Bỏ ra số tiền lớn để mua sừng tê giác, nhiều người không hay ảo tưởng của mình về công dụng của sừng tê đã gián tiếp gây nên cái chết thương tâm và tức tưởi của những con tê giác hiếm hoi còn lại trên thế giới.
Những kẻ săn trộm tê giác đang đẩy loài thú hiền lành này đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Hình ảnh hùng dũng của những chú tê giác trong thiên nhiên đang dần trở nên hiếm hoi. Ảnh: HSI |
Trên đồng cỏ rộng lớn ở Kareeka (Nam Phi), một chú tê giác đang loạng choạng. Bốn chân như không đủ nâng đỡ thân hình kềnh càng của chú. Sau vài lần vật lên vật xuống, tê giác đổ kềnh. Một vũng máu nhuộm đỏ lòm khoảng đất quanh đầu tê giác. Máu chảy từ vết thương do bị khoét đi chiếc sừng.
Bác sĩ William Fowlds và cộng sự đã phải dùng kháng sinh, thuốc giảm đau, thuốc chống viêm, đa sinh tố và đặc biệt là thuốc chống ký sinh trùng để xua những con giòi lúc nhúc từ vết thương quá sâu.
Sau 3 tuần, dù các tình nguyện viên đã hết sức cố gắng, nhưng chú tê giác vẫn không thể gượng dậy. Chú qua đời với những cơn đau giày vò đến tận phút cuối cùng và vết thương không thể nào lành được.
Đe dọa nỗ lực bảo tồn
Tê giác đó là Themba, là một trong 3 tê giác bị bắn trong một đêm tại Kareeka (Nam Phi), quốc gia được coi là “vương quốc của tê giác” hiện nay. Tại đây, trung bình mỗi ngày có 2 - 3 tê giác bị săn bắn bất hợp pháp để lấy sừng.
Tê giác Themba trong những ngày được chữa trị. Ảnh: HSI |
Sự vật vã trong đau đớn của Themba làm nhiều người Việt Nam nhớ tới cái chết của tê giác một sừng tại Vườn Quốc gia Cát Tiên vào năm 2010. Con thú hùng dũng khi được phát hiện chỉ còn là một bộ xương đã rữa, với vết đạn trong chân, còn chiếc sừng thì biến mất. Cái chết của tê giác một sừng này đánh dấu sự tuyệt chủng hoàn toàn của loài thú hiếm này tại Việt Nam.
Tại Nam Phi, từ năm 2007 đến nay, hơn 1.700 tê giác đã bị sát hại để lấy sừng. Riêng năm 2013, tính đến tháng 8, đã có 580 tê giác bị giết, khiến nỗ lực bảo tồn loài thú quý hiếm này trở nên gần như tuyệt vọng.
“Cuộc khủng hoảng về săn bắn tê giác” - TS Teresa Telecky, Giám đốc Bộ phận loài hoang dã của Human Society International (HSI), nói. “Nó diễn ra quá nhanh, đến nỗi hiện nay không còn tê giác nào được sống yên ổn trong quần thể của chúng”.
Nửa đầu thế kỷ trước, tê giác gần như tuyệt chủng. Cộng hòa Nam Phi đã có những nỗ lực để khôi phục quần thể tê giác tại quốc gia này. Có lúc đã có tới hơn 2.000 tê giác sinh sống tại Nam Phi.
“Quần thể tê giác có tăng lên, nhưng song song lại là nạn săn bắn trộm” - bà Kgomotso Ruth Magau, Đại sứ Cộng hòa Nam Phi tại Việt Nam cho biết.
Để chống lại săn bắn trộm, Nam Phi đã phải huy động cả quân đội tham gia đối đầu với các thợ săn. Năm 2011, có tới 232 người săn bắn trộm tê giác bị bắt tại Nam Phi. Các năm trước, con số cũng từ hơn 100 đến hơn 260 người, thậm chí có những kẻ săn trộm bị bắn chết.
“Ngành siêu lợi nhuận”
“Chúng tôi không ngờ sừng tê giác lại “quý” như vậy” - đại diện Sứ quán Nam Phi cho biết. Hiện nay, ngoài chợ đen, giá 1 kg sừng tê giác lên tới 200.000 USD.
Cũng vì “siêu lợi nhuận”, các đối tượng buôn lậu tìm mọi cách vận chuyển sừng tê. Theo cơ quan quản lý CITES Việt Nam, từ năm 2004 - 2013, đã có 20 vụ nhập khẩu, buôn bán trái phép sừng tê giác qua sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất bị bắt giữ với khối lượng trên 150 kg mẫu vật. Có vụ, các đối tượng buôn lậu vận chuyển hơn 10 kg sừng tê. Chúng dùng những bao gói đặc chủng để chống lại máy soi hải quan. Thậm chí bọn buôn lậu móc nối với nhau tạo thành các đường dây chặt chẽ có tổ chức, với quy mô xuyên quốc gia.
Theo kết luận của HSI, Việt Nam là nước nhập khẩu sừng tê giác lớn nhất thế giới. Một số hình ảnh mua bán sừng tê tại nhà thuốc và bệnh viện đã được đưa ra, dù chưa thể kết luận là sừng thật hay giả. Thậm chí, lợi dụng quy định của Nam Phi là được săn thú để làm chiến lợi phẩm, từ năm 2003, một số người Việt Nam đã đến Nam Phi để... săn tê giác.
Về phía Việt Nam, tại hội thảo về chia sẻ thông tin và nâng cao nhận thức giảm cầu sừng tê giác do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với HSI tổ chức, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân tích: Nhận định của HSI có thể dựa trên một số căn cứ: Thứ nhất là có người Việt Nam bị bắt khi săn bắn trái phép tại Nam Phi; thứ hai, là tại những phố buôn bán thuốc đông y tại Việt Nam đều có thể mua “sừng tê giác”, dù chưa biết thật giả như thế nào; và những cơ sở sản xuất đĩa mài sừng tê thì liên tục phát triển.
Và như một nghịch lý: Trên thế giới, tê giác càng bị giết hại nhiều, số lượng ngày càng ít đi, thì giá của sừng tê giác lại càng lên cao. Đã có lúc 1 kg sừng tê tăng lên mức giá 300.000 USD. Lợi nhuận cao lại càng kích thích những đối tượng săn bắn và buôn bán trái phép.
Ở nơi nào đó trên trái đất, những con tê giác vô tội hàng ngày vẫn ngã xuống với những vết đau. Cái chết của những sinh vật khổng lồ này, không chứng minh sức mạnh và sự tài giỏi của con người. Những kẻ hủy diệt tê giác chỉ cho thấy hành động tàn nhẫn của họ đã và đang đe dọa sự đa dạng sinh học của hành tinh của chính mình.
“Chúng ta phải kể câu chuyện về Themba, cậu tê giác không sống được” - bên xác Themba, bác sĩ William Fowlds buồn bã nói. “Chúng ta đã không thành công, đã không thể trả lại Themba cuộc đời mà cậu xứng đáng được nhận”.
Đã từng có thời gian tê giác sống rải rác ở khắp các lục địa Á - Âu và châu Phi. Tại hầu hết các khu bảo tồn tê giác đều có các loài động thực vật quý giá khác. Tê giác góp phần làm tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững thông qua hoạt động du lịch, tạo cơ hội việc làm và đem lợi ích trực tiếp đến các cộng đồng địa phương lân cận. Thế giới hiện tồn tại 5 loài tê giác: Tê giác đen, tê giác trắng (chủ yếu ở châu Phi); Java, Sumatra, Ấn Độ (phổ biến ở châu Á). Tổng số tê giác ở châu Phi chỉ còn hơn 25.000 con. Tại Việt Nam, cái chết của tê giác một sừng Java đã đánh dấu sự tuyệt chủng của loài này tại đây. |
Thùy Hương
Bài 2: Sừng tê giác có thể mang độc tố