Mỗi khi mùa mưa về nước dâng cao làm ngập lụt nhiều tài sản, hoa màu, người dân mong muốn chính quyền sớm di dời họ đến nơi tái định cư mới để ổn định đời sống.
Chúng tôi có dịp về xã Xuân Thái, huyện miền núi Như Thanh, kể từ khi nâng mức cốt nước hồ sông Mực, nhiều hộ dân xã Xuân Thái thuộc diện sống ở vùng ngập lòng hồ. Vì vậy, vào năm 2010 tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình bố trí sắp xếp dân cư vùng ngập lòng hồ sông Mực tại khu vực này. Thế nhưng đã gần 12 năm trôi qua dự án vẫn chưa hoàn thành, nguyên nhân là do thiếu vốn nên chính quyền không thể di dời các hộ dân đến nơi ở mới.
Bà Dương Thị Gái, thôn Cây Nghia, xã Xuân Thái cho biết: “Gia đình tôi thuộc diện nằm vùng ngập nước hồ sông Mực, mỗi khi mưa bão chúng tôi phải di dời chờ nước rút với dám về nhà. Do không có nghề nghiệp nên cả gia đình chỉ trông chờ vào chăn nuôi và trồng trọt nhỏ lẻ trên đất vườn của gia đình, trong khi ruộng không có nên thu nhập chỉ được 3-4 triệu/năm, cuộc sống hiện rất khó khăn”.
Ông Lê Văn Hải, thôn Cây Nghia, xã Xuân Thái cho biết, từ bao đời gia đình ông sinh sống tại đây với nghề trồng trọt, chăn nuôi. Cứ đến tháng 7, tháng 8 khi mùa mưa bão về nước dâng lên ngập vào nhà làm gia đình ông luôn trong trạng thái bất an vì sợ nước lũ cuốn trôi. Mặc dù nhà thường xuyên hỏng nhưng ông không dám sửa chữa do nằm trong diện phải di rdi. Thời gian tới ,ông mong muốn các cấp quan tâm để gia đình ông được di dời đến nơi ở mới, có thể phát triển sản xuất, ổn định đời sống.
Xã Xuân Thái có khoảng 350 hộ, thời gian qua được sự quan tâm của nhà nước xã đã di rời được 251 hộ lên vị trí cao hơn tránh ngập lụt khi tích nước hồ sông mực. Đến nay, vẫn còn 91 hộ chưa được di dời.
Theo ông Nguyễn Trọng Thắng, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Thái, xã còn 91 hộ dân thuộc lòng hồ sông Mực rất cần di rời để tránh thiệt hại về người và tài sản. Thời gian tới, xã đề nghị cấp thẩm quyền có chính sách hỗ trợ di dời các hộ dân này.
Theo thống kê của UBND huyện Như Thanh, địa bàn có 267 hộ sống trong vùng ảnh hưởng ngập lụt do mưa lớn, riêng xã Xuân Thái có 91 hộ bị ảnh hưởng ngập lụt hồ sông Mực. Hiện huyện Như Thanh đã quy hoạch, bố trí khu tái định cư mới cũng tại Xuân Thái với diện tích 17, 91 ha để di dời các hộ có ảnh hưởng ngập lụt do việc nâng cốt của lòng hồ sông Mực.
Theo ông Hàn Văn Huyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Như Thanh, huyện đã quy hoạch khu tái định cư, sau khi được cấp trên phê duyệt sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng và thống kê số liệu chính xác để bố trí cho các hộ dân ảnh hưởng ngập lụt vào khu tái định cư mới. Thời gian tới, UBND huyện Như Thanh sẽ đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa, các ban, ngành hỗ trợ thêm cơ chế chính sách cho các hộ dân vùng ngập lụt hồ sông Mực.
Theo Chi cục Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, dự án bố trí sắp xếp dân cư vùng ngập lòng hồ Sông Mực với số vốn đầu tư hơn 55 tỷ đồng, với mục tiêu bố trí ổn định cho 659 hộ dân đang sinh sống tại thôn Làng Mài, thôn Xuân Lương, xã Bình Lương; thôn Tân Lập, thôn Mai Thắng, thôn Đức Bình, thôn làng Lung, thôn Sơn Thủy, thôn Rộc Nái thuộc xã Tân Bình, huyện Như Xuân và thôn Yên Khang, thôn Đồng Lườn, thôn Cây Nghia, thôn làng Lúng, thôn Cốc 1, thôn Ao Ràng, thôn Ba Bái, xã Xuân Thái, huyện Như Thanh.
Tuy nhiên, nguồn kinh phí phân bổ thực hiện Chương trình Bố trí dân cư theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ còn hạn chế. Do đó, dự án mới được bố trí hơn 4,7 tỷ để hỗ trợ 27 hộ xã Tân Bình, huyện Như Xuân, 51 hộ xã Xuân Thái, huyện Như Thanh di chuyển đến nơi ở mới an toàn và đầu tư 400 mét đường giao thông tại xã Xuân Thái. Do thiếu vốn thực hiện nên đến nay dự án vẫn chưa thể hoàn thành.
Để bố trí tái định cư cho người dân, Sở Nông nghiệp và Phát tiển nông thôn tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với các huyện xây dựng “Đề án sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi giai đoạn 2021 - 2025”.
Trong số đó, có 108 hộ dân tại các xã Tân Bình, Bình Lương, huyện Như Xuân đang ở dưới cốt nước dâng của hồ Sông Mực sẽ được bố trí, sắp xếp vào 4 khu tái định cư liền kề.
Dự kiến, các hộ dân tái định cư liền kề sẽ được hưởng cơ chế hỗ trợ di dời, sắp xếp, ổn định dân cư với sự hỗ trợ trực tiếp cho các hộ dân gồm 50 triệu đồng/hộ đối với hộ ở nhà sàn và nhà không kiên cố, 75 triệu đồng/hộ đối với hộ ở nhà cấp 4 và nhà mái bằng, 100 triệu đồng/hộ đối với hộ ở nhà 2 tầng và hỗ trợ đầu tư hạ tầng khu tái định cư 150 triệu đồng/hộ. Trong thời gian tới, UBND huyện Như Xuân sẽ tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao để bố trí sắp xếp ổn định cho 108 hộ nêu trên theo Đề án đã phê duyệt.