Đổi thay ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Kon Tum là tỉnh có đông đồng bào thuộc hai dân tộc thiểu số rất ít người là Rơ Măm và Brâu. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương thể hiện qua các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có Quyết định 2086/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đời sống của đồng bào hai dân tộc thiểu số này từng bước được nâng cao, số hộ nghèo dần giảm xuống, thôn, làng ngày càng phát triển.
Người Rơ Măm sinh sống tại làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy. Theo già làng A Dói - người có uy tín trong cộng đồng người Rơ Măm, trước đây kinh tế của người dân trong làng rất khó khăn, toàn bộ là hộ nghèo. Khi làm nông nghiệp, bà con chỉ biết chọc tỉa, trồng lúa rẫy, trồng sắn nên năng suất thấp, nhiều gia đình không đủ ăn. Đến năm 2006, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, đồng bào dân tộc Rơ Măm bắt đầu biết đến việc canh tác các loại cây công nghiệp dài ngày như cao su, cà phê. Nhờ được phổ biến kiến thức canh tác, năng suất của các loại cây trồng tăng lên, đời sống bà con dần một khá giả.
“Năm 2007, gia đình tôi bắt đầu trồng 3 ha cao su. Chúng tôi được hướng dẫn trồng, chăm sóc và cạo mủ, nâng cao năng suất cây cao su, nên kinh tế gia đình dần ổn định. Cùng với việc thay đổi phương thức canh tác từ trồng lúa rẫy sang lúa ruộng, gia đình tôi cũng như bà con trong làng đã đủ ăn. Đến năm 2016, gia đình tôi đã thoát được nghèo, phát triển lên được 4 ha cao su, được hỗ trợ để nuôi thêm 2 con bò, 2 con dê và trồng 4 sào lúa nước, gia đình tôi đã khá giả, xóa được đói, giảm được nghèo”, già A Dói vui vẻ nói.
Trong khi đó, người dân tộc thiểu số Brâu, sinh sống tại thôn Đăk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Thực hiện Quyết định 2086/QĐ-TTg, người dân tộc Brâu đã được hỗ trợ cây giống cà phê, cao su, bời lời; hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ phân bón trồng 49 ha cà phê, 16 ha cao su, trên 32 ha bời lời; được hỗ trợ 167 con bò và kinh phí làm chuồng trại cho các hộ dân chăn nuôi. Đến nay, các diện tích cây trồng đã cho thu hoạch, đạt hiệu quả kinh tế cao, đàn bò cũng phát triển tương đối tốt.
Hằng năm, tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS và miền núi giảm 2-3%; các xã, thôn đặc biệt khó khăn giảm 3-4%; các huyện nghèo giảm 4-5%, có nơi giảm trên 5%; giai đoạn 2015 - 2019 đã có 22 huyện, 125 xã, 1.298 thôn, bản ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Vùng DTTS và miền núi đã có 1.052 xã (chiếm 22,3%) đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 106 xã từ đặc biệt khó khăn phấn đấu trở thành xã nông thôn mới; có 27 huyện ở vùng DTTS và miền núi (chiếm 6%) đạt chuẩn nông thôn mới.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Hoàng Thị Hạnh cho biết: Các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị đã ưu tiên nguồn lực, đầu tư phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nhất là địa bàn KT-XH đặc biệt khó khăn, đạt được kết quả rất quan trọng. Cơ sở hạ tầng thiết yếu được xây dựng ngày càng đồng bộ, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, bền vững hơn.
Dành 1.400 tỷ đồng đầu tư cho vùng đồng bào DTTS và miền núi
Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết: Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 88/2019/QH14 phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Chính phủ cũng đã xây dựng Nghị quyết số 12 để triển khai, trên thực tế, Chính phủ đã chỉ đạo hết sức quyết liệt. “Đây là nghị quyết mang dấu ấn lịch sử. Có thể nói, đây là một quyết sách thể hiện ý Đảng, lòng dân”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng nêu ra 4 mục tiêu của Đề án. Thứ nhất, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào, góp phần thực hiện mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau. Thứ hai, giảm dần địa bàn đặc biệt khó khăn, thu hẹp khoảng cách so với vùng phát triển. Thứ ba, khắc phục những hạn chế, bất cập của các chính sách trước đây. Thứ tư, tăng cường niềm tin của đồng bào đối với Đảng, Nhà nước và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.
Mục tiêu là để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào, nâng cao dân trí, khả năng tạo công ăn việc làm, tiếp cận với các kỹ năng lao động, sản xuất ngành nghề, xây dựng cơ sở hạ tầng, các thiết chế... Dự kiến đầu tư cho Đề án này 1.400 tỷ đồng. Đề án chia ra 2 kế hoạch 5 năm, từ năm 2021-2025 và từ năm 2026-2030.
Theo nhận định của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình “Đề án dự kiến trong 10 năm, khoảng thời gian dài với số vốn rất lớn như thế, cử tri băn khoăn về tính khả thi của nó là đúng. Nhưng đây là một quyết tâm rất lớn, Chính phủ đã đề ra và Nghị quyết đã thông qua 8 giải pháp để thực hiện”.
Đề cập đến 8 giải pháp này, Phó Thủ tướng cho biết, giải pháp rất quan trọng là nghiên cứu xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đây là 1 trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia (cùng với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững).
Chính phủ đã chuẩn bị tích cực, bố trí đủ nguồn vốn theo tiến độ, về cơ bản sẽ triển khai thực hiện ngay từ năm 2021. Các chỉ tiêu đưa ra trong Chương trình mục tiêu quốc gia thấp hơn so với Nghị quyết 88 của Quốc hội, vì Nghị quyết xác định thực hiện 10 năm, Chương trình mục tiêu quốc gia xác định là 5 năm 2021-2025. Phần còn lại tiếp theo cho kế hoạch 5 năm sau là 2026-2030. Do vậy, kết thúc năm 2030 cơ bản sẽ đạt được mục tiêu của Quốc hội đã xác định.
Chính phủ sẽ đẩy mạnh phân cấp, trao quyền cho cấp tỉnh trong tổ chức thực hiện đề án Chương trình mục tiêu quốc gia, các bộ, ngành chỉ thực hiện chức năng hướng dẫn, kiểm tra. Ban Chỉ đạo Chương trình sẽ chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã để làm đối chứng, một việc không hoàn thành hoặc có sai sót, chậm tiến độ sẽ xác định trách nhiệm của người chịu trách nhiệm.
“Đề án Chương trình mục tiêu quốc gia với một lượng vốn ngân sách khá lớn, nhưng đối với từng công trình thì nhỏ hoặc là vừa. Đầu tư ở địa bàn đặc biệt khó khăn, Chính phủ sẽ chỉ đạo ban hành cơ chế đặc thù, giảm bớt các thủ tục hành chính không cần thiết, phù hợp với thực tiễn, tăng cường sự giám sát của nhân dân thay cho sự ràng buộc các thủ tục hành chính rườm rà mà vẫn không đạt được hiệu quả”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh.
Mười năm qua (2010-2020), từ nguồn vốn đầu tư của nhà nước, vùng đồng bào DTTS và miền núi đã xây dựng hàng vạn công trình đường, điện, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa… phục vụ đồng bào. Đến nay, 100% đường từ tỉnh đến trung tâm huyện lỵ được rải nhựa hoặc bê tông hóa; 98,4% xã có đường ô tô đến trung tâm, tỷ lệ hộ DTTS được sử dụng điện lưới đạt 96,7%; 100% xã có trường tiểu học, trung học cơ sở; 99,7% xã có trường mầm non, mẫu giáo; 99,5% xã có trạm y tế; 76,7% thôn có nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng.