Thí điểm mô hình nông thôn mới(Bài 1)

Mặc dù không phải là những nơi được triển khai thí điểm chương trình nông thôn mới (NTM) nhưng hầu hết các tỉnh đồng bằng Bắc bộ đang tự xây dựng các mô hình NTM theo cách của riêng mình.


Bài 1: Để dân làm chủ


Trong những ngày cuối năm, phóng viên báo Tin Tức đã có dịp tới các xã ngoại thành Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình và Hưng Yên, được chứng kiến nhiều mô hình đã mang lại bộ mặt mới cho nông thôn, góp phần làm cho đời sống người dân “thay da, đổi thịt” từng ngày. Mở đầu cho loạt bài này, là câu chuyện biết vận động sức dân trong việc góp đất mở đường ở một xã ngoại thành của tỉnh Hà Nam.

Không khí xây dựng nông thôn mới (NTM) là “làn gió mát” thổi tới rất nhiều làng quê trên khắp cả nước. “Làn gió” này trước tiên đã mang tới những thay đổi trong nhận thức của người dân về việc xây dựng một nếp sống mới, theo hướng hiện đại, văn minh và sạch sẽ...

Hợp với lòng dân

Điểm đến đầu tiên trong chuyến công tác của chúng tôi là xã Thi Sơn (huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam), nằm gần trục đường quốc lộ 1A, có nhiều khu công nghiệp, và là một xã ven đô điển hình trong xây dựng NTM.

Những con đường khang trang lộng gió đang được hình thành tại xã Thi Sơn (huyện Kim Bảng tỉnh Hà Nam). Ảnh: Hữu Vinh


Sau hơn 1 năm triển khai phong trào, đã có 30/39 chỉ tiêu của chương trình NTM được thực hiện thành công tại xã, cao nhất trong 5 xã thí điểm của Hà Nam. Có được thành tích trên là nhờ xã đã huy động sức dân, để dân làm chủ trong việc xây dựng các công trình, đồng thời huy động kinh phí bằng cách đổi đất lấy hạ tầng.

Không khí xây dựng đang ngập tràn các ngõ xóm trong những ngày cuối năm này. Ngay từ đầu các ngõ xóm đã vang lên tiếng máy trộn bê tông, đường làng, ngõ xóm tấp nập cảnh người dân đang vận chuyển cát, sỏi, xi măng để làm đường. Hàng loại các công trình, đường giao thông đang được tiến hành tu tạo theo hình thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Ông Đỗ Tiến Bút, một người dân xóm 10, xã Thi Sơn, cho chúng tôi biết, chính sách xây dựng NTM của Đảng và Nhà nước được đưa ra đúng thời điểm, phù hợp với ý nguyện của bà con nông dân. “Chúng tôi thực sự phấn khởi khi được các đơn vị cấp trên cho phép mở rộng đường làng, ngõ xóm, đường sá được quy hoạch quy củ” ông Bút nói.

Ông Đỗ Tiến Bút, xóm 10, xã Thi Sơn tự giác di dời phần mộ tổ có niên đại 200 năm để tạo điều kiện cho xã mở đường.


Theo quy định của chương trình NTM, thì đường thôn, xóm phải rộng tối thiểu 3,5 m, có rãnh thoát nước kín. Để có được những con đường lộng gió, khang trang này, nhiều người dân trong xóm đã tự nguyện góp đất của mình. Điển hình là gia đình ông Đinh Văn Chấn, xóm 11, xã Thi Sơn. Gia đình ông có bờ dậu trước cửa nhà dài 50 m, chạy dọc theo đường của xóm, nằm trong địa giới mở đường. Được sự động viên của xã và bà con trong xóm, gia đình ông đã nhất trí phá bỏ bờ dậu trước cửa nhà và xây bờ tường lùi vào, nhường đất làm đường to đẹp, sạch sẽ, tạo điều kiện cho con em trong thôn đi lại.

Không chỉ hiến đất, nhiều gia đình còn tự nguyện di dời cả những ngôi mộ tổ có niên đại hàng trăm năm. “Dòng họ nhà tôi có ngôi mộ tổ 200 năm tuổi nằm ở ngay đầu cung đường mới của xã, chúng tôi tự nguyện di dời mộ để tạo điều kiện cho tương lai con em chúng tôi có đường to, đẹp để đi học, khỏi tai nạn, ngõ xóm xanh, sạch, đẹp, gọn gàng”, ông Bút tâm sự. Ngoài việc tự giác di dời phần mộ tổ tiên, ông Bút còn vận động những nhà còn lại có phần mộ nằm trong địa giới mở đường nhanh chóng di dời để tạo điều kiện cho xã mở đường.

Để dân làm chủ

Có được sự đổi thay như ngày hôm nay là do lãnh đạo xã Thi Sơn đã biết vận động sức dân. Theo ông Bút, lúc đầu, người dân rất lúng túng, chưa biết “hình thù” NTM như thế nào, đồng thời cũng lo sẽ phải đóng góp nhiều vì đa số người dân còn nghèo.

Hiểu được những lo lắng của người dân, xã đã tuyên truyền về lợi ích của chương trình tới từng người, để họ hiểu và biết rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình, sau đó mới bắt tay vào xây dựng. “Khi người dân đồng thuận thì họ rất phấn khởi và nhiệt tình đóng góp sức lao động và tự nguyện góp đất mở đường, trường”, ông Đinh Quang Thăng, Chủ tịch xã Thi Sơn cho biết.

Trong quá trình vận động, nhiều lúc vấp phải khó khăn, vì cũng có thành viên không đồng ý với quyết định của gia đình mình. “Việc vận động bà con tự nguyện di chuyển phần mộ tổ, hay một phần đất của gia đình mình để tạo điều kiện xây dựng các công trình công cộng là khó nhất, vì đụng tới lợi ích, phần linh thiêng của gia đình họ”, Chủ tịch xã Thi Sơn cho biết thêm.

Bên cạnh đó, mặc dù các gia đình đều nhất trí khi thông qua chương trình xây dựng NTM nhưng khi bắt tay vào xây dựng, đụng chạm tới phần tài sản của nhà mình thì họ bắt đầu thấy tiếc. “Tôi đã phải nhiều lần xuống tận hộ dân vận động, thậm chí mời họ sang nhà mình để ăn cơm thân mật, mời cả các cơ quan đoàn thể tới vận động và cả anh em họ hàng, những người có vai vế trong họ để thuyết phục người dân tự nguyện góp đất mở đường, phải vận động tới khi nào thông tư tưởng chúng tôi mới cho xây dựng”, ông Thăng khẳng định.

“Nhưng trên hết, muốn dân tin thì phải để cho họ làm chủ, từ việc chọn vật liệu tới việc trực tiếp giám sát các công trình... Có như vậy họ mới tự nguyện góp tài sản để mở đường”, ông Thăng cho biết thêm.

Thực tế, trong quá trình triển khai hơn 1 năm, nhân dân rất phấn khởi thực hiện. Nhiều gia đình tự giác phá bỏ tường rào cây cối để xây dựng tường bao làm đẹp cảnh quan chung, rồi tự động tham gia các chương trình khơi thông cống rãnh, làm sạch vệ sinh môi trường…

Đổi đất lấy công trình

NTM là mô hình tiên tiến góp phần thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn, nhưng có đủ kinh phí khoảng 100 tỷ đồng cho mỗi xã để xây dựng cơ sở hạ tầng là điều không khả thi với nhiều xã.

Trong khi đó, việc huy động nguồn lực từ người dân cũng gặp nhiều khó khăn vì thu nhập của họ vẫn còn thấp. Hiện thu nhập trung bình của người dân xã Thi Sơn khoảng 11,5 triệu đồng/năm. “Do vậy, không thể bắt người dân đóng góp nhiều. Bình quân mỗi xóm đóng góp khoảng 300 triệu đồng, mỗi người 400.000 - 500.000 đồng nhưng được chia ra làm nhiều đợt”, ông Đinh Quang Thăng, Chủ tịch xã Thi Sơn, cho biết.

Năm 2010, xã Thi Sơn được tỉnh Hà Nam hỗ trợ 6 tỷ đồng, cộng với tiền đóng góp của dân được khoảng 6 tỷ đồng. Do vậy, xã phải sử dụng chính sách đổi đất lấy công trình để có nguồn lực xây dựng các công trình. Trong năm 2010, nguồn thu từ đấu giá đất được khoảng 8 tỷ đồng. Nhưng tổng lại mới được 20 tỷ đồng, chỉ đáp ứng được 1/5 tổng số vốn cần thiết.

“Theo tiêu chí về NTM thì 85% kênh mương cấp ba phải được kiên cố hóa. Thi Sơn có 15 km mương cấp 3 thì 12 km phải được kiên cố hóa, với giá xây dựng hiện nay, kinh phí khoảng 700 - 900 triệu đồng cho mỗi km. Nhà nước hỗ trợ 50% còn nhân dân đóng góp số còn lại vẫn rất lớn. Tìm đâu ra nguồn lực vẫn là câu hỏi rất lớn”, ông Thăng ví dụ.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam Nguyễn Mạnh Hùng, trong xây dựng NTM thì việc quan trọng nhất là nâng cao thu nhập cho người dân, từ đó mới huy động họ đóng góp trở lại để xây dựng công trình. Hà Nam đã thực hiện “dồn điền đổi thửa” từ năm 2000 để giúp người dân tích tụ ruộng đất, nâng cao năng suất, nhưng trên thực tế việc dồn điền đổi thửa chỉ giúp người dân giảm bớt sức lao động chứ không nâng cao thu nhập. Muốn nâng cao thu nhập cho người dân thì phải chuyển đổi cơ cấu lao động sang làm công nghiệp, dịch vụ.

Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành TW Đảng khóa X về nông nghiệp - nông dân - nông thôn và Thông báo số 2-TB/TW ngày 7/4/2009 của Ban Bí thư TW Đảng về Chương trình thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới (NTM), Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình NTM đã chọn 11 xã thí điểm xây dựng NTM. 11 xã được chọn thí điểm là: Thanh Chăn (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên), Tân Thịnh (Lạng Giang - Bắc Giang), Hải Đường (Hải Hậu - Nam Định), Gia Phổ (Hương Khê - Hà Tĩnh), Tam Phước (Phú Ninh - Quảng Nam), Tân Hội (Đức Trọng - Lâm Đồng), Tân Lập (Đồng Phú - Bình Phước), Định Hòa (Gò Quao - Kiên Giang), Mỹ Long Nam (Cầu Ngang - Trà Vinh), Tân Thông Hội (Củ Chi – TP.HCM) và Thụy Hương (Chương Mỹ - Hà Nội).

Ngày 19/4/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 491/QĐ-TTg, ban hành "Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới” bao gồm 19 tiêu chí và được chia thành 5 nhóm: Nhóm tiêu chí về quy hoạch; về hạ tầng kinh tế - xã hội; kinh tế và tổ chức sản xuất; văn hóa - xã hội - môi trường và về hệ thống chính trị.

19 tiêu chí để xây dựng mô hình nông thôn mới bao gồm: Quy hoạch và thực hiện quy hoạch, giao thông, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn, bưu điện, nhà ở dân cư, thu nhập bình quân đầu người/năm, tỷ lệ hộ nghèo, cơ cấu lao động, hình thức tổ chức sản xuất, giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường, hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh và an ninh, trật tự xã hội. Trong 19 tiêu chí lớn sẽ có những chỉ tiêu cụ thể, tổng cộng gồm 39 chỉ tiêu để đánh giá về xã đạt chuẩn NTM.

Bộ tiêu chí còn đưa ra các chỉ tiêu cụ thể theo từng vùng: Trung du miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ, duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên, Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long phù hợp với đặc điểm, điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể của mỗi vùng.

Bộ tiêu chí cũng quy định, tất cả các xã NTM đều phải có hệ thống thủy lợi cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh; có nhà văn hóa và khu thể thao xã đạt chuẩn; có điểm phục vụ bưu chính viễn thông, có Internet đến thôn. Để được công nhận là huyện NTM, phải có 75% số xã trong huyện đạt chuẩn NTM. Nếu tỉnh có 80% số huyện NTM thì sẽ đạt tỉnh NTM.

Hữu Vinh – Viết Tôn

Bài 2: Làm nông thôn mới theo kiểu “nhà nghèo”

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN