Các đoàn đã thăm, tặng quà cho 140 gia đình chính sách, cán bộ hưu trí tiêu biểu (1 triệu đồng/gia đình); 143 chùa Phật giáo Nam tông Khmer (2 triệu đồng/chùa); hỗ trợ 8 trường dân tộc nội trú trong tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh, Khoa Dân tộc nội trú thuộc Trường Cao đẳng nghề Trà Vinh, Trường Trung cấp Pali-Khmer, Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh, Trường Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ và Nhân văn thuộc Trường Đại học Trà Vinh (mỗi đơn vị 5 triệu đồng).
Lãnh đạo tỉnh đã gửi lời thăm hỏi ân cần và chúc mừng năm mới đến các vị hòa thượng, thượng tọa, đại đức, các vị chức sắc tôn giáo và đồng bào Khmer. Ghi nhận những đóng góp của bà con trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương thời gian qua, lãnh đạo tỉnh mong muốn, thời gian tới, các vị hòa thượng, thượng tọa, đại đức, Ban Quản trị chùa… và đồng bào Khmer tiếp tục đoàn kết, ra sức học tập, lao động, sản xuất; chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương Trà Vinh giàu đẹp.
Trưởng ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh Kiên Ninh cho biết, dân số của tỉnh là hơn 1 triệu người, trong đó đồng bào Khmer chiếm gần 32%. Những năm qua, đồng bào Khmer trên địa bàn được thụ hưởng nhiều chương trình, chính sách của Đảng, Nhà nước. Toàn tỉnh hiện còn 5.404 hộ nghèo, chiếm 1,88% so với số hộ dân toàn tỉnh; trong đó hộ nghèo là dân tộc Khmer còn 3.239 hộ.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, Trà Vinh bố trí tổng kế hoạch vốn trên 1.711 tỷ đồng để thực hiện 10 dự án với nhiều tiểu dự án để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao mức sống. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương trên 1.124 tỷ đồng, ngân sách địa phương đối ứng hơn 1,6 tỷ đồng, còn lại là nguồn vốn vay tín dụng chính sách và nguồn huy động hợp pháp.
Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số đạt trên 80 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm 3%/năm; giảm 50% ấp đặc biệt khó khăn và không còn xã đặc biệt khó khăn.