Đối với người dân ở vùng sông nước, hình ảnh những cây cầu “khỉ” được bắc qua các kênh, rạch nối liền hai bờ không có gì xa lạ. Ba xã phía Tây của huyện Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh) là xã Phước Chỉ, Phước Lưu và Bình Thạnh, là những địa bàn nằm ven sông Vàm Cỏ Đông, có địa hình thấp, nhiều nhánh kênh rạch chằng chịt, nên có khá nhiều cầu “khỉ”, bắc qua các kênh rạch. Tuy nhiên, những cây cầu tạm bợ kể trên luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro không thể lường hết trước, nhất là đối với trẻ nhỏ.
Thấy được sự khó khăn trong việc đi lại và nhu cầu vận chuyển nông sản của người dân ở 3 xã trên phải sử dụng xuồng máy, tàu, thuyền để vận chuyển phân bón, nông sản… rất tốn kém và không thể chủ động thời gian đi lại, nên hai năm gần đây, chính quyền địa phương và các đoàn thể ở 3 xã phía tây đã vận động nhiều nhà hảo tâm, doanh nghiệp... cùng nhân dân xây hàng chục cây cầu, tuyến đường nông thôn để từng bước xóa dần cầu “khỉ” tạm bợ. Xã Phước Chỉ là một điểm sáng trong phong trào cộng đồng cùng chung tay xóa cầu “khỉ”.
Ông Nguyễn Phước Nhiên, Chủ tịch UBND xã Phước Chỉ cho biết, từ khi có chủ trương làm đê bao ngăn lũ kết hợp với làm đường giao thông nông thôn, người dân ở xã Phước Chỉ rất phấn khởi, đồng tình ủng hộ. Từ đó, diện mạo nông thôn và hệ thống đường giao thông nông thôn ở vùng sông nước dần được hoàn chỉnh.
Cầu bê tông vững chắc vừa mới được xây dựng ở xã Phước Chỉ. |
Chị Nguyễn Thị Lan, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Phước Chỉ, phấn khởi cho biết, từ cuối năm 2015 đến nay, Đảng ủy, UBND, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở xã đã vận động các nguồn lực khởi công xây dựng được 9 cây cầu giao thông nông thôn, cùng nhiều công trình khác từ sự đóng góp của nhân dân, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức từ thiện ủng hộ; trong đó, phải kể đến sự đóng góp nhiệt tình của câu lạc bộ từ thiện Đồng Tâm đã chung tay xây dựng 6 cây cầu ở hai ấp Phước Hội và Phước Trung với tổng giá trị trên 1 tỷ đồng.
Hội Chữ thập đỏ của tỉnh cũng hỗ trợ xây 2 cây cầu giao thông nông thôn ở ấp Phước Long trị giá 130 triệu đồng. Mặt trận Tổ quốc xã cũng đã khởi công xây 1 cây cầu giao thông nông thôn ở ấp Phước Long trị giá 100 triệu đồng, kinh phí do các nhà hảo tâm trong và ngoài nước tài trợ. Trước đó, xã cũng đã vận động xây nhiều cây cầu bê tông khác như cầu Phước Long, cầu Phước Hội, cầu Kênh ông Chín, cầu Rạch Nhẫn 1, cầu Rạch Nhẫn 2 và 10 cây cầu ván trụ bê tông... cũng được sự góp sức của nhân dân để cùng xây nên những nhịp bờ vui, với kinh phí gần 1 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Mẫn, Bí thư chi bộ ấp Phước Long, xã Phước Chỉ cho biết, ấp có 10 con rạch. Trước đây, qua lại chủ yếu trên cầu tre, tạm bợ, nên việc xây cầu trở nên bức thiết đối với bà con nơi đây. Khi được ủng hộ tiền mua vật liệu để làm cầu, người dân hết sức phấn khởi và cùng chung sức tham gia xây cầu. Nhờ thế, đến thời điểm này, ấp đã có được 6 cây cầu bê tông.
Ông Võ Văn Sơn, người dân ở ấp Phước Long, xã Phước Chỉ phấn khởi cho biết, ban đầu khi vận động nhân dân làm cầu rất khó, bởi khi làm những công trình này thì dân phải hiến đất để nới rộng hoặc mở thêm tuyến đường nên chưa nhiều người đồng thuận. Chính quyền, địa phương đến vận động, thuyết phục, thử nghiệm xây một vài cây cầu, thấy được hiệu quả từ những cây cầu, tuyến đường đem lại nên nhân dân đồng thuận, cùng chia sẻ đất đai và công sức xây cầu, làm đường.
Vừa loay hoay chuẩn bị sắt, thép để làm thêm một cây cầu bê tông mới ở ấp Phước Long, xã Phước Chỉ, anh Nguyễn Thành Trung, Bí thư chi đoàn ấp Phước Hội, xã Phước Chỉ cho biết, được nhiều cá nhân, tổ chức ủng hộ tiền thì mình góp sức xây cầu cho dân, và hầu như cây cầu nào anh cũng góp sức cùng làm nên rất vui vì được góp sức cho quê hương, xóa đi những cây cầu khỉ, giúp nhân dân đi lại, vận chuyển hàng hóa được dễ dàng hơn.
Em Trà Huỳnh Hân (học sinh lớp 4 trường Tiểu học Trung Lập, điểm trường ấp Phước Long, xã Phước Chỉ) cho biết, ngày xưa khi chưa có cầu bắc qua trường, để đi học phải đi đường vòng rất xa. May nhờ có những cây cầu này, các em đi học được thuận lợi hơn, ít mất thời gian hơn và có thể tự mình đi học được.
Cũng theo chị Nguyễn Thị Lan, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Phước Chỉ, việc xây những cây cầu bắc qua sông, rạch đã làm thay đổi đến 80% bộ mặt nông thôn các ấp ven sông, hầu hết người dân di chuyển bằng các phương tiện xe gắn máy, không phải đi bằng tàu hay xuồng máy nữa; vận chuyển nông sản và việc đi học hành của con em được thuận tiện hơn.
Từ năm 2009 đến nay, xã Phước Chỉ đã vận động xây hàng chục cây cầu, rải đá hàng chục tuyến đường ở các ấp Phước Hội, Phước Trung, Phước Lập, Phước Long... với số tiền trên 10 tỷ đồng, góp phần xóa bỏ đi những cây cầu khỉ và xóa ấp không đường ở ấp Phước Trung.