Theo dõi chặt chẽ diễn biến áp thấp nhiệt đới để chủ động ứng phó 

Tối và đêm 2/8, bão số 3 đã đi vào khu vực phía Bắc tỉnh Quảng Ninh và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Tuy nhiên, hoàn lưu áp thấp nhiệt đới có thể gây mưa lớn và còn diễn biến phức tạp.

Chú thích ảnh
Mưa gây ngập cục bộ trên đường Chiến Thắng, quận Hà Đông, Hà Nội. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai nghiêm túc nội dung Công điện số 9/CĐ-TWPCTT ngày 2/8 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, trong đó tập trung việc tăng cường lực lượng trực ban phòng chống bão, lũ; chủ động, sẵn sàng tổ chức các đoàn công tác xuống địa bàn để chỉ đạo ứng phó với mưa, lũ.

Đó là chỉ đạo của Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài tại cuộc họp ứng phó với áp thấp nhiệt đới diễn ra sáng 3/8 tại Hà Nội.          

Cụ thể, các địa phương tuyến biển theo dõi diễn biến áp thấp nhiệt đới để quyết định bỏ lệnh cấm biển; khôi phục đời sống, sản xuất của nhân dân; kiểm tra các công trình ven biển, phát hiện và khắc phục kịp thời các hư hỏng do bão gây ra.

Các địa phương cũng chủ động vận hành hồ chứa để đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du; kiểm tra, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập; nhất là các công trình đang thi công; triển khai phương án chống ngập úng tại đô thị; rà soát khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất; sẵn sàng phương án ứng phó mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất; tổ chức cắm biển cảnh báo; tuần tra, canh gác tại các ngầm tràn, các tuyến đường dễ xảy ra ngập, chia cắt.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, từ ngày 3-4/8, tại Bắc Bộ và các tỉnh Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 100-300 mm/ đợt. Riêng khu vực Đông Bắc, Đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hoá từ 200-400mm/đợt, Thủ đô Hà Nội ngày và đêm 3/8 sẽ có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 100-200mm. Trước diễn biến trên, các địa phương cần chủ động các biện pháp ứng phó với mưa lũ, phù hợp với tình hình thực tế đồng thời cử các đoàn chỉ đạo, kiểm tra tình hình mưa lũ, úng ngập và sẵn sàng các biện pháp để xử lý kịp thời khi có các tình huống xảy ra. Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài nhấn mạnh.  

Bên cạnh đó, các địa phương cần khẩn trương tiến hành tiêu nước đệm tại những khu vực có nguy cơ ngập úng, khơi thông các kênh mương tiêu, chủ động vận hành hệ thống bơm tiêu; tăng cường kiểm tra an toàn giao thông khi mưa lớn và có hiện tượng ngập; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn tại các hầm lò, khu vực khai thác khoáng sản, bãi xả thải. 

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia tăng cường ban hành, chuyển các bản tin dự báo, cảnh báo kịp thời, sát thực đến các Bộ, ngành, địa phương phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó. Các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về mưa lũ, ngập úng, các biện pháp ứng phó đặc biệt là vấn đề an toàn về người và tài sản trước mưa, lũ lớn.     

Thông tin từ Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho hay, hiện đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho toàn bộ tàu thuyền vào nơi trú tránh bão. Đối với việc  21 tàu cá  với 103 lao động của Quảng Bình đang neo đậu tại đảo Hải Nam, Trung Quốc đến 16 giờ 40 phút ngày 2/8, đồn biên phòng Cảng Gianh đã liên lạc được với các tàu trên.     

Đến sáng 3/8, các hồ chứa thuỷ điện hiện đang ở mức thấp, riêng hồ Tuyên Quang xấp xỉ mực nước cao nhất trước lũ và 18 hồ chứa thủy điện vận hành theo quy trình đơn hồ đang xả tràn với lưu lượng từ 10-2m3/s bao gồm Thác Xăng 109m3/s (Lạng Sơn); Thái An, Nho Quế 3, Sông Bạc, Sông Miện 5, Sông Miện 5a, Sông Miện (Hà Giang); Nậm Na 3, (Lai Châu); Bảo Lâm 3 (Cao Bằng); Nậm Núa, Nậm Mức: 348m3/s, Trung Thu: 2m3/s (Điện Biên); Ia Grai 2, Ia Grai 3m (Gia Lai); Đrây Hlinh 1 (Đắk Lắk); Đăk Psi 2B (Kon Tum); Bảo Lộc (Lâm Đồng).

Các hồ thủy lợi ở khu vực Bắc Bộ ở mức 60-70% dung tích; có 3 hồ tại Quảng Ninh đang xả tràn gồm Đầm Hà Động 10m3/s, Yên Lập 70m3/s, Tràng Vinh 7m3/s. Các hồ khu vực Bắc Trung Bộ ở mức thấp, đạt 25-30% dung tích. Đặc biệt có 141 hồ hư hỏng và 62 hồ đang thi công có nguy cơ xảy ra mất an toàn, cần tăng cường kiểm tra, giám sát để đảm bảo an toàn khi có lũ.

Thắng Trung     (TTXVN)
Quảng Ninh khẩn trương khắc phục hậu quả cơn bão số 3
Quảng Ninh khẩn trương khắc phục hậu quả cơn bão số 3

Đêm 2/8, bão số 3 đã đổ bộ trực tiếp vào thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Tính đến 7h sáng 3/8, mực nước sông Ka Long dâng rất cao, uy hiếp nghiêm trọng một số vùng trũng của thành phố Móng Cái.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN