Để thực hiện mục tiêu này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có chỉ thị về Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh trong 2 năm 2024 - 2025.
Tỉnh ủy Thanh Hóa yêu cầu, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội tập trung lãnh đạo, triển khai nghiêm túc, hiệu quả chỉ thị; coi đây là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa chính trị - xã hội to lớn và tính nhân văn sâu sắc, là việc làm thường xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong 2 năm 2024 - 2025.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh, huyện, xã do Bí thư cấp ủy làm Trưởng ban, Chủ tịch UBND, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc làm Phó trưởng ban; thành lập Ban vận động ở thôn, bản, tổ dân phố để chỉ đạo, triển khai chỉ thị. Ban chỉ đạo các cấp có trách nhiệm chỉ đạo rà soát, xây dựng kế hoạch, triển khai việc vận động và huy động các nguồn lực hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn theo đúng kế hoạch.
Từng địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… ý nghĩa của Cuộc vận động, tạo sự đồng thuận cao trong thực hiện; đồng thời khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, chủ động vươn lên thoát nghèo của hộ nghèo, gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở. Địa phương tuyên truyền, vận động các gia đình, người dân trong dòng họ chủ động chuẩn bị mặt bằng, tham gia đóng góp nhân lực, ngày công, huy động thêm các nguồn kinh phí hợp pháp khác để hoàn thành việc xây dựng, sửa chữa nhà ở. Phương pháp vận động phải thật sự linh hoạt, hiệu quả, tùy theo phong tục, tập quán của mỗi vùng, miền, điều kiện của mỗi địa phương, đơn vị, cộng đồng dân cư, gia đình, dòng họ để huy động hợp lý trên cơ sở đồng thuận, thống nhất và phát huy tinh thần tự nguyện, tự giác của mỗi người dân.
Các địa phương điều tra, rà soát, nắm chắc số hộ nghèo, gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn cần được hỗ trợ từ Cuộc vận động, bảo đảm đúng đối tượng theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo tỉnh; thực hiện công khai, dân chủ trong bình xét, phân loại đối tượng và có kế hoạch, lộ trình triển khai phù hợp, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ; ưu tiên hỗ trợ trước cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ còn khó khăn về nhà ở thuộc diện chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng thường xuyên xảy ra thiên tai, bão lũ...
Những năm qua, công tác vận động, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, địa phương quan tâm thực hiện, được các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đồng tình hưởng ứng, ủng hộ. Đến nay, toàn tỉnh đã có hàng nghìn gia đình được hỗ trợ xây dựng mới, sửa chữa nhà ở bảo đảm an toàn, ổn định để “an cư, lạc nghiệp”, góp phần giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2023, tỉnh Thanh Hóa được ngân sách Trung ương hỗ trợ phân bổ trên 182 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững để hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo, cận nghèo tại các huyện nghèo. Tỉnh đã phân bổ 100% nguồn vốn này cho 6 huyện thuộc Chương trình. Đến nay tại 6 huyện nghèo, từ nguồn vốn của Trung ương và vốn đối ứng của tỉnh đã hỗ trợ xây mới 2.057 căn nhà, đạt trên 44% kế hoạch; sửa chữa 2.024 căn nhà, đạt trên 52% kế hoạch.
Tuy nhiên, đời sống của một bộ phận người dân trên địa bàn vẫn còn khó khăn, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ. Số hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách, hộ còn khó khăn cần được hỗ trợ về nhà ở trên địa bàn còn nhiều. Trong khi đó, điều kiện nguồn lực của Nhà nước và địa phương còn hạn chế, chưa đáp ứng đủ nhu cầu kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các gia đình trong toàn tỉnh…