Sau 20 năm thành lập, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Thanh Hóa luôn nỗ lực phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và giành được những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế – xã hội, phát triển đô thị, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực và đã đạt được các tiêu chí của đô thị loại I.
Một góc thành phố Thanh Hóa. |
Việc thành phố Thanh Hóa được công nhận là đô thị loại I vào tối 16/11 tới đây sẽ là nguồn động viên, cổ vũ Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Thanh Hóa đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng Thành phố Thanh Hóa ngày càng phát triển trở thành một thành phố năng động, văn minh và thân thiện trong tương lai không xa.
Đô thị trẻ năng động đang từng ngày thay da đổi thịt
Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước, giữ nước, tỉnh Thanh Hóa là một khu vực hành chính tương đối ổn định và là một trong số ít các địa phương của cả nước chưa hề có sự chia tách. Có thể nói cái tên tỉnh Thanh Hóa ra đời và tồn tại đến nay phải kể đến việc vào tháng 5 năm Giáp Tý triều Gia Long thứ 3 (1804), Hoàng đế Nguyễn Ánh đã quyết định dời trấn thành Thanh Hóa, lỵ sở Thanh Hoá cũ ở xã Dương Xá về Thọ Hạc làm trấn lỵ Thanh Hóa đã chính thức mở đầu cho sự phát triển của một tỉnh lỵ Thanh Hóa. Từ đó Hạc Thành trở thành trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của trấn Thanh Hóa và là một trong 29 doanh, trấn của nước ta thời đó. Đến năm 1831, vua Minh Mạng lấy riêng 1 trấn Thanh Hóa đặt làm tỉnh Thanh Hoa và đến năm Thiệu Trị thứ 3 (1843) đổi lại thành tỉnh Thanh Hóa. Năm 1889 thực dân Pháp ép vua Thành Thái ký đạo dụ thành lập thị xã Thanh Hóa; đến năm 1929 thực dân Pháp nâng cấp thị xã Thanh Hóa lên thành phố Thanh Hóa với diện tích 4 km2 với 6 phường. Năm 1945, Thanh Hóa lại trở thành thị xã theo Sắc lệnh số 11 của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa quy định những thành phố thuộc tỉnh đều gọi là thị xã. Đến năm 1993, thị xã Thanh Hóa được công nhận là Thành phố, trở thành đô thị loại III và đô thị loại II năm 2003.
Thành phố Thanh Hóa hôm nay đã và đang phát triển rất mạnh mẽ với kết cấu hạ tầng du lịch, giao thông, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật ngày càng được hoàn thiện, tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ, tỷ trọng ngành dịch vụ, công nghiệp xây dựng chiếm 93%, nông – lâm - thủy sản chỉ chiếm 6,5%... Giai đoạn 2010-2014, thành phố đã có những đổi thay tăng tốc ngoạn mục: Dân cư tăng hơn 1,4 lần, diện tích tăng 1,6 lần, tổng sản phẩm (GDP) gấp 23 lần, thu ngân sách gấp 20 lần. Đây là những bước tiến mang tính đột phá trong tiến trình xây dựng và phát triển thành phố trong thời kỳ đổi mới đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đồng thời thu hút vốn ODA để phát triển toàn diện kinh tế - xã hội thành phố Thanh Hóa, tiếp tục xây dựng những công trình tạo điểm nhấn của thành phố như cầu Nguyệt Viên, nhà hát Lam Sơn, trung tâm văn hóa tỉnh, các khu vực vui chơi giải trí…
Để khẳng định vị trí trung tâm, đầu tàu của cả tỉnh Thanh Hóa, thành phố Thanh Hóa đã đầu tư xây dựng nhiều công trình văn hóa, xã hội, du lịch, trường học, bệnh viện, công viên, vườn hoa, quảng trường, hệ thống điện chiếu sáng … theo hướng văn minh, hiện đại. Chỉ riêng giai đoạn 2010 - 2015, tổng mức đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị toàn thành phố đã lên tới 90 nghìn tỷ đồng. Trong đó dự án phát triển toàn diện kinh tế - xã hội thành phố Thanh Hóa (CSEDP) có tổng kinh phí khoảng 117,9 triệu USD gồm 5 hợp phần, hoàn thành vào năm 2015 cũng sẽ tạo nên diện mạo mới cho thành phố Thanh Hóa trong việc phát triển Khu du lịch văn hóa Hàm Rồng, dự án đại lộ nam sông Mã, dự án đại lộ Đông - Tây, dự án đường tránh QL1A, các khu đô thị mới Nam TP, đô thị mới phường An Hoạch, đô thị mới Quảng Hưng, Quảng Thành…
Trong dịp kỷ niệm 210 năm đô thị tỉnh lỵ, 20 năm thành lập thành phố và đón nhận Huân chương Độc lập hạng nhất, Thành phố Thanh Hóa sẽ khánh thành và khởi công một số công trình chào mừng như: Nhà hát Lam Sơn, Biểu trưng thành phố, Công viên Hồ Thành 4, Quy hoạch Thái miếu nhà Hậu lê, thông tuyến ngã ba Voi đi Sầm Sơn, đường vành đai Đông Tây, đường Dương Đình Nghệ… hoàn thiện và trình UBND tỉnh phê duyệt hoạch phân khu Khu du lịch, di tích văn hóa lịch sử khảo cổ Hàm Rồng – Núi Đọ, Khu Trung tâm hành chính mới thành phố Thanh Hóa…
Chủ tịch Thành phố Thanh Hóa Đào Trong Quy khẳng định: “Tới đây, Thành phố Thanh Hóa sẽ quan tâm nhiều hơn đến việc xây dựng lộ trình cụ thể để phát triển đô thị, trong đó Thành phố tập trung vào công tác đào tạo cán bộ quản lý đô thị, đầu tư hơn nữa cho công tác thiết kế cảnh quan đô thị, công trình công cộng, dịch vụ, nâng cao đời sống cho nhân dân, hướng đến xây dựng thành phố Thanh Hóa trở thành thành phố văn minh, công dân thân thiện…..”
Hướng đến xây dựng đô thị văn minh - công dân thân thiện
Trong những năm gần đây Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân thành phố đã ra sức tập trung xây dựng thành phố văn minh, công dân thân thiện và đã tạo chuyển biến cơ bản trong việc thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng môi trường văn hóa, tư tưởng, đạo đức, lối sống lành mạnh, giữ gìn phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân, đồng thời thúc đẩy thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội đưa thành phố Thanh Hóa xứng đáng với vị thế đô thị loại I. Đối tượng chủ yếu của cuộc vận động là nhân dân ở địa bàn dân cư, cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức, người lao động ở công sở, doanh nghiệp và đặc biệt là thanh thiếu niên, sinh viên, học sinh.
Trong việc nâng cao ý thức tự giác chấp hành “văn hóa giao thông” và thực hiện nghiêm túc trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, giữ gìn tốt vệ sinh môi trường, xây dựng thành phố ngày càng “xanh - sạch - đẹp”; xây dựng nếp sống, giao tiếp, ứng xử văn minh, lịch sự, có văn hóa trong gia đình, tại địa bàn dân cư, công sở, doanh nghiệp và những nơi công cộng.Nếp sống văn minh đô thị sẽ tạo nên môi trường văn hóa, bộ mặt văn hóa cho đô thị vừa hiện đại vừa mang bản sắc dân tộc. Đồng thời góp phần quan trọng trong chiến lược xây dựng con người Thanh Hóa với tác phong và cốt cách văn minh, tiến bộ trong cuộc sống hôm nay.
Sau hơn 10 năm được công nhận là đô thị loại II, thành phố đã đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, đặc biệt là công tác phát triển đô thị, xây dựng hệ thống hạ tầng và nâng cao điều kiện sống của người dân thành phố. Đến nay Thành phố Thanh Hóa đã hội đủ tiêu chí của đô thị loại I trực thuộc tỉnh với điểm số 84,18. Việc công nhận thành phố Thanh Hóa là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Thanh Hóa phù hợp với thực tế phát triển của tỉnh Thanh Hóa nói chung và thành phố Thanh Hóa nói riêng, tạo động lực thúc đẩy thành phố phát triển trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của vùng Bắc Trung Bộ.
Hoa Mai – Duy Hưng