Tiếp tục khởi kiện
Ông Cao Văn Sang, Giám đốc BHXH TP Hồ Chí Minh, cho biết, trong năm 2015, số nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của thành phố là hơn 1.294 tỷ đồng, chiếm 3,7% so với kế hoạch thu cả năm. Nguyên nhân khách quan là vẫn còn một số DN bị ảnh hưởng bởi kinh tế suy thoái, việc sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn. Nhưng cũng không ít DN cố tình trốn tránh, vi phạm chính sách BHXH, BHYT, vì lãi suất tiền phạt chậm đóng BHXH thấp, các chế tài xử phạt chưa cao…
Việc áp dụng nhiều biện pháp để truy thu nợ đọng BHXH nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động. |
Để xử lý DN trốn, nợ BHXH, BHXH đã phối hợp với các cơ quan liên quan khởi kiện những DN này. Đây được xem là một biện pháp mạnh với những DN có số nợ BHXH lớn và kéo dài. Theo thống kê của BHXH, sau 2 năm theo đuổi khởi kiện DN, kết quả thu hồi nợ BHXH đã đạt hơn 65%. Chỉ tính riêng trong năm 2015, BHXH đã khởi kiện 1.905 đơn vị, với tổng số nợ là 530.247 triệu đồng. Tổng số tiền thu hồi trong năm là 198.417 triệu đồng, số còn lại tiếp tục thu hồi trong năm 2016, khi đã hoàn tất quá trình xét xử và thi hành án.
Cũng theo thống kê của BHXH Việt Nam, khi bị khởi kiện, có khoảng 30% số DN đã thực hiện ngay việc đóng BHXH, khoảng 40% số DN chấp nhận để thụ lý vụ án, còn lại tới 30% số doanh nghiệp gặp phải tình trạng rất khó khăn, như phá sản, giải thể hoặc chờ giải thể… Điều này cho thấy, khởi kiện là giải pháp phù hợp và hiệu quả đối với DN cố tình vi phạm.
Tuy nhiên, việc khởi kiện và thi hành án đối với những DN này vẫn đang gặp phải một số khó khăn do nhiều chủ DN bỏ trốn, DN chuyển nhượng lại DN cùng số nợ, DN nợ BHXH khi bị khởi kiện ra tòa thì không có nguồn tài sản hoặc tài sản chủ yếu là đi thuê, dẫn đến kéo dài thời gian thi hành án. Tình trạng truy thu cũng gặp khó khăn, phức tạp do người lao động đã nghỉ việc, đơn vị không lưu giữ hồ sơ tuyển dụng nên không thể khởi kiện…
Sẽ xử lý hình sự
Từ năm 2016, Luật BHXH (sửa đổi) chính thức có hiệu lực với nhiều điểm mới như trao quyền thanh tra, kiểm tra, xử phạt cho ngành BHXH. Ngoài ra, Bộ luật Hình sự mới cũng đã được Quốc hội thông qua, trong đó có quy định việc xử lý hình sự đối với nhóm tội danh như gian lận BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và tội trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho người lao động… Đây là những chế tài đủ mạnh để giải quyết rốt ráo tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT của DN hiện nay.
“Theo những quy định mới này, ngành BHXH sẽ được trao quyền thanh tra, kiểm tra, xử lý các DN đóng BHXH. Theo đó, số lượng DN nợ BHXH bị thanh tra, xử lý sẽ tăng lên, nhưng câu hỏi đặt ra là liệu có hiệu quả hơn hay không, khi trước đó thanh tra lao động cũng có chức năng thanh tra BHXH, nhưng nợ vẫn khó thu, DN vẫn nợ BHXH. Luật BHXH mới giao quyền khởi kiện DN nợ BHXH lại cho tổ chức Công đoàn và Công đoàn có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản DN. Tuy nhiên, luật chỉ giao, chưa có cơ chế thực hiện. Để xử lý triệt để hơn, biện pháp mạnh tay nhất cũng đã được luật cho sử dụng, đó là sẽ xử lý hình sự các DN nợ, trốn đóng BHXH cho người lao động. Chúng tôi hy vọng với biện pháp này các DN khi có ý định nợ, trốn đóng BHXH cũng phải suy nghĩ kỹ hơn”, ông Cao Văn Sang cho biết thêm.
Theo ông Sang, việc xử lý hình sự hiện nay rất cần thiết và hợp tình hợp lý, đồng thời cũng đảm bảo được quyền lợi của người lao động. Vì mức đóng BHXH của người lao động được chia ra thành 17% là do chủ DN chịu trách nhiệm đóng BHXH cho người lao động còn lại 6% là do người lao động đóng. Số tiền 6% mà DN thu của người lao động rồi chiếm dụng không nộp cho BHXH cũng được coi là hành vi chiếm đoạt tài sản nghiêm trọng phải bị xử lý hình sự.
Ngoài những biện pháp tăng cường thanh tra, kiểm tra, khởi kiện các DN cố tình nợ, trốn đóng BHXH, ngành BHXH thành phố cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên ngành, tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động tới người lao động, nhằm giúp người lao động hiểu biết luật, tự mình bảo vệ quyền lợi của mình. Một khi nắm rõ pháp luật, người lao động có thể tự khởi kiện DN ra tòa.