Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN |
Ông Đào Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn đã xác nhận thông tin này. Theo đó, tàu sẽ hoạt động từ 2 giờ 55 phút đến 23 giờ 11 phút với 22 chuyến/ngày, bao gồm 1 toa chở hành lý, 2 toa ngồi mềm máy lạnh chở khách ngoại ô (128 chỗ) và 5 toa ngồi mềm máy lạnh chở khách trung chuyển.
Khi nhu cầu tăng lên, công ty sẽ bổ sung thêm toa xe. Tàu ngoại ô Sài Gòn sẽ đỗ ở 5 ga gồm ga Sài Gòn, Gò Vấp, Bình Triệu (Tp. Hồ Chí Minh), Sóng Thần, Dĩ An (Bình Dương). Thời gian xuống của hành khách tại mỗi ga là 1 phút và 3 phút dành cho hành khách có phương tiện gửi tàu.
Về phương thức bán vé, hành khách lên tàu tại các ga sẽ mua vé như vé xe buýt với giá 10.000 đồng/lượt cho toàn tuyến, 5.000 đồng/lượt cho chặng nửa tuyến. Hành khách đi tàu mang theo hành lý, xe đạp, xe máy, sẽ được vận chuyển miễn phí; riêng xe gắn máy chỉ nhận chở đến các ga Sài Gòn, Sóng Thần, Dĩ An với giá 5.000 đồng/xe.
Theo ông Đào Anh Tuấn, việc chạy thí điểm tàu ngoại ô Sài Gòn – Dĩ An nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân từ TP Hồ Chí Minh đi các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và ngược lại; góp phần giảm ùn tắc giao thông trong khu vực nội đô, khu vực cửa ngõ ra vào thành phố, thị xã đồng thời tạo thói quen sử dụng phương tiện công cộng. Việc chạy thí điểm sẽ thực hiện đến hết ngày 30/6, trước thời điểm khắc phục xong sự cố sập cầu Ghềnh, Đồng Nai, sau đó sẽ tổng kết và đưa ra phương án chạy tiếp theo.
Theo tính toán, mỗi ngày có khoảng 20.000 lượt người từ khu vực ngoại ô đổ vào nội đô TP Hồ Chí Minh; trong đó, có khu vực của ngõ phía Đông, Đông Bắc (hướng Biên Hòa, Bình Dương). Để phục vụ việc chạy tàu, ngành đường sắt tổ chức thông báo giờ tàu chạy và thời gian chạy tàu qua các chắn ngang để có kế hoạch bố trí lực lượng điều phối giao thông tại các điểm giao cắt, tránh ùn tắc.
“Việc chạy tàu thí điểm ngoại ô Sài Gòn - Dĩ An nằm trong biểu đồ chạy tàu đang thực hiện nên sẽ không ảnh hưởng đến giao thông nội đô TP Hồ Chí Minh; thậm chí giờ chạy tàu cũng không trùng với giờ cao điểm nên sẽ không ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân tại các điểm giao cắt đường ngang.
Mặt khác, Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn cũng đã thông báo kế hoạch chạy tàu đến các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương, Đồng Nai để công nhân biết và thuận tiện cho việc đi lại”, ông Đào Anh Tuấn cho biết thêm.
Liên quan đến việc kết nối tuyến chạy tàu này với các tuyến xe buýt, Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP Hồ Chí Minh, cho biết tại các ga của tuyến tàu ngoại ô sẽ có các tuyến xe buýt kết nối. Đơn cử, ga Bình Triệu hướng ra đường Kha Vạn Cân sẽ có các tuyến xe buýt số 8, 50, 93 còn theo hướng ra Quốc lộ 13 có các tuyến xe buýt số 5, 19, 91; ga Gò Vấp có các tuyến xe buýt kết nối số 8, 50, 93…
Liên quan đến vấn đề đi lại trong dịp Lễ, ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, dịp Giỗ tổ Hùng Vương năm nay, lượng khách đi lại chủ yếu vào ngày 15 - 17/4; ngành đường sắt đã tổ chức chạy 8 đôi tàu, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Riêng dịp Lễ 30/4 và 1/5, hành khách đi lại chủ yếu đến các địa danh như Phan Thiết, Nha Trang, Tuy Hòa, Quảng Ngãi, nhiều nhất vào ngày 29/4 và ngày về là 2/5.
Do sự cố sập cầu Ghềnh nên ga Sài Gòn không đáp ứng được nhu cầu cho khoảng 2.000 khách. Hiện số vé trong ngày 29/4 đã được ga Sài Gòn bán ra gần 4.000 vé và đã hết chỗ. Tất cả khách đi tàu sẽ lên ga Sài Gòn, đến ga Sóng Thần (Bình Dương) và trung chuyển đến ga Biên Hòa (Đồng Nai) để tiếp tục hành trình.