Tập trung mở rộng diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân

Đó là mục tiêu về Đề án cải cách bảo hiểm xã hội (BHXH) mà Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) vừa báo cáo Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Thiết kế xây dựng BHXH đa tầng


Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho biết, tính đến cuối năm 2017, cả nước có 13,6 triệu người tham gia BHXH bắt buộc. Trong đó, có khoảng 230.000 doanh nghiệp đóng BHXH cho người lao động. Tuy nhiên, phía cơ quan thuế lại đưa ra con số cả nước có tới 600.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Từ 2 con số trên cho thấy vẫn còn trên 300.000 doanh nghiệp (DN) chưa tham gia BHXH bắt buộc và Bộ LĐTBXH tính toán có khoảng 3 triệu người chưa tham gia BHXH bắt buộc. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng số người tham gia BHXH hiện nay tương đương với số lượng người nhận BHXH một lần, tức là số vào tương đương với số ra.

Giao dịch BHXH tại quận Cầu Giấy.

Từ những bất cập trên, Bộ LĐTBXH đã tham mưu cho Chính phủ xây dựng đề án cải cách BHXH trình Trung ương xem xét, quyết định. Đề án cải cách BHXH đã được xây dựng suốt hai năm qua, đến nay, Đề án đã cơ bản hoàn tất với 2 phương án đặt ra: phương án thứ nhất là có thể cải cách về BHXH, phương án thứ hai là sẽ tiếp tục điều chỉnh bổ sung một số vấn đề về BHXH. “Tinh thần chung là sẽ tập trung mở rộng diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.


Để đạt được mục tiêu trên, Bộ LĐTBXH cho rằng cần thiết kế xây dựng BHXH đa tầng với 3 tầng chủ yếu: Tầng thứ nhất là tầng an sinh, tức là nhà nước đóng cho các đối tượng chính sách để họ hưởng lương hưu, tầng thứ 2 là BHXH bắt buộc và tầng thứ 3 là bảo hiểm bảo hiểm tự nguyện, người lao động đóng cao hưởng cao.


Bộ LĐTBXH đề xuất xem xét điều chỉnh thời gian đóng bảo hiểm. “Thực tế hiện nay chúng ta đang quy định 20 năm, có những người đã tham gia 10, 15 năm rồi nhưng không có khả năng theo được thì sẽ rất thiệt thòi. Hiện Bộ LĐ-TBXH đang tính toán theo lộ trình, trước mắt có thể giảm xuống 15 năm, sau khi áp dụng, một thời gian, chúng ta sẽ xem xét tiếp để tính toán có thể giảm xuống 10 năm. Đương nhiên, anh đóng ít thì phải hưởng ít”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề xuất.


Bên cạnh đó đề án cũng đẩy nhanh quá trình dịch chuyển lao động từ khu vực phi chính thức sang chính thức để gia tăng số người tham gia BHXH. Theo Bộ LĐTBXH, hiện nay 66% đang nằm ở khu vực phi chính thức mà không giải được bài toán này thì tỷ lệ đặt ra là 50% người lao động tham gia BHXH rất khó thực hiện. "Đến thời điểm này, trên thế giới không có nước nào mà chính sách BHXH lại thông thoáng như Việt Nam. Đó là đóng ít nhưng hưởng nhiều, đóng thời gian ngắn nhưng lại hưởng dài, ngoài hưởng phần mình đóng lại còn hưởng thêm phần do doanh nghiệp đóng và phần nhà nước hỗ trợ. Rồi người lao động đóng BHXH rồi xin rút một lần, đến một thời gian sau có việc mới lại đóng và lại xin rút một lần..." - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ.


Riêng về quỹ bảo hiểm thất nghiệp kết dư còn lớn, nội dung chi hiện mới nặng về xử lý hậu quả sau khi thất nghiệp tức là hỗ trợ chi trả trợ cấp chứ chưa chú trọng giải pháp có tính phòng ngừa như hỗ trợ tránh sa thải, duy trì việc làm, tăng cường thu nhập cho người lao động cũng như hỗ trợ họ tìm việc làm. Theo Bộ trưởng, thời gian tới sẽ phải tập trung hơn đến những giải pháp mang tính phòng ngừa.


Điều chỉnh tuổi hưu có lộ trình


Vấn đề điều chỉnh tuổi hưu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, cần phải có lộ trình để không gây sốc cho xã hội. "Tiếp thu kinh nghiệm quốc tế, chúng tôi đề xuất lộ trình thực hiện để không gây sốc đối với người lao động", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.


Bộ LĐTBXH trình hai phương án. Theo đó, phương án một là nâng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ lên 60 và nam lên 62, nhưng lộ trình mỗi năm chỉ nâng thêm 3 tháng. Còn phương án hai là nữ nghỉ hưu ở tuổi 60 nhưng độ tuổi nghỉ hưu của nam được nâng lên 65, lộ trình mỗi năm chỉ điều chỉnh nâng thêm 4 tháng.


Về vấn đề điều chỉnh lương hưu cho lao động nữ theo Luật BHXH, Bộ trưởng cho biết, tinh thần là không sửa luật, sẽ tính toán phương án cấp bù để phụ nữ đỡ thiệt thòi và Bộ sẽ trình Chính phủ trong tháng 5 tới.


“Với các phương án trình Trung ương, nếu được đồng ý, phải sửa đổi hệ thống pháp luật hiện hành. Hy vọng với tư duy đổi mới trong thực hiện chính sách BHXH thì độ bao phủ của chính sách này sẽ rộng hơn”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.


Bài và ảnh: XM
Chuyên gia lao động ILO: Ủng hộ việc tăng tuổi hưu từ từ
Chuyên gia lao động ILO: Ủng hộ việc tăng tuổi hưu từ từ

Đề xuất của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của lao động nam và nữ từ 60 và 55 lên tương ứng 62 và 60 đang gây chú ý của dư luận. Ông Nuno Cunha, chuyên gia cao cấp về an sinh xã hội (Tổ chức Lao động Quốc tế - ILO) đã trả lời báo chí Việt Nam liên quan về vấn đề này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN