và trang thiết bị, cứu chữa người bị thương, bị nạn và chăm sóc sức khỏe người dân trong vùng bị ảnh hưởng của bão.
Thu Phương A, Công Tường-Mạnh Thành-Trần Tĩnh