Vị trí sạt trượt đất đắp và đá dăm phần mặt vừa được lu lèn bị đẩy ra phía bờ sông, gây hở hàm ếch ở phía mặt đê. Chiều dài điểm sạt trượt hơn 50m, có chỗ sâu gần 2m so với mặt đê. Hiện, trên tuyến đê này vẫn tiếp tục có nguy cơ sạt trượt.
Ngay sau khi xảy ra sự việc, chính quyền địa phương cùng với đơn vị thi công đã căng dây cảnh báo, không cho các phương tiện qua đê để chờ phương án xử lý, khắc phục.
Nguyên nhân ban đầu được xác định, trong quá trình triển khai thi công do nền đất yếu nên đã gây sạt trượt mái đê. Ngày mai, 18/4 lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa cùng các sở ngành liên quan sẽ trực tiếp xuống hiện trường để cùng địa phương và đơn vị thi công đánh giá sự cố về mặt chuyên môn để có hướng xử lý tiếp theo.
Dự án tu bổ, khắc phục trọng điểm xung yếu tuyến đê tả sông Càn từ Km 7+840 - Km 8+720 do UBND huyện Nga Sơn làm chủ đầu tư. Đơn vị thi công là Công ty Cổ phần xây dựng Vacic (địa chỉ tại TP. Thanh Hóa) với giá trúng thầu hơn 6,3 tỷ đồng, chiều dài tuyến đê thi công hơn 450m.
Theo phản ánh của người dân, hiện tượng nứt mặt đê đã xuất hiện cách đây khoảng 4-5 ngày và từ chiều tối 16/4, mặt đê bất ngờ bị sạt trượt nghiêm trọng.