Kiểm tra tình hình sạt lở bờ sông Trà Nóc (phường Trà Nóc, quận Bình Thủy), ông Hoàng Công Thủy đề nghị UBND thành phố Cần Thơ chỉ đạo các quận, huyện, cơ quan chức năng của địa phương theo dõi sát sao diễn biến của sạt lở. Những điểm có nguy cơ cao cần tiến hành cảnh báo, nếu cấp thiết thì cho di dời người dân đến khu vực an toàn. Mục tiêu số một là phải đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân. Về kiến nghị của thành phố Cần Thơ đề nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí triển khai các công trình phòng, chống sạt lở khẩn cấp, có vốn đầu tư lớn, Đoàn công tác sẽ tổng hợp, báo cáo lên cấp trên.
Ông Nguyễn Quí Ninh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ cho biết, sông Trà Nóc có điểm đầu nối với sông Hậu, trong đó đoạn sạt lở phức tạp dài khoảng 5km, thuộc địa phận phường Trà Nóc và phường Trà An. Từ năm 2020 đến nay, bên bờ thuộc phường Trà An xuất hiện 7 điểm sạt lở làm 40 căn nhà bị sạt một phần. Còn bên bờ thuộc phường Trà Nóc, một đoạn có chiều dài khoảng 2.500m với 193 hộ dân đang sinh sống cũng xuất hiện nhiều điểm sụt lún, có nguy cơ sạt lở rất cao, không đảm bảo an toàn giao thông.
Chính quyền phường Trà Nóc đã phối hợp vận động, hỗ trợ các hộ dân nằm trong khu vực bị ảnh hưởng sạt lở di dời công trình, nhà ở đến nơi an toàn, tổ chức cắm biển cảnh báo sạt lở. Bên cạnh đó, chỉ đạo các khu vực phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể vận động người dân, nhà hảo tâm đóng góp kinh phí để thực hiện một số đoạn cầu sắt, mở lối đi tạm, gia cố tạm các điểm sạt lở để đảm bảo việc lưu thông, đi lại của bà con trong khi chờ chủ trương đầu tư công trình chống sạt lở.
Trong 7 tháng đầu năm 2023, Cần Thơ xảy ra 34 đợt sạt lở bờ sông, với tổng chiều dài gần 2.000m; làm bị thương 2 người, làm sạt hoàn toàn 8 căn nhà, sạt một phần và ảnh hưởng nghiêm trọng 19 căn nhà.
Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, Phó trưởng Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố cho biết, những năm qua, Cần Thơ rất quan tâm đến công tác phòng chống sạt lở, đã tổ chức thực hiện nhiều giải pháp phòng, chống sạt lở bao gồm giải pháp công trình kết hợp giải pháp phi công trình để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về sinh mạng và tài sản của người dân.
Thời gian qua, trên địa bàn Cần Thơ có khoảng 9.000 hộ bị ảnh hưởng bởi sạt lở. Thành phố đã tiến hành di dời, tái định cư cho khoảng 3.000 trường hợp, số còn lại sẽ được tiếp tục di dời khỏi những khu vực sạt lở, có nguy cơ bị sạt lở theo lộ trình từ nay đến năm 2030 để ổn định cuộc sống cho người dân.
Hằng năm, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố đều làm việc với các địa phương, tổ chức đi khảo sát thực địa rà soát, cập nhật phương án ứng phó với sạt lở bờ sông (rà soát thực trạng sạt lở, xác định cụ thể nguyên nhân sạt lở và đề xuất giải pháp chống sạt lở hiệu quả, an toàn). Thành phố cũng thường xuyên thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục cộng đồng trong phòng chống sạt lở bờ sông, khuyến khích nhân dân bảo vệ cây cối ven sông, không chất thải, không xây cất nhà cửa lấn chiếm lòng sông, không khai thác đất, cát ven sông; tổ chức cắm biển cảnh báo sạt lở tại các vị trí có nguy cơ cao để người dân và chính quyền địa phương chủ động phòng chống.
Cần Thơ cũng phối hợp phối hợp với Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam lập bản đồ dự báo các khu vực có nguy cơ mất ổn định, dễ xảy ra sạt lở, cắm mốc vùng nguy cơ sạt lở tại hiện trường trên tuyến sông Trà Nóc để chính quyền và người dân biết, chủ động phòng chống, ứng phó.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Hè, ngân sách của thành phố còn nhiều khó khăn, hạn hẹp, chưa đủ vốn để đầu tư một số công trình kè chống sạt lở trọng điểm bức xúc. Cần Thơ kiến nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai và các bộ, ngành Trung ương xem xét hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng cho thành phố để thực hiện đầu tư xây dựng một số công trình kè chống sạt lở trọng điểm bức xúc với tổng chiều dài 5.150m, kinh phí đầu tư khoảng 750 tỷ đồng. Trong đó, có 3 dự án ở quận Bình Thủy và 1 dự án ở huyện Vĩnh Thạnh.
Cụ thể, 4 dự án gồm: Kè chống sạt lở sông Trà Nóc, phường Trà Nóc (đoạn từ cuối tường kè Trà Nóc đến rạch Cầu Cống) chiều dài 650m, kinh phí 100 tỷ đồng; Kè chống sạt lở sông Trà Nóc, phường Trà Nóc (đoạn từ cầu Cống đến Rạch Gừa) chiều dài 1.850m, kinh phí 250 tỷ đồng; Kè chống sạt lở khẩn cấp tại vị trí có nguy cơ sạt lở đặc biệt nguy hiểm sông Bình Thủy (đoạn từ cầu Rạch Chanh đến cầu Rạch Cam, phường Long Hòa) dài 650m, kinh phí 100 tỷ đồng và Kè chống sạt lở khẩn cấp kênh Cái Sắn (bờ Bắc kênh Cái Sắn đoạn từ giáp ranh tỉnh An Giang đến kênh Bờ Ao, xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh) chiều dài 2.000m, kinh phí 300 tỷ đồng.
Về lâu dài, lãnh đạo UBND thành phố Cần Thơ đề xuất Trung ương xem xét thực hiện quy hoạch phòng, chống sạt lở cho toàn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để triển khai một cách căn cơ, bài bản, không để mỗi địa phương thực hiện riêng lẻ như hiện nay. Khi có quy hoạch từ Trung ương đưa xuống, các tỉnh có cơ sở để triển khai một cách đồng bộ, phát huy tối đa hiệu quả các công trình phòng, chống sạt lở cho cả vùng.