Ông Đặng Quốc Dũng là một trong 9 gương mặt tiêu biểu vừa được Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng ký Quyết định số 2309/QĐ-UBND ngày 4/8/2020 về việc tặng danh hiệu “Gương mặt tiêu biểu thành phố Hải Phòng năm 2019".
Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong là doanh nghiệp có bề dày lịch sử gần 60 năm, luôn xác định tinh thần tiên phong trong mọi hoạt động. Vì vậy, Hội đồng quản trị nói chung và cá nhân ông Đặng Quốc Dũng nói riêng gặp không ít áp lực để duy trì, phát huy vị thế của doanh nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn thị trường cạnh tranh vô cùng khốc liệt. Việc đổi mới là tất yếu, các giải pháp quản lý, các chương trình được triển khai một cách đồng bộ và rộng khắp.
Năm 2018, Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong bước vào giai đoạn đổi mới. Đây là tiền đề để năm 2019 Công ty có được sự bứt phá trong công tác quản trị.
Ông Đặng Quốc Dũng cho rằng, thay đổi về tư duy quản trị nguồn nhân lực là sự lựa chọn chiến lược không thể khác để đưa Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong hội nhập cùng khu vực và thế giới trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Nói đi đôi với làm, năm 2019, Chủ tịch Hội đồng quản trị Đặng Quốc Dũng cùng Công ty đầu tư nâng cao trình độ chuyên môn kĩ thuật cho người lao động; hoàn thiện hệ thống chính sách thu nhập công khai, minh bạch, đảm bảo đúng người, đúng việc, hiệu quả.
Với vai trò người đứng đầu, ông đã chỉ đạo các phòng chuyên môn tổ chức mời các các kỹ sư, chuyên gia đầu ngành về đào tạo và tự tổ chức hơn 30 khóa học với 2.500 lượt cán bộ công nhân viên tham gia; xây dựng hệ thống trả lương theo hiệu suất (KPI). Việc thực hiện các giải pháp này giúp Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong có được nền tảng nguồn lực để phát triển bền vững, đảm bảo khả năng cạnh tranh. Xác định khoa học công nghệ là yếu tố quan trọng để giữ vững và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo ưu thế cạnh tranh cho doanh nghiệp, ông đã chỉ đạo Ban điều hành đẩy mạnh công tác nghiên cứu phát triển, đổi mới công nghệ kỹ thuật. Trong năm 2019, Ban điều hành đã quyết định đầu tư trang bị những máy móc thiết bị hiện đại của các nước công nghiệp tiên tiến, phù hợp với chiến lược phát triển sản xuất của Công ty.
Các dây chuyền máy móc hiện đại trị giá hàng triệu USD được đầu tư như: Dây chuyền Comar, Unicor... Một số sản phẩm mới, sản phẩm nhựa kỹ thuật cao đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành xây dựng đã được nghiên cứu, sản xuất thành công tại Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong, trong đó có ống m.PVC với khả năng chịu va đập vượt trội, ống gân sóng HDPE 2 lớp, ống PP 2 lớp, ống gân xoắn, hố ga nhựa, van cầu kiểu mới, phụ kiện hàn điện trở HDPE…
Không dừng lại ở đó, để Công ty có thị trường ổn định và phát triển, Chủ tịch Hội đồng quản trị Đặng Quốc Dũng chỉ đạo Ban điều hành xây dựng các giải pháp để phát triển mạng lưới tiêu thụ sản phẩm. Với 5 trung tâm phân phối, 300 đại lý và 15.000 điểm bán hàng, mạng lưới tiêu thụ của Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong ngày một hoàn thiện và mở rộng. Đến nay, Công ty đã nắm giữ 60% thị phần miền Bắc và khoảng 37% thị trường trong nước. Thương hiệu “Nhựa Tiền Phong” cũng từng bước vươn ra thị trường thế giới. Thông qua việc hợp tác với hãng IPLEX (hãng sản xuất ống nhựa hàng đầu tại NewZealand), sản phẩm Nhựa Tiền Phong đã được xuất khẩu sang thị trường NewZealand. Bước đi này có ý nghĩa lớn trong việc nâng cao giá trị thương hiệu "Nhựa Tiền Phong" trong xu hướng hội nhập kinh tế ngày càng mạnh mẽ.
Ông Phạm Hồng Sĩ, Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong cho biết, quan tâm tới người lao động chính là chiến lược để người lao động gắn bó với doanh nghiệp, tạo ra nội lực mạnh mẽ để phát triển bền vững. Công ty thực hiện tốt chính sách xã hội đối với người lao động. Chế độ trả lương, thưởng, đãi ngộ cho người lao động được chú trọng, đảm bảo thu nhập của cán bộ công nhân viên cao hơn mặt bằng chung từ 20% trở lên.
Trong 10 năm qua, Công ty đã nộp ngân sách nhà nước hơn 2.660 tỷ đồng; đảm bảo việc làm cho trên 1.300 lao động; đời sống, thu nhập của người lao động năm sau cao hơn năm trước. Công ty luôn khẳng định được vị thế của mình là 1 trong 10 doanh nghiệp tiêu biểu của thành phố Hải Phòng. Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong còn lọt vào "Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam"; "Top 10 thương hiệu vàng Việt Nam 2019"; doanh nghiệp rồng vàng - thương hiệu mạnh Việt Nam 2019...
Theo bà Cao Thị Phượng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Hải Phòng, không chỉ quan tâm tới sản xuất kinh doanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Đặng Quốc Dũng còn thể hiện trách nhiệm trong hoạt động xã hội. Đặc biệt, chương trình cầu nối yêu thương do ông Đặng Quốc Dũng và các thành viên trong Ban lãnh đạo Công ty khởi xướng từ năm 2017, đến nay đã xây được 40 cây cầu trên các địa bàn vùng sâu, vùng xa nơi người dân gặp nhiều khó khăn về đi lại, tạo điều kiện cho các em nhỏ được đến trường. Việc làm này đến nay đã kết nối nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp cùng tham gia.
Bên cạnh đó, Công ty còn tổ chức thăm hỏi, tặng quà ủng hộ các quỹ như: Quỹ hỗ trợ nhà tình thương, quỹ hỗ trợ người già cô đơn, quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ vì người nghèo, quỹ nạn nhân chất độc da cam/dioxin; tham gia chương trình mái ấm biên cương; trao học bổng cho các cháu học sinh nghèo học giỏi, đỡ đầu trẻ em khuyết tật, khiếm thị của thành phố Hải Phòng.
Đồng hành cùng chương trình “Trái tim cho em”, năm 2019, Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong đã hỗ trợ 20 trường hợp mổ tim, tương đương số tiền 1 tỷ đồng. Năm 2020, Công ty sẽ tiếp tục ủng hộ chương trình giúp đỡ 40 ca mổ tim, trong đó 10 ca ở Hải Phòng, với kinh phí ủng hộ dự kiến là 2 tỷ đồng...
Từ việc Công ty đối mặt với những khó khăn nhất định khi nền kinh tế Việt Nam đang từng bước hội nhập sâu với thế giới, đòi hỏi sự thay đổi về tư duy quản trị nguồn nhân lực, đến việc khởi xướng chương trình xây những cây cầu nối yêu thương trên khắp mọi miền đất nước... đều có bóng dáng của vị “thuyền trưởng” tâm tài Đặng Quốc Dũng.